Dự án nông nghiệp 37 triệu USD tại Quảng Trị: Mắc-ca, bao giờ hết mắc? 

Sau 3 năm triển khai giai đoạn 1 dự án nông nghiệp chất lượng cao tại huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), một Việt kiều Australia đã bỏ ra gần 10 triệu USD (trên tổng số vốn đăng ký 37 triệu USD) đầu tư vào nhà máy, vườn ươm, vườn trồng cây mắc-ca và dược liệu. Nhưng tiến độ của dự án bị cản trở, gây thiệt hại nặng nề.

Ông Huỳnh Văn Trí và ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (thứ nhất và thứ 2 từ phải sang) - chứng kiến cảnh đàn bò gặm cây mắc-ca và dược liệu.

Trước hàng loạt kiến nghị gửi đi nhưng không được giải quyết, ông Huỳnh Văn Trí (quốc tịch Australia, từ đây viết là Úc) - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Cty TNHH My Anh - Khe Sanh - nói rằng, sẽ phải “khăn gói” ra Trung ương và Đại sứ quán Úc để tìm kiếm sự giúp đỡ, bởi cơ quan chức năng địa phương nơi dự án triển khai toàn… hứa lèo.

Việt kiều làm nông dân

Gặp ông Huỳnh Văn Trí nhiều lần, mặc định, rằng lúc nào khuôn mặt ông cũng khắc khổ, buồn rười rượi. Thậm chí, không ít lần ông Trí bật khóc ngay giữa cuộc họp vì những vướng mắc liên quan đến dự án nông nghiệp có vốn đầu tư 37 triệu USD mà ông là chủ đầu tư. Nhiều người và tôi thắc mắc, tại sao một Việt kiều Úc như ông Trí lại trở về Việt Nam, chọn miền núi Hướng Hóa để đổ tiền triệu đô đầu tư vào nông nghiệp?

Ở vị trí Chủ tịch HĐQT, nhưng ông Trí không khác gì những nông dân đang làm thuê cho dự án. Cứ 6h mỗi sáng, ông lại có mặt ở vườn ươm cây mắc-ca, dược liệu ở xã Hướng Tân với bộ đồ lao động và làm mọi việc, từ hướng dẫn kỹ thuật, làm cỏ, cho đất vào bì ươm, ghép cây mắc-ca, nhân giống từ phôi…

ông Trí dáng người thấp nhỏ, da ngăm, giản dị, làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối, nên nhìn vào chẳng ai phân biệt được ai là vị Việt kiều Úc, ai là nông dân. “Ở Úc, tôi có nông trại trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Theo lời mời gọi của lãnh đạo cao nhất tỉnh Quảng Trị, tôi tiên phong về đây, chọn vùng đất khó để nghiên cứu cây trồng phù hợp với mong muốn tạo đột phá, giúp bà con đồng bào thiểu số và làm giàu ở quê hương” - ông Trí cho hay.

Nhìn vào hình hài của dự án, có thể thấy ngay tâm huyết của vị Việt kiều Úc. Nói về tương lai không xa của dự án, ông Trí khẳng định sẽ hiệu quả, đặc biệt là giải quyết được việc làm có thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương. Ông Trí khẳng định hiệu quả vì căn cứ vào khâu đầu ra của dự án: “Ví dụ như cây mắc-ca, nhiều nơi khó khăn về vấn đề giá cả, nơi tiêu thụ. Nhưng ở đây thì không phải bàn chuyện đó, bởi khi trồng cây mắc-ca tôi đã xây dựng hoàn thiện nhà máy chế biến nông sản trị giá 2 triệu USD với những máy móc hiện đại. Khi mắc-ca thu hoạch rồi, sẽ đưa vào đây chế biến thành bánh kẹo và các thành phẩm khác rồi xuất ra nước ngoài chứ không phải xuất thô sang Trung Quốc. Cây dược liệu hay chuối Nam Mỹ cũng tương tự, thu hoạch xong sẽ qua xử lý, cho vào container đông lạnh rồi xuất khẩu, chứ không phải bán lẻ ở địa phương, hay bán tống bán tháo và phụ thuộc vào thị trường nội địa”.

Cơ sở vật chất cơ bản đã xây dựng xong, cây mắc-ca ở vườn ươm đã trĩu trái, cây chuối Nam Mỹ cũng đã trổ buồng, cho trái ngọt với nhiều hứa hẹn. Thế nhưng, việc liên tiếp xuất hiện các vướng mắc “trời ơi” khiến dự án bị kéo lùi, không rõ bao giờ mới được giải quyết làm ông Trí rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Đụng đâu sai đó

Ở giai đoạn 1 của dự án nông nghiệp do ông Trí làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị cho thuê 587ha đất. Sau khi có hồ sơ quy chủ, kiểm kê, áp giá, Cty My Anh phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện Hướng Hóa tiến hành bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản trên đất cho người dân thôn Lương Lễ và Tà Đủ hơn 6,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi được bàn giao đất thực địa, Cty tiến hành khai hoang thì vấp phải sự phản ứng của người dân ở bản Prô và bản Mới.

“Đất trên giấy tờ là của thôn Lương Lễ và Tà Đủ, nhưng thực tế người dân ở bản Prô và bản Mới canh tác trên đó từ lâu, để tránh rắc rối và trên cơ sở đề nghị của huyện Hướng Hóa, Cty bỏ ra thêm hơn 1,1 tỉ đồng để đền bù lần 2” - ông Trí, lắc đầu. Cắn răng đền bù 2 lần trên một diện tích đất, tưởng như vậy đã thuận lợi, nhưng khi chính quyền vừa bàn giao ranh giới thực địa, Cty tiếp tục khai hoang thì thêm 14 hộ dân ở bản Prô… tiếp tục tranh chấp, và thêm một lần nữa UBND huyện Hướng Hóa đề nghị Cty bỏ thêm tiền để đền bù cho những hộ dân này. Nhưng, vì chính quyền chưa cam kết “nếu phát sinh thêm đền bù, vướng mắc thì huyện chịu trách nhiệm”, và thực tế huyện cũng chưa xác định được 14 hộ nói trên đất ở thửa nào, của hộ dân nào đã được bồi thường ở lần 1, nên Cty không mạo hiểm bỏ tiền bồi thường lần 3.

Đặc biệt, chỉ cần kiểm tra những hồ sơ do Phòng Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hướng Hóa cung cấp, đã cho thấy nhiều điểm bất hợp lý mà hai đơn vị trên chưa giải thích được. Đơn cử như tại Quyết định số 4346 ngày 30.12.2013 về việc giao đất lâm nghiệp cho người dân xã Tân Hợp và Quyết định số 4981 ngày 16.4.2014 về việc thu hồi đất để cho Cty My Anh thuê trồng cây mắc-ca, thì thời gian từ khi giao đất đến khi thu hồi là 105 ngày. Nhưng trong biên bản kiểm kê tài sản trên đất để bồi thường với những hộ được cấp đất theo Quyết định 4346 nói trên, thì độ tuổi của cây cối trên đất từ 1 đến 12 năm (tổng số tiền đền bù hơn 3,8 tỉ đồng)… Đáng chú ý, 7 hộ dân ở thôn Lương Lễ và Tà Đủ có một số thửa đất không có trong quyết định giao đất, nhưng kỳ lạ rằng lại có tên trong quyết định thu hồi và được lập hồ sơ quy chủ, kiểm kê, áp giá để bắt Cty bồi thường...

Doanh nghiệp nản lòng

Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa và các phòng ban liên quan thừa nhận, đa số các vướng mắc nêu trên xuất phát từ việc giao đất, thu hồi, kiểm kê đền bù đều... trên giấy. Chính vì vậy, việc thu hồi tiền đền bù sai đối tượng để trả lại cho Cty My Anh là một việc khó. Nhưng cái khó hiện tại đã và đang diễn ra từng ngày, khiến ông Trí đau đầu nhất là tình trạng hàng trăm con trâu, bò của người dân phá hoại cây mắc-ca, chuối và dược liệu. Nếu cuối tháng 4 vừa rồi, Công an và Viện Kiểm sát huyện Hướng Hóa khám nghiệm có đến 150ha cây mắc-ca, 10ha chuối, 5,5ha sắn và 5ha cây huê bị phá hoại, thì nay con số đã lên đến 200ha, thiệt hại khoảng 25 tỉ đồng.

Trước bức xúc của doanh nghiệp, mới tuần trước, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cùng các ban, ngành đi thực địa để kiểm tra. Chứng kiến những cây mắc-ca cao quá đầu người xanh tốt, những cây chuối Nam Mỹ trổ buồng đồng loạt và hệ thống hạ tầng, nước tưới hiện đại làm thay đổi hàng trăm hécta đất bấy lâu nay hoang hóa, ông Chính kỳ vọng dự án sẽ biến vùng đất này trở nên trù phú. Khi được ông Trí đưa đến địa điểm diện tích cây trồng bị cả đàn bò đang nhởn nhơ gặm, và diện tích đất đã được tỉnh này cho thuê, đã đền bù nhưng chưa trồng trọt được vì tranh chấp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã im lặng và lên xe trở về khi trời đã quá trưa. Ông Trí nghẹn ngào, nói rằng đã chuẩn bị nhiều thông tin để được báo cáo trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, nhưng chưa có cơ hội.

Trong đó, ngoài những kiến nghị giải quyết hàng loạt vướng mắc, còn có những biện pháp để chấm dứt tình trạng người dân thả trâu bò vào phá vườn cây, như việc đề nghị chính quyền bố trí khu đất để Cty khai hoang cho người dân canh tác... Đặc biệt là lời đề nghị đầy tính nhân văn, rằng chính quyền sẽ làm đầu mối để Cty liên kết với người dân có đất trồng cây mắc-ca và chia lợi nhuận 40/60, đối với những hộ dân không có khả năng lao động sẽ được Cty cho mượn 1 triệu đồng/hộ/tháng, đến khi có thu nhập từ cây mắc-ca thì trả dần…

“Tại thời điểm này, tôi không còn niềm tin vào các lời hứa hẹn về mốc thời gian “sẽ hoàn thành giao đất” cho dự án nữa. Đến hết tháng 6.2017 này, các vướng mắc không được giải quyết, chính quyền địa phương không đưa ra cam kết cụ thể, thì tôi sẽ kiến nghị ra cấp Trung ương và Đại sứ quán Úc. Không thể đứng nhìn cơ ngơi của mình dần sa lầy vì những vướng mắc vô lý như trên được” - ông Trí rưng rưng nước mắt.

14 lần ra “tối hậu thư”

Liên quan đến vướng mắc không giao đất đúng tiến độ cam kết cho dự án trồng mắc-ca, dược liệu này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã 14 lần ra “tối hậu thư” chỉ đạo UBND huyện Hướng Hóa phải hoàn thành giao đất, chấm dứt các vướng mắc, tạo điều kiện để nhà đầu tư yên tâm tiếp tục dự án. Tuy nhiên, cả 14 lần đều thất bại.

Hưng Thơ

445 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 498
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 498
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78132074