Trước thực trạng đó, trong thời gian qua, cùng với việc triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò đồng hành cùng thanh niên nông thôn trong lập thân, lập nghiệp. Một trong những nét điển hình là hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ thanh niên tiếp cận cơ hội được học nghề, có việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Tổ chức tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ hội viên, thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế thông qua các mô hình câu lạc bộ, tổ đội, nhóm thanh niên như ”CLB thanh niên làm kinh tế giỏi, ”Tổ hợp tác thanh niên”; Phối hợp tổ chức các hoạt động “Ngày hội nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên”, “Sàn giao dịch việc làm”, “Ngày hội thanh niên trường học với nghề nghiệp, việc làm”; tổ chức các hoạt động tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế trang trại giwuax các chủ trang trại trẻ; tập huấn, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương...đặc biệt đã định hướng, tư vấn chuyển đổi sinh kế cho 542 đoàn viên, thanh niên các xã ven biển, hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ về địa phương, đơn vị. Hàng năm, thông qua dự án cho vay vốn giải quyết việc làm, đã giải quyết việc làm cho hơn 1.400 lao động với tổng số vốn hơn 26 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho hơn 450 lao động trong độ tuổi thanh niên. Tổ chức Đoàn các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trồng trọt, chăn nuôi; giúp nhau cây, con, giống, ngày công lao động...
Sự đồng hành của các cấp bộ Đoàn cùng thanh niên nông thôn phát triển kinh tế trong thời gian qua đã góp phần khuyến khích thanh niên nông thôn lao động sản xuất, có ý chí vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, gương thanh niên điển hình trong lao động, sản xuất kinh doanh giỏi.
Trong thời gian tới, nhằm tạo sự chuyển biến mới về phát triển kinh tế trong thanh niên nông thôn; hỗ trợ việc tiếp cận khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến giúp thanh niên ứng dụng hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, góp phần thoát nghèo bền vững, tổ chức Đoàn thanh niên Quảng Trị đã đề ra một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò của tổ chức Đoàn trong việc đồng hành, hỗ trợ thanh niên nông thôn tham gia phát triển kinh tế gắn với những phần việc cụ thể của thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đó là:
Thứ nhất, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Kết luận 03-KL/TWĐTN của BCH Trung ương Đoàn khóa XI “Tăng cường hỗ trợ thanh niên làm kinh tế giai đoạn 2018-2022” đến đoàn viên, thanh niên; phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và các hoạt động nổi bật của Đoàn thanh niên tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nôngthôn mới.
Tổ chức các diễn đàn “Khởi nghiệp trong thanh niên nông thôn”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp tham gia phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm.
Thứ hai, Hỗ trợ phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình phát triển kinh tế sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Phối hợp với các sở, ban ngành tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ mới, công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ tưới tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, bảo quản nông, lâm, thủy sản.
Thứ ba, Phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn, Sở Công thương, Sở Khoa học công nghệ, Sở NN&PTNT, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu, giúp thanh niên tiếp cận thông tin về thị trường, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để định hướng sản xuất. Xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giúp thanh niên tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị. Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hy vọng rằng với tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đoàn thanh niên cùng với sự đồng hành, cầu nối của tổ chức Đoàn sẽ góp phần hỗ trợ cho thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thủy Phương