Dự án nông nghiệp 37 triệu USD: Bên bờ phá sản vì giao đất và đền bù... trên giấy 

Sau 3 năm triển khai, dự án nông nghiệp chất lượng cao có vốn đầu tư 37 triệu USD do một doanh nhân người nước ngoài làm chủ đầu tư tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết. Dù đã đền bù nhiều lần trên một diện tích đất, nhưng vẫn còn đó những tranh chấp nên đất chưa được bàn giao đủ cho doanh nghiệp như cam kết. Vậy bắt nguồn từ đâu mà xuất hiện những vướng mắc này, chúng tôi lật lại hồ sơ và bước đầu đã trả lời được câu hỏi vì sao...

Giao đất, thu hồi đất nhưng không kiểm tra thực tế

Khởi điểm của diện tích đất 587,2ha bàn giao cho Cty My Anh - Khe Sanh (gọi tắt Cty My Anh) thực hiện dự án trồng cây macca và dược liệu do UBND xã Tân Hợp quản lý. Theo ông Trần Vinh - Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, bắt đầu từ năm 2007, triển khai dự án đo đạc cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân địa phương. Từ số liệu đo đạc này, đến năm 2009 (QĐ 109) và 2013 (QĐ 4346), UBND huyện Hướng Hóa đã có quyết định giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân.

Đến ngày 16.10.2014, UBND huyện Hướng Hóa có quyết định số 4981 về việc thu hồi đất để giao cho Cty My Anh thuê đất. Theo quyết định này, diện tích đất thu hồi là 615ha của 80 hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn Lương Lễ, Tà Đủ của xã Tân Hợp. Vị trí, giới hạn khu đất thu hồi được xác định theo đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính khu đất do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hướng Hóa lập ngày 15.10.2014.

Về quá trình tham mưu cho UBND huyện Hướng Hóa giao đất, thu hồi đất, ông Dương Phước Định - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện - cho biết: “Do khối lượng công việc lớn, đơn vị lại ít người nên đã xảy ra sai sót”. Cụ thể, tại quyết định giao đất 109, 4346 và quyết định thu hồi đất 4981, việc thẩm định hồ sơ do đơn vị tư vấn xác lập từ xã lên. Căn cứ vào đó, Phòng TNMT đã tham mưu cho UBND huyện giao đất và thu hồi đất chứ không kiểm tra thực tế. Về hậu quả của việc giao đất “trên giấy”, ông Định trả lời: “Đất giao cho người này, nhưng thực tế người khác có cây trồng, tài sản trên đó. Đơn vị tư vấn sai ở chỗ xác định diện tích đó là đất lâm nghiệp, nhưng thực tế có bà con trồng trọt”.

“Dân chỉ đâu thì kiểm đếm ở đó”

Mặc dù giao đất, thu hồi đất không đúng thực tế, nhưng việc kiểm kê tài sản trên đất để đền bù vẫn được tiến hành. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, quá trình kiểm kê tài sản để đền bù rất sơ sài, bạ đâu làm đấy và rất thiếu trách nhiệm.

Theo ông Lê Đình Tấn - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hướng Hóa, sau khi có quyết định thu hồi đất, đơn vị này được giao làm trung gian kiểm kê tài sản để đền bù. “Đơn vị chỉ có mấy người thôi, nhưng quá trình kiểm kê rất kỹ, đủ các thành phần và sau khi kiểm kê hoàn tất đều ký vào biên bản. Từ biên bản này, sẽ áp giá và Cty My Anh tiến hành đền bù cho người dân” - ông Tấn cho hay. Tuy nhiên, rất nhiều biên bản kiểm kê tài sản lại không có chữ ký của hộ gia đình có tài sản bị thiệt hại. Trả lời thắc mắc này, ông Tấn cho biết quá trình tham gia kiểm kê chủ tài sản có ký vào một bản nháp. Nhưng khi chúng tôi yêu cầu lấy một bản nháp có chữ ký lúc kiểm kê tài sản của trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Dạn (thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp) với số tiền đền bù 308 triệu đồng, thì ông Tấn hẹn sẽ cung cấp sau. Nhưng đến thời điểm ngày 23.5, đến hẹn ông Tấn vẫn chưa tìm thấy.

Nói về lý do dẫn đến chuyện vướng mắc sau khi đã đền bù đất, ông Tấn cho hay đơn vị có một phần trách nhiệm. “Ngay từ đầu không biết trên đất được giao có tài sản của người khác, với lại cán bộ đơn vị cũng không rõ phần đất bị thu hồi ở đâu vì không có cọc giải phóng mặt bằng. Vì vậy, người dân chỉ tài sản ở đâu thì đếm ở đó, chứ không ngờ đất còn có người khác canh tác và có tài sản trên đó” - ông Tấn nói.

Dự án trồng macca và cây dược liệu do UBND tỉnh Quảng Trị cấp giấy phép đầu tư cho doanh nhân Australia đầu tư 37 triệu USD tại huyện Hướng Hóa. Sau hơn 3 năm triển khai giai đoạn 1, đến nay vẫn còn trên 80ha đất chưa được bàn giao dù đã đền bù lần thứ 2 trên cùng một diện tích. Trong 2 năm gần đây, UBND tỉnh này đã ra 14 “tối hậu thư” về hạn cuối cùng phải giao đất cho dự án. Nhưng, mọi việc vẫn ngưng trệ. Hàng ngàn cây giống đắt tiền bị vứt bỏ do quá niên vụ. Cùng với đó, người dân thả bò vào phá vườn macca gây thiệt hại nghiêm trọng, chỉ tính riêng giống cây đã mất khoảng 20 tỉ đồng...

Trao đổi với Lao Động ngày 24.5, ông Huỳnh Văn Trí - chủ đầu tư dự án này cho biết tổng số tiền đã giải ngân vào dự án khoảng 10 triệu USD và hiện đang gặp phải quá nhiều trở lực từ việc giao đất chậm chạp, phát sinh chi phí đền bù hết đợt này đến đợt khác và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. “Tiền đã đổ ra trong đất đai rồi, làm sao hốt lại được nữa. Từ Úc, vợ con, người thân của tôi rất lo lắng, ưu phiền cho dự án này. Tôi tha thiết kính mong lãnh đạo tỉnh thương tôi, chỉ đạo làm sao đó để chính quyền và các cơ quan chuyên môn huyện Hướng Hóa thành tâm ủng hộ, đồng hành cùng dự án...” - ông Trí nói trong nước mắt.

365 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1009
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1009
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87062788