ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP, DOANH NHÂN PHÁT TRIỂN 

Xác định vai trò đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng đối với nền kinh tế, những năm gần đây, tỉnh ta đã chủ động đổi mới công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư; linh hoạt trong triển khai các các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục xác định cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, đầu tư và phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh đề ra đến năm 2020. Trên tinh thần đó, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành đã luôn tạo điều kiện thuận lợi, sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp; kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp[1]; thực hiện các cam kết mạnh mẽ vì sự phát triển của doanh nghiệp[2]; thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh; tổ chức thường xuyên gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh tại Quảng Trị.

Những kết quả đạt được

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, số doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp tăng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015, bình quân hàng năm số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 250 doanh nghiệp, thì năm 2016 có 283 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đăng ký 1.704,8 tỷ đồng, năm 2017 có 303 doanh nghiệp với số vốn 2.176,3 tỷ đồng, năm 2018 có 368 doanh nghiệp với số vốn 2.603 tỷ đồng. Riêng 09 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 291 doanh nghiệp (dự kiến hết năm 2019 có 380 doanh nghiệp) và 120 đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 7.632 tỷ đồng, tăng 11% về số doanh nghiệp đăng ký so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đến thời điểm này là 3.585 doanh nghiệp; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt hơn 26,2 tỷ đồng; có 881 lượt doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký thay đổi, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại là 117 doanh nghiệp. Tổng sản phẩm (GDP giá hiện hành) của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019 ước đạt 19.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 70,9% GDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 35.000 lao động. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính về đăng ký kinh doanh giảm dưới 02 ngày so với quy định 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ; đã giải quyết 1.544 thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp; số hồ sơ nộp qua mạng là 282 hồ sơ và tỷ lệ hóa hồ sơ đạt 100%. Qua khảo sát, điều tra đã nhận được phản hồi tích cực và đồng thuận từ phía dư luận và cộng đồng doanh nghiệp với 98,8% cá nhân, tổ chức hài lòng trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp [3].

Kế thừa và phát huy thành quả chủ đề “Năm Doanh nghiệp 2018” của tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều khởi sắc, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, trong năm 2019, tỉnh đã khởi công, khánh thành nhiều dự án động lực, nhất là 30 dự án trong dịp kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh. Có 63 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 39.019 tỷ đồng (tăng 37 dự án và 36.050 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước). Đáng ghi nhận là có nhiều doanh nghiệp đã năng động nắm bắt cơ hội chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh như năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển…, tạo hướng phát triển ổn định, lâu dài, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, vai trò của doanh nghiệp cũng ngày càng được thể hiện rõ, nhất là việc ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, doanh nhân còn tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức như hỗ trợ tiền, vật liệu xây dựng để các địa phương có thêm nguồn lực xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại tích cực tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn góp phần ổn định thị trường và kích cầu người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam... Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội của địa phương, góp phần cùng với tỉnh thực hiện tốt hơn mục tiêu giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp, tệ nạn xã hội và tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, doanh nghiệp Quảng Trị còn đang gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ; nội lực của doanh nghiệp chưa được cải thiện. Việc tiếp cận thị trường, đất đai, nguồn vốn vay, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ... là những vấn đề mà doanh nghiệp cần được tháo gỡ.

Vì sự phát triển của doanh nghiệp

Với mục tiêu phát triển doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn mạnh, hướng đến “Doanh nghiệp phát tài, địa phương phát triển”, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh liên quan đến sự phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp, trong đó chú trọng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 15/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh, các cam kết của lãnh đạo tỉnh và Cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tỉnh đã được UBND tỉnh ký kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương bám sát chức năng, nhiệm vụ và nêu cao vai trò, trách nhiệm trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tăng cường sự tương tác của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng công tác đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh cũng như lắng nghe hiến kế thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII và các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy. Chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, nâng cao phẩm chất, đạo đức công vụ nhất là với đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp làm việc với doanh nghiệp; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đất đai, mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản…, để doanh nghiệp phát triển toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Triển khai thực hiện các dự án đầu tư rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Khu kinh tế Đông Nam từ nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020; giảm thiểu tối đa các chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có từ 1.000 - 1.200 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đạt 4.500 doanh nghiệp

Các ngành, địa phương đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tiền phong gương mẫu, kiểm soát chặt chẽ quá trình giải quyết công việc thuộc cơ quan đơn vị, địa phương mình; giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy trình tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; tiếp tục cải cách hành chính trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp còn gặp nhiều phiền hà nhất (theo khuyến nghị của VCCI), cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, trong đó đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh, rà soát, gỡ bỏ các rào cản phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; xử lý nghiêm những hành vi gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp. Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh làm tốt công tác củng cố phát triển các tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp, chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân cần phát huy tốt vai trò dẫn dắt, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và các hội viên, đề xuất các cơ chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tuyên truyền các chủ trương, nỗ lực của tỉnh trong việc cải cách hành chính, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp khi trả lời các phiếu khảo sát của VCCI đúng với thực tế, tránh tình trạng giao cấp dưới trả lời, không nắm bắt đầy đủ thông tin dẫn đến trả lời thiếu chính xác, làm kết quả các chỉ số thành phần PCI của tỉnh không phản ánh đúng thực chất.

Cộng đồng doanh nghiệp phát huy sức mạnh tối đa, cùng đoàn kết xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp với chính quyền, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để song hành tháo gỡ khó khăn, cùng nhau phát triển, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội mới trong điều kiện đẩy mạnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh và nhạy bén với thị trường, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. Đảm bảo tuân thủ nghiêm pháp luật, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế; tích cực tham gia phong trào từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người những người yếu thế trong xã hội.           

Phát triển doanh nghiệp với tinh thần cả hệ thống chính trị hành động vì doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ tạo ra luồng sinh khí, động lực quyết định đến sự tăng trưởng, phát triển bền vững của nền kinh tế, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, góp phần cùng các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Thái Minh

 

[1] Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 15/4/2016 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động số 92-CTHĐ/TU, ngày 17/10/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của BCH Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 19/8/2016 và Quyết định số 39/2016/QĐ-UBND, ngày 21/9/2016 về quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Chương trình hành động số 2062a/QĐ-UBND, ngày 30/8/2016 về thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Kế hoạch hành động số 2241/KH-UBND, ngày 14/6/2016 và số 1008/KH-UBND, ngày 21/3/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Trị; UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp giai đoạn 2018 - 2021.

[2] Văn bản số 1617/UBND-TH, ngày 19/5/2016 của UBND tỉnh về 9 cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh với các nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến và quảng bá đầu tư năm 2016 của tỉnh; Bản cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh với Chủ tịch VCCI Việt Nam về tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, Văn bản số 5399/UBND-TH, ngày 26/10/2017 của UBND tỉnh về cải thiện điểm số chi phí không chính thức góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2017-2020.

[3] Thống kê kết quả vào  tháng 9/2019 thông qua hình thức phát phiếu điều tra đối với các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp.

1789 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 699
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 699
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76004348