Đông Hà “khát” nước sinh hoạt 

(NDĐT)- Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Trị khan hiếm mưa, hạn hán sớm, đỉnh điểm của nắng hạn làm sông Vĩnh Phước - nguồn cung cấp nước chính của 30 nghìn hộ dân TP Đông Hà khô cạn khiến thành phố thiếu nước sinh hoạt trầm trọng hơn hai tuần nay. Đây không phải lần đầu Đông Hà thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.

Ngay từ đầu năm 2020, Ðài Khí tượng - Thủy văn Quảng Trị đã dự báo tình hình hạn hán xảy ra trên diện rộng và kéo dài, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất rất cao. Trước tình hình này, ngày 7-2, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Công ty cổ phần Nước sạch (CPNS) Quảng Trị phối hợp Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi (Công ty thủy lợi) Quảng Trị và các sở, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng phương án cấp nước sinh hoạt, sản xuất. Cuộc họp ngày 20-2 với sự tham gia của các sở, ngành chức năng đã thống nhất giao Công ty thủy lợi Quảng Trị xây dựng phương án điều tiết nước từ hồ Ái Tử phục vụ sinh hoạt, sản xuất; Công ty CPNS Quảng Trị cấp nước từ Nhà máy nước Tân Lương phục vụ sinh hoạt cho TP Ðông Hà, trình UBND tỉnh quyết định.

Ngày 15-5, sau khi cân đối nguồn nước còn lại trong hồ chứa nước Ái Tử, Công ty thủy lợi Quảng Trị đã xây dựng phương án cấp nước sinh hoạt từ ngày 15-6 đến ngày 30-8: hồ Ái Tử xả bổ sung cho sông Vĩnh Phước 720 nghìn mét khối nước để cấp nước cho Nhà máy nước Tân Lương, bảo đảm đủ nước sinh hoạt phục vụ thành phố Ðông Hà.

Trước thực tế nắng hạn quá gay gắt, người dân thiếu nước sinh hoạt, ngày 3-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng kiểm tra hồ chứa của Nhà máy nước Tân Lương thuộc Xí nghiệp nước sạch Ðông Hà; đề nghị Công ty thủy lợi Quảng Trị xả ngay nước từ hồ chứa Ái Tử về cứu sông Vĩnh Phước với lưu lượng 20 nghìn mét khối mỗi ngày/đêm. Ngày 7-7, Công ty CPNS Quảng Trị mới có phương án cấp nước sinh hoạt mùa hạn năm 2020, khi thời tiết khô hạn đã quá trầm trọng, cho nên việc điều tiết nước trên sông Vĩnh Phước gặp khó khăn.

Nước sinh hoạt tiếp tục thiếu, người dân bất an, nhiều gia đình hàng chục ngày không có nước máy. Trước tình hình khẩn cấp này, ngày 11-7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng kiểm tra kênh, hồ chứa nước, sông Vĩnh Phước để tìm giải pháp hữu hiệu đưa nước về phục vụ sinh hoạt cho người dân trong những ngày khô hạn. Ðồng chí Võ Văn Hưng chỉ đạo Công ty thủy lợi Quảng Trị mỗi ngày cung cấp tăng thêm 10 nghìn mét khối nước nữa (tất cả hai đợt bổ sung là 30 nghìn mét khối nước) từ hồ chứa Ái Tử về sông Vĩnh Phước để bảo đảm nguồn để Nhà máy Tân Lương cấp nước sinh hoạt cho người dân cũng như bệnh viện, trường học. Ưu tiên nguồn nước hồ chứa Ái Tử để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt; bảo đảm lưu lượng nước bổ sung cho sông Vĩnh Phước đến khi Nhà máy nước Tân Lương cấp nước ổn định, đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân thành phố. Hồ chứa nước Ái Tử có dung tích 16 triệu mét khối, có nhiệm vụ bổ sung nguồn nước sinh hoạt vào sông Vĩnh Phước lúc khô kiệt. Nếu tiếp tục khô hạn, không mưa, nguồn nước hồ Ái Tử vẫn đủ để bổ sung cho sông Vĩnh Phước cung cấp nước sinh hoạt trong nhiều tháng nữa.

Thực hiện chỉ đạo này, Công ty thủy lợi Quảng Trị và Công ty CPNS Quảng Trị đã quyết liệt phối hợp để kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Cụ thể, Công ty thủy lợi Quảng Trị đã cho dừng tất cả các trạm bơm tưới, ưu tiên nguồn nước từ hồ Ái Tử cấp bổ sung cho sông Vĩnh Phước lên đến 50 nghìn mét khối/ngày đêm trong thời gian đầu. Tuy nhiên, do khô hạn lâu ngày, cho nên sông Vĩnh Phước vẫn trơ đáy nhiều đoạn, nước từ hồ Ái Tử về phải chảy qua đoạn đường dài hơn 5 km mới về đến sông Vĩnh Phước; rồi từ điểm tiếp nhận nước này, dòng nước của hồ Ái Tử phải chảy ngược sông với độ dốc trên chiều dài gần 7 km nữa qua nhiều thác gềnh đá mới đến được hồ chứa để cung cấp nước cho Nhà máy nước Tân Lương. Vì thế, sau bốn ngày kể từ khi có chỉ đạo khẩn cấp của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, mặc dù cả hai công ty trên phối hợp rất tốt, cùng nạo vét, khơi thông lòng sông, ngăn đập trữ nước nhưng lượng nước chảy ngược lên đang ít, chưa đủ độ dâng cần thiết để cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho hơn 100 nghìn người dân thành phố Ðông Hà với số lượng 20 nghìn mét khối nước mỗi ngày/đêm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CPNS Quảng Trị Ðào Bá Hiếu cho biết, đơn vị đã cố gắng cấp được khoảng 17 nghìn mét khối nước mỗi ngày/đêm, tăng 3 nghìn mét khối so với thời điểm trước đó. Dự kiến, một vài ngày đến khi nguồn nước bổ sung từ hồ Ái Tử về sông Vĩnh Phước ổn định tại vị trí ống hút đạt 1,2 m, nhà máy sẽ cấp đủ 20 nghìn mét khối nước mỗi ngày/đêm cho thành phố Ðông Hà. Ngoài ra, công ty đang khẩn trương hoàn thành thay mới 2 km đường ống bị hư hỏng ở đường Lý Thường Kiệt. Sau khi sửa chữa đoạn ống này, áp lực nước của toàn hệ thống sẽ mạnh hơn.

Ông Ðào Bá Hiếu thừa nhận, mặc dù Công ty CPNS Quảng Trị có nhiều cố gắng cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ nước sạch sinh hoạt cho người dân Ðông Hà nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Ðây là lần thứ hai thành phố Ðông Hà thiếu nước sinh hoạt trong mùa hè, lần trước vào tháng 8-2019. Mỗi ngày gần 30 nghìn hộ dân của thành phố sử dụng trung bình 20 nghìn mét khối nước sạch, trong đó Xí nghiệp nước sạch Ðông Hà cung cấp được 70% khối lượng nêu trên, 30% khối lượng còn lại được nhà máy nước ngầm huyện Gio Linh cung ứng. Nhà máy nước của Xí nghiệp nước sạch Ðông Hà xây dựng từ năm 1978, công suất 15 nghìn mét khối nước mỗi ngày/đêm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thị xã Ðông Hà lúc đó từ nguồn nước sông Vĩnh Phước. Năm 2013, công ty bổ sung máy bơm, cải tạo hệ thống lắng lọc, tăng công suất vận hành lên 20 nghìn mét khối nước mỗi ngày/đêm nhưng vẫn không đủ phục vụ khách hàng khi mùa khô hạn đến do thành phố ngày càng phát triển.

Bí thư Thành ủy Ðông Hà Nguyễn Chiến Thắng cho rằng, cần có nhiều nguồn nước để chủ động cung cấp cho người dân sinh hoạt cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sông Vĩnh Phước trước đây được quy hoạch cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho Ðông Hà, đến giai đoạn này không còn phù hợp nữa vì thành phố Ðông Hà hiện có hơn 100 nghìn người dân sinh sống. UBND tỉnh cần quan tâm hơn nữa để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cũng như phục vụ phát triển về tương lai cho thành phố.

Ông Thái Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị, cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về nước sạch sinh hoạt đô thị và khu công nghiệp cho rằng, trong tình hình này, trước hết cần đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn từ hồ Ái Tử đưa nước thẳng về hồ chứa cho Nhà máy nước Tân Lương hoạt động, quãng đường này chỉ có chiều dài khoảng 6 km. Bây giờ vì quá khẩn cấp cho nên phải dẫn nước từ hồ Ái Tử ra sông Vĩnh Phước rồi từ đó chảy ngược sông lên hồ chứa nước của Nhà máy nước Tân Lương, đi qua quãng đường dài đến 12 km, vừa mất thời gian, vừa lãng phí nguồn nước vì bị thấm, rò rỉ nước qua đáy sông khô hạn. Ðiều quan trọng nữa là giữa Công ty thủy lợi Quảng Trị và Công ty CPNS Quảng Trị cần có một quy chế phối hợp về sử dụng nguồn nước cho mùa khô hạn, trong đó vai trò điều tiết của Nhà nước rất quan trọng như bổ sung kinh phí trả tiền điện cho các trạm bơm, máy bơm bơm nước từ các nơi hồi quy tưới cho ruộng đồng để không sử dụng nước trên sông Vĩnh Phước, dành cho mục tiêu sinh hoạt.

Hiện tại, để khắc phục nguồn nước, Công ty CPNS Quảng Trị đang thi công đập dâng gần Nhà máy nước Tân Lương, dự kiến tháng 8 này hoàn thành. Khi có đập dâng, mỗi năm tích trữ được hơn một triệu mét khối nước, đủ cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho thành phố hơn một tháng. Từ năm 2023 công ty có kế hoạch nâng cấp Nhà máy nước Cam Lộ (lấy nguồn nước sông Hiếu) từ 2 nghìn mét khối lên 12 nghìn mét khối nước mỗi ngày/đêm. Như vậy, cùng với việc nâng cấp Nhà máy nước Tân Lương và Cam Lộ thì thành phố Ðông Hà sẽ được cấp thêm 20 nghìn mét khối nước mỗi ngày/đêm (trước đó đã có 20 nghìn mét khối), dự kiến đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt và phát triển của thành phố. Công ty cũng đang nghiên cứu xây dựng một nhà máy nước tại đập Trấm trên sông Thạch Hãn, giai đoạn một có công suất 30 nghìn mét khối mỗi ngày/đêm, giai đoạn hai nâng lên 100 nghìn mét khối mỗi ngày/đêm để đưa về phục vụ thành phố Ðông Hà và vùng phụ cận, nhưng chưa có nguồn vốn.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: Mặc dù Công ty CPNS Quảng Trị đã có nhiều cố gắng cung cấp nước bảo đảm chất lượng, phục vụ nhu cầu sử dụng nước tối thiểu của người dân, tuy nhiên, việc tổ chức quản lý chưa khoa học, còn bị động khi triển khai các phương án cấp nước trong mùa khô hạn hằng năm. Việc thực hiện các giải pháp chống thất thoát nước chưa triệt để, nhiều tuyến đường ống bị xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí nguồn nước cũng như chất lượng nước, dẫn đến tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Công ty cần sớm nghiên cứu, thay đổi phương pháp chỉ đạo, điều hành, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, rà soát, đánh giá lại chất lượng toàn bộ hệ thống đường ống cấp nước do công ty quản lý để có kế hoạch đầu tư, nâng cấp kịp thời nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

 
Bài và ảnh: LÂM QUANG HUY
281 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1499
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1499
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87159829