Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), đa số đại biểu đánh giá đây là một chủ trương quan trọng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, tạo nền tảng pháp lý vững chắc ổn định, góp phần làm minh bạch môi trường kinh doanh cũng như tạo cơ hội để thu hút các nguồn lực to lớn của tư nhân cho việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia trong thời gian tới.
Đồng thời, các đại biểu cũng kỳ vọng Luật PPP giúp các dự án được thực hiện công khai, minh bạch, tránh được tình trạng đổi những khu đất vàng để nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản của Nhà nước như đã từng xảy ra.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, các dự án PPP chủ yếu mới được triển khai thông qua hình thức BOT và BT, tập trung ở lĩnh vực giao thông, trong khi một số lĩnh vực phúc lợi, đặc biệt là lĩnh vực môi trường như xử lý nước thải, rác thải, mặc dù đang rất nóng bỏng, mong muốn các dự án đầu tư vào, Nhà nước cũng có chủ trương, cơ chế mời gọi nhưng vẫn không hiệu quả trong thu hút nhà đầu tư.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, lý do là các địa phương hiện nay vẫn lúng túng trong triển khai PPP ở lĩnh vực này nằm ở quy định cho UBND tỉnh xây dựng mức giá thuê các doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải, bởi khung giá các tỉnh đưa ra thường không hấp dẫn và không ổn định lâu dài.
“Với các dự án môi trường, đòi hỏi phải công nghệ cao mà như vậy thì thường gắn với các doanh nghiệp độc quyền công nghệ. Việc xác định mức giá xử lý chưa có thực tế để đối chiếu, so sánh. Các địa phương sợ rằng khi đưa ra mức giá mà sau này với tiến bộ công nghệ hoặc so với một địa phương khác đàm phán được mức giá thấp hơn, thì lại bị đánh giá có vấn đề”, đại biểu Lâm nói.
Qua đây, đại biểu cũng đề nghị cấp có thẩm quyền cần đưa ra khung giá thống nhất trong phạm vi cả nước đối với các dịch vụ PPP về môi trường mà doanh nghiệp cung cấp để làm cơ sở cho các địa phương yên tâm thực hiện.
|
Đại biểu Phạm Văn Hoà phát biểu tại hội trường. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc. |
Tán thành quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân là trọng tâm thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các dự án đầu tư cạnh tranh công khai, minh bạch, hiệu quả nhằm thu hút khu vực đầu tư tư nhân.
Về việc hành lập Hội đồng thẩm định dự án, đại biểu Hòa cho rằng, ngoài quyền lợi, phải tính đến trách nhiệm của mỗi thành viên Hội đồng để hạn chế việc dự án được thẩm duyệt, lại kém hiệu quả do yếu tố chủ quan.
Ngoài ra, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng yêu cầu làm rõ quy định Hội đồng được thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án. Bởi việc thuê tư vấn là cần thiết nhưng cần quy định rõ là Hội đồng thẩm định thuê hay cơ quan Nhà nước quản lý thuê để đảm bảo khách quan, phòng ngừa đơn vị tư vấn là “sân sau” của Hội đồng thẩm định.
“Nhà nước đóng góp bằng ngân sách hay tài sản khác. Nếu là tài sản khác, phải tính giá trị theo cơ chế thị trường, chứ không phải như thời gian qua góp vốn của Nhà nước bằng bất động sản cho các dự án BT. Nhà nước đổi những khu “đất vàng”, còn nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công và gây dư luận không tốt”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng, cần xem xét lại cách tiếp cận về hợp đồng PPP. Theo thông lệ quốc tế, hợp đồng PPP là hợp đồng hành chính, trong đó, Nhà nước là một bên dùng quyền lực công, tài sản công hợp tác với các đối tác tư nhân để cung cấp dịch vụ công, do đó cần có sự giám sát của nhân dân về nội dung của hợp đồng sau khi chính thức có hiệu lực, chứ không chỉ giám sát chung chung theo Điều 84 và 85 của dự thảo Luật. “Chúng ta cần bảo đảm quyền khởi kiện của người dân với tư cách là người sử dụng dịch vụ công khi dịch vụ công đó được cung cấp không đúng với nội dung hợp đồng PPP đã được ký kết”, đại biểu Lê Anh Tuấn nói.
Theo đại biểu Lê Anh Tuấn, hiện cách tiếp cận của dự thảo Luật về hợp đồng PPP chỉ thuần túy về thương mại, chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các bên trong hợp đồng PPP là Nhà nước và nhà đầu tư, chưa đề cập đến tranh chấp và giải quyết tranh chấp giữa người sử dụng dịch vụ công và bên cung cấp dịch vụ công theo PPP, đặc biệt là trách nhiệm công khai, minh bạch nội dung hợp đồng của nhà đầu tư trong giai đoạn thực hiện dự án.
Về quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn Nhà nước, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) đặt câu hỏi: Vậy cơ quan nào sẽ giúp Quốc hội kiểm soát vấn đề này?
Phân tích thêm quy định này, ĐB Hoàng Quốc Thưởng cho biết, Nhà nước thực hiện đầu tư thông qua hoạt động PPP với nhà đầu tư, và Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư thay vào đó cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp, dự án được thu phí từ cá nhân, tổ chức sử dụng kết cấu hạ tầng với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất. Chi phí đầu tư là cơ sở xác định thời gian, mức thu phí đối với dự án, vì vậy nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì làm sao xác định được thời gian thu phí, mức thu phí đối với công trình là phù hợp.
Lê Sơn