|
GS. Phạm Văn Điển - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với GS. Phạm Văn Điển - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNN) về vấn đề này.
Ông có thể cho biết về những thách thức đối với phát triển kinh tế rừng ở nước ta trong thời gian qua?
GS. Phạm Văn Điển: Có thể tóm tắt ba nhóm thách thức chính. Đầu tiên phải kể đến vấn đề tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế ngành. Trước đây, chúng ta chưa rõ về con đường phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý rừng và cải thiện sinh kế bền vững. Chưa nhận thức rõ sức sống của kinh tế rừng là chuỗi giá trị vận hành theo cơ chế thị trường. Chưa hình dung rõ nét về mô hình của ngành kinh tế - kỹ thuật tích hợp đa mục đích, tối ưu hiệu quả và ích lợi. Có thể nói, đây là thách thức không dễ vượt qua trong quá khứ, là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra "độ trễ" của các chính sách trong phát triển kinh tế rừng.
Tiếp đó là rào cản về kinh tế, xã hội và tự nhiên ở vùng rừng núi. Phát triển kinh tế rừng thường diễn ra ở nơi chậm phát triển, khó tiếp cận, yếu cả về thế và lực. Từ vùng núi, trung du, cao nguyên đến vùng ven biển và hải đảo đều chịu nhiều sức ép nảy sinh trong quá trình phát triển nông thôn và đô thị hóa. Các hiện tượng bất lợi và dị thường của thiên nhiên cùng với suy thoái tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu cũng là thách thức lớn và lâu dài cho phát triển kinh tế rừng.
Thách thức thứ ba là hiệu quả của phát triển kinh tế rừng chậm được biểu hiện trong khi tính bền vững thường mong manh và rủi ro khá cao. Năng suất rừng trồng còn thấp, hiện chỉ đạt bình quân 15-18 m3/ha/năm (bằng khoảng 50-60% so với tiềm năng). Lợi nhuận từ rừng trồng keo, bạch đàn với tuổi khai thác 6-8 năm chỉ đạt 7-12 triệu đồng/ha/năm, chưa tính đến chi phí có thể gây ra suy thoái đất. Nhiều trường hợp giá thành cao hơn giá bán, nên không có lãi. Chuỗi giá trị lâm sản còn yếu về tiềm lực, thấp về hiệu quả, lỏng về liên kết và bất cân bằng về lợi ích. Công nghệ chế biến lâm sản còn hạn chế, cơ cấu thị trường lâm sản chưa hợp lý. Một số loại dịch vụ môi trường rừng chưa được khai thác thành nguồn thu cho đầu tư phát triển rừng.
Phát triển kinh tế rừng thời gian qua có nhiều đột phá, không chỉ thể hiện ở giá trị xuất khẩu lâm sản liên tục tăng mạnh từ 3,4 tỷ USD (năm 2010), 7,2 tỷ USD (năm 2015), 13,2 tỷ USD (năm 2020) và dự kiến đạt trên 14,5 tỷ USD (năm 2021), mà còn ở nhiều giá trị khác. Vậy, ngành lâm nghiệp đã có những đột phá gì để có thể đạt được kết quả như hiện nay, thưa ông?
GS. Phạm Văn Điển: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004) và Luật Lâm nghiệp (2017) được coi là những “bước ngoặt” lớn trong phát triển lâm nghiệp. Có thể thấy rõ những điểm nhấn nổi bật như sau:
Tư duy phát triển ngành được nâng lên tầm cao mới. Từ quản lý bằng mệnh lệnh hành chính sang quản lý bằng pháp luật. Từ nền lâm nghiệp nhà nước, quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp xã hội, phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chuyển từ sản xuất lâm nghiệp, lấy bảo vệ và phát triển rừng làm chính sang quản lý, kinh doanh lâm nghiệp, mở rộng thêm sử dụng rừng, chế biến, thương mại lâm sản và các giá trị dịch vụ môi trường rừng. Chuyển từ khai thác rừng tự nhiên như một phương thức truyền thống sang đóng cửa rừng tự nhiên và thực hiện bảo tồn có khai thác. Chuyển từ phát triển rừng trồng theo hướng phủ xanh sang rừng trồng kinh tế và thực hiện kinh tế vì môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mở rộng phạm vi chế định sở hữu rừng theo hướng khuyến khích và phù hợp với Hiến pháp (2013).
Nhìn nhận sức mạnh và tính bền vững của lâm nghiệp đến từ màu xanh trên đại ngàn và màu vàng trong nhà máy. Tài nguyên rừng (màu xanh) và giá trị kinh tế từ rừng (màu vàng) được duy trì và nâng cao là biểu hiện của sức cạnh tranh, tính hợp pháp và hiệu quả của các chuỗi giá trị lâm sản, là cân bằng giữa bảo tồn với phát triển. Kết nối "màu xanh" với "màu vàng" là lựa chọn đúng đắn. Suy rộng ra, màu xanh là nền tảng của kinh tế xanh và kinh tế xanh thì phải có rừng.
Thấy rõ lâm nghiệp là ngành hội tụ đầy đủ nhất về kinh tế - xã hội - môi trường - an ninh quốc phòng. Vì vậy, điểm mấu chốt trong phát triển lâm nghiệp là cần tạo được thế "cân bằng" giữa các nhu cầu và các chủ thể trong quá trình phát triển. Lấy phát triển để bảo vệ và lấy bảo vệ rừng để phát triển kinh tế - xã hội.
Chúng ta đã bứt phá đi lên. Đi lên từ nghèo đói và suy thoái rừng. Bây giờ, không những chúng ta giữ được rừng tự nhiên (10,3 triệu ha), làm cho rừng của ta ngày một giàu lên, mà còn có hơn 4,3 triệu ha rừng trồng. Giá trị lâm sản và giá trị dịch vụ môi trường rừng ngày càng tăng là sản phẩm thiết thực của những đột phá trong phát triển kinh tế rừng ở nước ta.
Ông có thể cho biết thêm về định hướng và giải pháp phát triển kinh tế rừng bền vững hiện nay ở nước ta, thưa ông?
GS. Phạm Văn Điển: Về định hướng, các loại rừng đều phát huy giá trị kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp. Rừng trồng sản xuất là nguồn nguyên liệu quan trọng của chuỗi giá trị lâm sản trong nước và toàn cầu. Lâm sản ở đây gồm cả lâm sản gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Phấn đấu đến năm 2030, diện tích rừng trồng sản xuất đạt 3,6 triệu ha, tăng thêm so với hiện nay khoảng 0,6 triệu ha. Sự hiện diện của rừng trồng, đặc biệt là rừng trồng gỗ lớn, cao sản, chu kỳ dài cũng tạo ra nguồn thu quan trọng từ dịch vụ môi trường rừng hoặc từ các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản theo phương thức tích hợp giá trị. Rừng tự nhiên được định hướng là đóng cửa đến năm 2030 hoặc dài hơn, nhưng phát huy giá trị kinh tế của loại rừng này thông qua bảo tồn có khai thác, tức là giữ lại cây gỗ, nhưng khai thác lâm sản ngoài gỗ và dịch vụ môi trường của loại rừng này. Khái quát lại, giá trị kinh tế của từng loại rừng sẽ được khai thác với hình thức và mức độ ưu tiên khác nhau, nhưng điểm chung là các giá trị đó đều được tích hợp và được tối ưu hóa trong mỗi khu rừng. Phát triển kinh tế rừng là phát triển kinh tế tổng hợp. Tạo thu nhập từ rừng gắn với quá trình làm cho rừng tốt hơn và ngày càng thể hiện rõ các giá trị cốt lõi của nó, là triết lý căn bản. Phát triển kinh tế rừng nhằm tạo ra cả "tiền tệ lâm sản" và "tiền tệ sinh thái", là xu thế của thời đại.
Về giải pháp, tôi nhấn mạnh là, thị trường sẽ điều tiết, nên các thành viên tham gia vào chuỗi giá trị lâm sản hay dịch vụ môi trường rừng đều có giải pháp của họ. Tuy nhiên, với vai trò quản lý nhà nước, có thể nhấn mạnh bốn nhóm giải pháp bổ trợ. Một là, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị lâm sản, hướng mạnh ra toàn cầu. Tạo cơ chế và môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và hợp tác xã lâm nghiệp "làm tổ" tại mỗi vùng nguyên liệu. Hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho chủ rừng; hỗ trợ cho người dân, thanh niên khởi nghiệp từ rừng.
Hai là, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu. Khuyến khích tiến trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Đưa giống tốt vào sản xuất, thực hiện thâm canh và xác định chu kỳ kinh doanh hợp lý để bảo tồn và bồi bổ đất. Trồng hỗn giao, đa canh, xen canh để phòng chống dịch bệnh.
Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc mở rộng thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó có chi trả dịch vụ thương mại carbon rừng, trao đổi, giao dịch hạn ngạch giảm phát thải.
Bốn là, phát triển "mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm" phù hợp lâu dài với sự đổi thay của thế giới và với cả bối cảnh rủi ro hay dịch bệnh khó lường.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Hương