Đồng ý để 11 tỉnh sáp nhập các xã, giảm gần 200 đơn vị hành chính 

(ANTD.VN) - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở 11 tỉnh, qua đó giúp giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 182 đơn vị cấp xã…

ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng 17-12, tại phiên họp 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và việc thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông. 

Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về các Đề án nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị của các tỉnh trong việc khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính.

Sau khi thực hiện sắp xếp tại các tỉnh này, đã giảm được 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 182 đơn vị hành chính cấp xã.

Căn cứ vào hồ sơ của 11 tỉnh, có 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 24 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng Chính phủ và địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp. Ủy ban Pháp luật đề nghị ghi nhận để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với 2 trường hợp cấp huyện (huyện đảo Cô Tô và Cồn Cỏ), 16 trường hợp cấp xã.

Trong số 11 tỉnh đề nghị sắp xếp lần này, số lượng các đơn vị hành chính sau sắp xếp mà chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định là khá lớn (76 đơn vị).

Mặt khác, để bảo đảm tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính trong năm 2019 theo kế hoạch của Trung ương, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án của các tỉnh còn lại (dự kiến khoảng 25 tỉnh) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, chậm nhất là tháng 1-2019.

ảnh 2

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân báo cáo giải trình tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nêu ra một số vấn đề còn băn khoăn như: với việc sáp nhập các xã thì sau sáp nhập trung tâm xã đặt ở đâu? Tên gọi của các xã có thay đổi không? Hiệu quả của việc sáp nhập và tác động của nó tới các địa phương, người dân ở địa phương ra sao? Việc bố trí và sắp xếp cán bộ dôi dư như thế nào?...

Giải trình những vấn đề đặt ra, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, theo lộ trình, Bộ đã trình Chính phủ đề án sắp xếp của 38 tỉnh, đang tiếp tục thẩm định các đề án, riêng TP. HCM và Hà Nội chưa gửi đề án về cho Bộ Nội vụ.  

Về giải pháp, theo ông Lê Vĩnh Tân, việc sắp xếp tối đa chỉ nên dừng lại ở 3 đơn vị hành chính, nếu vẫn không đủ tiêu chí thì thôi, bởi nếu mở rộng sắp xếp thêm cho đủ thì sẽ gây xáo trộn lớn.

Về cơ sở vật chất, các trụ sở cũ sau sắp xếp vẫn được sử dụng chứ không xây mới. Trong 2 - 3 xã sáp nhập vào làm 1 thì chọn xã nào có truyền thống văn hóa, lịch sử, có cơ sở vật chất tốt thì lấy làm trung tâm xã. 

Hay về giải quyết cán bộ dôi dư, quá trình sắp xếp cũng được áp dụng 4 chính sách: Giải quyết chế độ thôi việc, không tái cử với cán bộ cấp xã, tinh giản biên chế, số còn lại vẫn thừa thì các địa phương tự cân đối ngân sách để trả lương sử dụng cán bộ… 

Kết thúc phiên họp sáng nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành biểu quyết với tỷ lệ 100% đại biểu đồng ý về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở 11 tỉnh, thành phố nêu trên.

Duy Tiến

370 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1244
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1244
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87139561