Động lực nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là nhặt thật nhiều để rồi cho đi 

(GDVN) - Trước câu hỏi của học trò rằng động lực nào khiến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đam mê nghiên cứu khoa học, câu trả lời đã khiến cả trường Triệu Phong bất ngờ

Ngày 8/5, trên quê hương của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0” tại trường Trung học phổ thông Triệu Phong (Huyện Triệu Phong, Quảng Trị).

Trong cái nắng oi ả của những ngày đầu tháng 5, hơn 1100 học sinh cùng các thầy cô giáo trường Triệu Phong đã được gặp gỡ và giao lưu với diễn giả đặc biệt Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

Hơn 1100 học sinh và các thầy cô giáo đã được nghe diễn giả đặc biệt là Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng truyền tải cảm hứng học tập, giảng dạy. (Ảnh: LC)

Được thành lập năm 1987, thầy và trò trường Trung học phổ thông Triệu Phong tự hào được học tập và công tác dưới mái trường đầu tiên của cả huyện được mang tên chính mảnh đất đầy nắng và gió Triệu Phong.

Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, các thế hệ thầy cô giáo, các em học sinh đã có những bước tiến vững chãi, song hành cùng sự trưởng thành của phong trào giáo dục huyện nhà.

Trong ký ức của nhiều thầy cô giáo đã từng công tác lâu năm trong trường, những ngày đầu xây dựng và phát triển trường Triệu Phong là những ngày bắt đầu lại từ "con số âm".

Sân trường ngày nay đã rợp một màu xanh, nơi đi theo bao ký ức của từng thế hệ học trò, nhưng ít ai biết rằng cách đây 30 năm, sân trường rợp màu xanh ấy vẫn còn chi chít hố bom.

Cứ mỗi ngày, sau buổi học chính khóa học sinh lại cơm nắm cơm đùm ở lại trường để rồi thầy trò cùng nhau chở cát san lấp hố bom, cải tạo khuôn viên.

Những món quà đầy ý nghĩa của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giúp các thầy cô giáo có thêm động lực trong công tác giảng dạy. (Ảnh: LC)

Sau mỗi giờ lên lớp các thầy giáo, cô giáo lại cùng học sinh cầm cuốc xẻng mở đường vào trường, trả lại mặt bằng cho khuôn viên, bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu mồ hôi đã đổ xuống đây để ươm mầm cho màu xanh, sức sống trên mảnh đất mà nhiều người từng nghĩ: sẽ không có cái gì tồn tại được.


Điều này rất bổ ích cho không chỉ học sinh nhà trường trước khi bước chân vào ngưỡng của cuộc đời mà còn giúp các thầy cô giáo hoàn thiện các kỹ năng giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho các em học sinh.Sau hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, nói như nhà giáo Nguyễn Thuận, Hiệu trưởng nhà trường, thầy và trò trường Triệu Phong rất vinh dự và tự hào được đón Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về truyền cảm hứng và kỹ năng.

Trong buổi hội thảo Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các em học sinh trường Triệu Phong đã hiểu được những thách thức và cơ hội của các em khi thế giới bước vào thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0.

Với cách chia sẻ gần gũi, thân thiện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, buổi Hội thảo đã trở thành hoạt động ngoại khóa đầy bổ ích cho các em học sinh trường Triệu Phong.

Không chỉ hiểu được thách thức và cơ hội, với tấm lòng của một nhà giáo kỳ cựu, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã truyền thụ cho các em học sinh kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp đối với lứa tuổi học sinh Trung học phổ thông.

Ấn tượng với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhiều em học sinh đã mạnh dạn gửi câu hỏi, giao lưu với Giáo sư.

Rất nhiều lĩnh vực khác nhau đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giải đáp.

Trước câu hỏi của một em học sinh lớp 10B2 về động lực nào giúp Giáo sư Nguyễn Lân Dũng học qua 4 trường Sư phạm và kiên trì say mê nghiên cứu khoa học, câu trả lời của Giáo sư đã khiến các thầy cô giáo, các em học sinh hết sức bất ngờ.

Động lực của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong hoạt động khoa học rất đơn giản: "Nhặt thật nhiều để cho đi". (Ảnh: LC)

Bởi, động lực để Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vượt qua mọi khó khăn, học tập tốt, tập chung nghiên cứu khoa học rất đơn giản:

“Động lực của tôi là nhặt thật nhiều rồi để cho đi. Hít thở nhiều rồi thở ra”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng khuyên các em học sinh mạnh dạn sống với chính mình, sống để mơ ước, quyết định tương lai, số phận của mình bởi cuộc đời các em nằm chính trong tay các em.

Các em phải sống có ước mơ kiên trì đạt được nó.

Các câu chuyện về lòng hiếu thảo với cha mẹ thầy cô, sống là người tự trọng, bảo vệ danh dự của bản thân đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi gắm đến học sinh và thầy trò trường Trung học phổ thông Triệu Phong.

Buổi hội thảo: "Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức đã trở thành buổi hoạt động ngoại khóa đầy bổ ích đối với không chỉ các em học sinh lớp 12 sắp bước vào kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn cả các em học sinh lớp 10, lớp 11 của nhà trường.

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777.

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Trần Phương
688 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1226
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1226
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87155461