Những hướng dẫn về quy trình khuyến khích và bảo vệ ý tưởng đột phá được trình bày tại Chương II, Dự thảo "Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung".
Cụ thể, Điều 5 quy định cho tình huống bình thường và Điều 7 quy định cho tình huống cấp bách, khẩn cấp.
Phân tích các Điều 5, 7, 10, và 11 của Dự thảo cho thấy trong bất cứ tình huống nào, khả năng triển khai các ý tưởng mới, sáng tạo đều phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu đơn vị.
Về trình tự, cán bộ muốn thực hiện sáng kiến đột phá phải báo cáo người đứng đầu trực tiếp. Người đứng đầu sẽ có thời hạn 10 ngày để trả lời đề xuất đó. Nếu đề xuất sáng tạo thuộc phạm vi thẩm quyền của cơ quan cấp trên thì trong vòng 5 ngày, người đứng đầu trực tiếp phải báo cáo cấp trên hoặc để cán bộ đề xuất được trực tiếp trình bày với cấp trên.
Thực tế cho thấy chúng ta không nên suy nghĩ đơn giản rằng bất cứ ý tưởng mới nào phục vụ lợi ích chung cũng sẽ dễ dàng được chấp nhận. Ngược lại, mọi sự đột phá hay sáng tạo luôn gặp phải những "rào cản", cả trên phương diện quan điểm, lợi ích cá nhân cũng như các nguyên tắc, quy định thể chế của tổ chức.
Do đó, một vấn đề dễ thấy từ trình tự thực hiện nêu trên là các ý tưởng mới có thể không được ủng hộ hoặc bị gây khó dễ, trì hoãn bởi những lý do cá nhân, cảm tính, thậm chí lợi ích thiển cận của người đứng đầu. Nguy cơ này đặt cán bộ có ý tưởng mới trước thách thức không chỉ phải thực sự khách quan, sắc sảo, thuyết phục trong trình bày, luận giải cho ý tưởng của mình mà còn phải hết sức "thấu lý, đạt tình, và kiên trì" trong việc thuyết phục sự ủng hộ từ người đứng đầu đơn vị.
Vai trò then chốt của người đứng đầu cũng thể hiện qua khả năng tự quyết định và chịu trách nhiệm. Về nguyên tắc, theo Dự thảo, các đề xuất đột phá đều sẽ phải thông qua cuộc họp ban lãnh đạo đơn vị. Tuy nhiên, trong trường hợp ban lãnh đạo đơn vị không đồng ý thông qua thì cá nhân người đứng đầu vẫn có thể cho triển khai đề xuất và chịu mọi trách nhiệm trước cấp trên và pháp luật liên quan đến quyết định của mình.
Xét thực tế, hệ thống ra quyết định vận hành theo cơ chế "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" ở nước ta hiện nay thì việc tự quyết định và tự chịu trách nhiệm sẽ đặt người đứng đầu trước những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai nếu việc triển khai đề xuất không thành công, hoặc có vi phạm. Bởi thế, để ý tưởng đột phá có thể được thực hiện thì không chỉ đòi hỏi cán bộ đề xuất phải có bản lĩnh mà người đứng đầu cũng phải "dám làm, dám chịu". Xét logic tâm lý và hành vi cá nhân gắn với khu vực công, có thể dự báo những tình huống quyết đoán như vậy sẽ ít khi diễn ra.
Một điểm nữa cho thấy vai trò then chốt của người đứng đầu là họ phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát, động viên và xử lý kịp thời các tình huống mới xảy ra khi triển khai đề xuất sáng tạo. Quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm hoặc không thực hiện các đề xuất sáng tạo phải thông qua tập thể ban lãnh đạo nhưng Dự thảo Nghị định lại không quy định trách nhiệm cụ thể của ban lãnh đạo. Thay vào đó, Dự thảo chỉ nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trực tiếp.
Về bản chất, khuyến khích và bảo vệ các đề xuất sáng tạo chính là trao cơ hội cho cán bộ năng động để họ có thể không tuân theo các quy định hiện hành. Nói cách khác, để vượt qua sự chồng chéo, không rõ ràng hoặc bất cập… của các quy định hiện tại so với với thực tế tình huống công việc thì cán bộ có ý tưởng khác biệt khi chứng minh được mình hành động vì "lợi ích chung" thì có thể nhận được sự ủng hộ triển khai và bảo vệ.
Trong trường hợp ý tưởng mới không nhận được sự ủng hộ từ ban lãnh đạo đơn vị, bao gồm cả người đứng đầu, thì cán bộ muốn đột phá có thể báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp.
Tuy nhiên, nếu tình huống này xảy ra thì kể cả khi được phê chuẩn triển khai, cán bộ dám nghĩ, dám làm cũng sẽ đối diện với nhiều khó khăn.
Cụ thể, họ vẫn phải thuyết phục các đồng nghiệp trong đơn vị cũng như ban lãnh đạo trực tiếp để có được sự hợp tác. Bởi lẽ, ngoại trừ những nhiệm vụ mà cá nhân có thể triển khai hoàn toàn độc lập, nếu không có sự hợp tác từ các đồng nghiệp trong đơn vị thì khả năng thực hiện các ý tưởng mới trong khu vực công là vô cùng khó khăn, thậm chí không thể thực hiện.
Cần lưu ý là việc khuyến khích sáng tạo không đồng nghĩa với sự ủng hộ các biểu hiện lợi dụng chủ trương hay hành động tùy tiện. Cán bộ thực hiện các giải pháp sáng tạo cần ý thức rằng họ vẫn có thể bị xem xét xử lý. Căn cứ để xem xét xử lý vi phạm là việc triển khai đề xuất không đúng như được phê duyệt, không chấp hành chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền hoặc lợi dụng chủ trương để trục lợi cá nhân, nhóm thiển cận. Cũng có nghĩa nếu cá nhân sáng tạo chứng minh được sự "không tư lợi" và chỉ phục vụ lợi ích chung thì họ có thể yên tâm triển khai những đề xuất đột phá.
Phân tích tổng thể quy trình được trình bày trong dự thảo Nghị định cho thấy 2 điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, Nghị định tập trung nhấn mạnh, khuyến khích đột phá trong việc thực hiện các quy định pháp lý và hành chính. Điều này cũng có nghĩa Nghị định chưa bao phủ được những ý tưởng đột phá ở cấp độ chủ trương, chính sách.
Thứ hai, để có thể khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám đột phá, sáng tạo thì không thể thiếu vai trò then chốt của người đứng đầu đơn vị.
Cũng vì thế, cán bộ dám đột phá không chỉ tập trung vào những bất cập của các quy định, mà cũng cần nhận thức rõ cả những thách thức trên phương diện quan điểm, lợi ích cá nhân của người đứng đầu để thích ứng.
Nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo được Bộ Nội vụ xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tư pháp để thống nhất hình thức, quy trình xây dựng Nghị định.
Cuối tháng 12/2022, Bộ Tư pháp đồng ý với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ xây dựng Nghị định theo hình thức rút gọn.
Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đồng ý xây dựng Nghị định này theo hình thức rút gọn.
TS. Nguyễn Văn Đáng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh