Động viên các gia đình sinh đủ 2 con 

(Chinhphu.vn) – Mức sinh thay thế thấp sẽ làm già hóa dân số, tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số ngày càng bị thu hẹp. Vì vậy, Tổng cục DSKHHGĐ tiếp tục tuyên truyền và động viên các gia đình sinh đủ 2 con.

Theo ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục (Tổng cục DSKHHGĐ, Bộ Y tế),  hiện Tổng cục DSKHHGĐ chưa tìm ra lời giải về sự khác biệt mức sinh giữa Hà Nội và TPHCM trong khi điều kiện kinh tế, văn hóa khá tương đồng.

Cụ thể là trong khi điều kiện kinh tế, văn hóa khá tương đồng, nhưng mức sinh giữa hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM rất khác nhau.

Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số sinh của Hà Nội vẫn ở mức cao do hằng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ nhiều, dân số cơ học tăng nhanh, quy mô dân số lớn, địa bàn rộng. Bên cạnh đó, tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hà Nội quá cao, với tỷ lệ 114 trẻ trai/100 trẻ gái.

Trong 6 tháng đầu năm, số sinh toàn Thành phố là 46.965 trẻ, tăng 510 trẻ so với cùng kỳ năm 2016, một số địa phương tăng sinh cao như huyện Mê Linh, quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Gia Lâm. Đặc biệt, số trẻ sinh ra là con thứ 3 vẫn tăng mạnh, với 3.517 trẻ, tăng 78 trẻ so với cùng kỳ năm trước. Sóc Sơn, Đông Anh, Mỹ Đức, Sơn Tây, Mê Linh… là những địa bàn có nhiều người sinh con thứ 3. Hiện, mức sinh ở Hà Nội bình quân 1 phụ nữ sinh 2,09 con.

Tại TPHCM, mặc dù là một trong những địa phương đi đầu cả nước về tỷ số cân bằng giới tính khi sinh nhưng lại có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân một phụ nữ sinh 1,45 con, chưa đạt mức sinh thay thế. Tỷ lệ sinh này nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động.

“Liệu có phải chỉ là do nguyên nhân từ văn hóa vùng miền, quan niệm cuộc sống, bởi nhiều người tại Hà Nội vào TPHCM sinh sống, cũng chỉ sinh một con, dù trai hay gái”, ông Mai Xuân Phương đặt giả thiết.

Cũng theo ông Mai Xuân Phương, mức sinh thay thế thấp là vấn đề rất đáng quan ngại vì sẽ phá vỡ cấu trúc gia đình, làm già hóa dân số, không đủ sản sinh ra những đoàn hệ thay thế cha mẹ trong một thời gian dài và sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số ngày càng bị thu hẹp.

Chính vì vậy, Tổng cục DSKHHGĐ tiếp tục tuyên truyền và động viên các gia đình đẻ đủ 2 con và tới đây sẽ có điều tra về nguyên nhân để góp phần xây dựng chính sách phù hợp.

Chia sẻ với báo chí, GS.Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng, 12 năm nay Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ sinh 2,1 con (Hà Nội là 2,09 con). Với kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cho thấy mức sinh giảm quá sâu sẽ khó phục hồi được. Vì vậy, có thể đã đến lúc Việt Nam nên nới lỏng chính sách sinh con?

Thúy Hà

447 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1071
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1071
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87087111