Chiều ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bắt đầu trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với nhiều vấn đề nóng như: Tiến độ dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi; phát triển điện mặt trời; chính sách mới để phát triển năng lượng sạch; hiệu quả của việc sắp xếp lại bộ máy quản lý thị trường; giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 6/11. (Ảnh: Bích Liên)

Năm 2020 sẽ hoàn thành dự án đưa điện về nông thôn, miền núi

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) nêu thực tế dự án đưa điện về vùng nông thôn miền núi trong thời gian vừa qua triển khai chậm, chưa đạt được tiến độ đề ra. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công Thương cho biết nguyên nhân và giải pháp thực hiện trong thời gian tới?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận tình trạng chậm trễ, chưa hoàn thành dự án này. Theo Bộ trưởng, mục tiêu dự án hướng tới là cung cấp điện lưới quốc gia cho 11.000 hộ dân, 17 xã và 9.000 thôn, bản ở tất cả các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn trên cả nước cũng như một số nội dung khác liên quan đến cấp điện cho các trạm bơm tưới nước tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Quy mô tổng vốn đầu tư dự kiến trên 30 nghìn tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, Bộ đã chỉ đạo xây dựng các kế hoạch để cung ứng vốn cho dự án này, bao gồm các nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngân sách địa phương và nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức khác. Trong đó nguồn vốn lớn nhất được trông đợi là của WB và EU, với quy mô lên tới 24.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018, trần nợ công của nước ta lên rất cao, xấp xỉ chạm giới hạn nên Chính phủ đã yêu cầu Bộ kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể tất cả các chương trình đang sử dụng vốn vay dưới danh nghĩa chương trình quốc gia. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định tạm thời không xem xét đưa nguồn vay từ WB và EU, ngoại trừ duy nhất khoản tiền hơn 2.800 tỷ đồng đã được EU giải ngân cho dự án.

Do yêu cầu thời điểm đó, các dự án này không được tiếp tục bố trí vốn cũng như cung cấp các nguồn lực đầu tư cho các địa phương. Tính đến nay, xét cả về tiêu chí vốn và các chỉ tiêu của các dự án, chỉ có khoảng hơn 10% các nội dung của dự án được thực hiện; khoảng 18% nguồn vốn từ ngân sách được giải ngân đã được thực hiện.

Tuy nhiên, sau khi Quốc hội và Chính phủ có những nỗ lực thực hiện an toàn nợ công quốc gia, giảm trần nợ công xuống thì hiện nay, chúng ta có những cơ sở thuận lợi để thực hiện tiếp dự án này. “Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm việc tiếp với WB và EU, chuẩn bị sẵn sàng những nguồn hỗ trợ từ ưu đãi của hai tổ chức này, với quy mô lên khoảng 24.000 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta đủ điều kiện nhằm tiếp tục triển khai các thành phần của dự án. Tuy nhiên, dự kiến đến 2020 mới bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Bộ Công Thương cũng thiết tha kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng vốn vay từ các tổ chức quốc tế nhằm phục vụ cho việc triển khai dự án này”, Bộ trưởng cho biết.

Không lường hết sự phát triển của điện mặt trời

Quan tâm tới vấn đề phát triển điện mặt trời, năng lượng sạch, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) và Đôn Tuấn Phong (An Giang) đặt câu hỏi: Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1200 MW tới 2030 đã bị phá vỡ khi công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu?

Về vấn đề này, Bộ trưởng thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2017 đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent một kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30/6/2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Khi ban hành Quyết định 11 cũng đối mặt nguy cơ lớn thiếu điện 2019-2020 nên điện mặt trời là nguồn năng lượng bổ sung đáng kể. Và thực tế tới 30/6  khi Quyết định 11 hết hiệu lực đã có gần 4.900 MW vận hành, góp phần lớn bổ sung vào nguồn điện năm 2019”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực khiến các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất, ở mức 30-40%. “Từ cuối năm 2018, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung thêm 15 đường dây 110KV, 220 KV... nhưng cũng không triển khai kịp. Hi vọng năm 2020 sẽ có thêm nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng khi có thể giao tư nhân đầu tư đường dây 500 KV”, Bộ trưởng cho biết.

Sản phẩm đội lốt xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề cập tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác hàng Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rồi xuất khẩu sang nước khác được cảnh báo từ lâu, song chậm xử lý. "Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý tình trạng trên ?", đại biểu đặt vấn đề.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này. Đây là thực trạng Bộ Công Thương đã nhận diện từ năm 2016 sau khi Việt Nam hội nhập sâu rộng thông qua loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều ưu đãi thuế quan.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: “Chúng ta đã hội nhập sâu với thế giới, thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại đã ký kết, các ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang thị trường quốc gia đối tác giúp chúng ta có lợi thế về thị trường so với các quốc gia khác. Các hiệp định đa phương, song phương đã ký kết giúp chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm khi sang nước khác. Nhưng với ưu đãi thuế quan, tiếp cận thị trường đã xuất hiện tình trạng sản phẩm đội lốt xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang các thị trường đối tác”.

Theo Bộ trưởng, từ năm 2016, 2017, Bộ Công Thương và Chính phủ đã nhận thức rõ thách thức, nguy cơ về vấn đề này. Thực tế, vừa qua có doanh nghiệp đầu tư xuất khẩu nhôm tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã sử dụng nguyên liệu nhôm nung, nhôm nguyên liệu khác để có xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu đi. Ngay thời điểm nhận thông tin, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn kiểm tra đến làm việc với doanh nghiệp này, báo cáo với các cấp, ban, ngành.

Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể, giao Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ, không cho phép lợi dụng xuất xứ Việt Nam khi tham gia thương mại thế giới. Bên cạnh sản phẩm nhôm này cũng có một số sản phẩm khác có hiện tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam như thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày, gỗ dán, sản phẩm gỗ...Những sản xuất này có dấu hiệu gian lận thương mại, truyền tải bất hợp pháp, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU đã được phát hiện. Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành để xử lý vấn đề này.

Đặc biệt, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý xuất khẩu hàng hóa, sử dụng xuất xứ hàng hóa đã phối hợp chặt chẽ chống lại hành vi này. Vừa qua, Chính phủ đã có đề án ngăn ngừa gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, trong đó đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chính đã được giao cho các cơ quan chức năng. Bộ trưởng khẳng định, hiện nay có thể nói, chúng ta không chậm trễ, gây tổn hại ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác./.

Bích Liên