|
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào vận tải. Ảnh: VGP/Thành Vũ |
TNGT giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2016-2020 và Năm An toàn giao thông 2020 diễn ra sáng 9/12, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, 5 năm qua, trật tự ATGT có chuyển biến tích cực, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Ông Hùng cho biết, trong 5 năm (tính từ ngày 15/10/2015 đến 14/10/2020), xảy ra hơn 94.000 vụ, làm chết hơn 39.900 người, bị thương hơn 77.000 người. So với cùng kỳ 5 năm trước, giảm hơn 70.000 vụ, giảm gần 9.400 người chết, giảm hơn 90.000 người bị thương.
Chỉ tính riêng năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/11/2020), toàn quốc xảy ra gần 13.000 vụ TNGT, làm chết hơn 6.000 người, bị thương hơn 9.600 người. So với 11 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.900 vụ, số người chết giảm 927 người, số người bị thương giảm gần 2.500 người. Số người chết và số người bị thương vì TNGT trong năm 2020 đã giảm sâu cả 3 tiêu chí, trong đó số người chết vì TNGT đã giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây, giảm xuống dưới 7.000 người.
Để đạt được kết quả nêu trên, theo ông Khuất Việt Hùng, trước hết là do công tác lãnh đạo chỉ đạo, Đảng bộ, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo đánh giá quá trình thực hiện và sơ kết Chỉ thị 18 của Ban Bí thư và kết luận số 45/2019 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị. Trong đó, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng để tiếp tục triển khai Chỉ thị 18. Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ, sau quá trình tổng kết đánh giá, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 12 về đảm bảo ATGT giai đoạn 2019-2021.
“Cũng trong giai đoạn này, các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Nổi bật, năm 2019, Quốc hội đã ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Ngay ngày đầu tiên Luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt. Nghị định tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn để đưa Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống, thay đổi thói quen của người dân, làm sao để khẩu hiệu "uống rượu bia, không lái xe" đi vào cuộc sống”, ông Hùng cho biết.
Cùng với đó, trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT cùng các bộ ngành, địa phương đã khẩn trương hoàn thành các công trình giao thông hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, đường cao tốc, đồng thời phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh.
Trong giai đoạn 2016-2020, các đơn vị chức năng đã xử lý 1.142 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (gấp 05 lần so với giai đoạn 2011-2015); sơn kẻ 14.500 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 20.725 cụm biển báo; sửa chữa bổ sung 654 km hộ lan phòng hộ; xây dựng 56 đường cứu nạn, hốc cứu nạn…
“Sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương như: TP Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và một số địa phương đã ra quân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, ưu tiên dành vỉa hè cho người đi bộ, tổ chức sắp xếp hợp lý các hoạt động phi cơ giới trên vỉa hè, lề đường, trả lại cảnh quan đô thị… cũng góp phần quan trọng trong kết quả kéo giảm TNGT nêu trên”, ông Khuất Việt Hùng cho hay.
|
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT quốc gia cho biết, TNGT giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây. Ảnh: VGP/ Thành Vũ |
Nâng cao ý thức, ứng dụng công nghệ
Cùng với những kết quả đạt được, ông Khuất Việt Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận TNGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ số người chết và bị thương vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt, thời gian vừa qua, một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải còn xảy ra. Còn 6 địa phương để xảy ra tai nạn giao thông tăng cao trong 5 năm qua là Bắc Giang, Cần Thơ, Hải Dương, Hậu Giang, Tiền Giang, Thừa Thiên-Huế.
Nguyên nhân là do sự chỉ đạo, điều hành chưa hiệu quả; việc xây dựng, ban hành và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về ATGT chậm; năng lực và hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, ông Hùng cho biết, còn dư luận về một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, tuần tra kiểm soát có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định.
Bàn về giải pháp, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, trước tiên, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATGT. Tập trung làm tốt hơn hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật liên quan đến trật tự ATGT, trong đó trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiện toàn nâng cao năng lực, hiệu lực của Ủy ban ATGT Quốc gia cũng như Ban ATGT các địa phương; phân công, phân nhiệm rõ chức năng, nhiệm vụ các lực lượng, các Bộ, ngành làm công tác đảm bảo ATGT, tránh chồng chéo.
Thứ hai là tiếp tục làm tốt công tác phát triển, bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh việc đẩy mạnh chỉ đạo về tiến độ, chất lượng trong nâng cấp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thì tiếp tục làm tốt hoàn thiện tiêu chuẩn thiết kế công trình giao thông. Hướng đến có hạ tầng thân thiện với người tham gia giao thông, giúp cho người tham gia giao thông có xu hướng tuân thủ quy định pháp luật ATGT...
Một nhiệm vụ có tính chất trụ cột khác là làm sao phải có những người tham gia giao thông an toàn, hay nói cách khác là tiếp tục làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT bằng việc đổi mới cách thức, phương pháp tuyên truyền, hình thức thể hiện hấp dẫn đối với từng nhóm đối tượng tham gia giao thông. Đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, ứng dụng công nghệ trong giám sát sát hạch để có người điều khiển phương tiện an toàn.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia nhìn nhận: “Việc kéo giảm TNGT trong 5 năm vừa qua chúng ta đã làm được và có kết quả đột phá, thời gian tới, nếu làm quyết liệt chúng ta có thể làm tốt hơn nữa”.
“Kết cấu hạ tầng giao thông tốt là căn bản để kéo giảm TNGT, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch để hình thành hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Nếu như Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã đi vào cuộc sống, giúp cho hoạt động vận tải hành khách đường bộ đi vào quy củ, ý thức nhân dân được nâng cao thì việc sửa Luật Giao thông đường bộ tới đây sẽ tiếp tục giải quyết những vấn đề đang tồn tại. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng các đơn vị liên quan của Bộ phải tiếp tục xử lý điểm đen TNGT, thực hiện kiểm soát tải trọng trên đường, đổi mới công tác sát hạch, cấp đổi Giấy phép lái xe…”, Bộ trưởng yêu cầu.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động vận tải như đào tạo, sát hạch, cấp đổi Giấy phép lái xe; phạt nguội; đăng kiểm… Bộ trưởng cho rằng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sẽ là “chìa khóa” cho công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Không vì Tết mà nể nang, xuê xoa
Chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Dương lịch, sau đó là Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ 13 của Đảng và chúng ta sẽ đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Công điện 1711 ngày 7/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2021.
Đặc biệt lưu ý công bố và duy trì trực ban 24 giờ trong ngày, số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị có chức năng tiếp nhận và xử lý vi phạm TTATGT; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; trấn áp những kẻ cố tình chống đối người thi hành công vụ; không vì Tết mà nể nang, xuê xoa.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền để toàn xã hội thấy việc dừng xe, kiểm tra, thậm chí xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra đó chính là món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với mọi người dân.
Tại Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chính thức phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT giai đoạn 2021-2025 trong phạm vi toàn quốc.
|
Phan Trang