Xác định tầm quan trọng đặc biệt của công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Cấp ủy và chính quyền thành phố đã chủ động đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông báo số 130-TB/TW, ngày 10/1/2008 của Bộ Chính trị khóa X về giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Tiếp công dân... và ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cơ sở tổ chức tăng cường phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung liên quan về khiếu nại, tố cáo đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn[1].
Định kỳ, đồng chí Bí thư Thành ủy và đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND thành phố trực tiếp tiếp công dân mỗi tháng 2 lần, Ban Tiếp công dân thành phố thực hiện việc tiếp dân thường xuyên vào các ngày trong tuần và phân công cán bộ trực tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Sau mỗi kỳ tiếp công dân, nhận đơn thư, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đều thông báo kết luận và chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kịp thời giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết và trả lời cho công dân đảm bảo theo quy định.
Qua nghiên cứu nội dung phản ánh hoặc đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, khi phát hiện có dấu hiện vi phạm, cấp ủy, chính quyền tiến hành thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để tổ chức thẩm tra, xác minh; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm như: xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện chế độ chính sách xã hội, quản lý, sử dụng tài sản công gắn với việc thực thi chức trách công vụ đối với một số lĩnh vực mà dư luận quan tâm.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, các cơ quan của thành phố đã tiếp công dân thường xuyên và định kỳ tổng số 73 lượt/78 người/70 cụ việc; tiếp nhận 196 đơn/183 vụ việc, tăng 90 đơn và 90 vụ việc so với cùng kỳ. Tổng số đơn, vụ việc đủ điều kiện xử lý 181 đơn/171 vụ việc, trong đó có 02 đơn khiếu nại, 01 đơn tố cáo và 178 đơn kiến nghị và phản ánh. Thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố là 97 đơn / 93 vụ việc (trong đó có 01 đơn khiếu nại; 01 đơn tố cáo); các cơ quan, đơn vị và các phường là 84 đơn/78 vụ việc (trong đó có 01 đơn khiếu nại). Kết quả giải quyết đơn thuộc thẩm quyền đến nay đạt trên 84% số vụ việc tiếp nhận. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã thường xuyên lãnh đạo, tăng cường việc nắm chắc tình hình, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý kịp thời và trực tiếp đối thoại với công dân, giải quyết có hiệu quả các trường hợp khiếu nại, tố cáo.
Nhìn chung, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Đông Hà thời gian qua đảm bảo đúng quy định pháp luật, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; các đơn thư được xem xét thấu tình đạt lý, nhiều vụ việc xảy ra được giải quyết ngay từ cơ sở. Vì vậy, trong thời gian qua thành phố Đông Hà không để xảy ra những điểm “nóng” về khiếu kiện phức tạp, đơn thư vượt cấp giảm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; nhất là giai đoạn diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được đáng ghi nhận, thực tế công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, đó là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu thường xuyên, hiệu quả chưa cao; chưa thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định. Việc tiếp công dân định kỳ tại một số đơn vị, địa phương chưa đảm bảo đúng quy định; công chức tiếp công dân một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, còn lúng túng trong xử lý thực hiện. Tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp vẫn còn diễn ra; đơn thư khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng, tình hình đơn thư tiếp nhận tăng 85% số đơn và 97% số vụ việc (tăng 90 đơn và giảm 90 vụ việc) so với cùng kỳ. Lĩnh vực đất đai vẫn chiếm phần lớn số lượng đơn thư, vụ việc và tiếp tục có những diễn biến phức tạp; bên cạnh đó, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu cương quyết trong công tác giải quyết đơn thư. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc tiếp công dân; giải quyết khiếu nai, tố cáo chưa nhiều.
Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều, song chủ yếu do cấp ủy, chính quyền một số cơ sở chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa đi sâu nắm bắt, tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc và giải quyết triệt để vấn đề khi mới phát sinh, chưa thật sự làm tròn chức trách, nhiệm vụ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; một số vụ việc giải quyết còn thiếu tính thuyết phục, chưa tạo được sự đồng thuận của công dân; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; một số đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, lợi dụng dân chủ hoặc do lợi ích cá nhân cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài. Ngoài ra, cũng do những tố khách quan dẫn đến phát sinh đơn thư trong thời qua tăng so với cùng kỳ đó là: Tình hình giá đất trên địa bàn tăng đột biến; tốc độ đô thị hóa nhanh, công tác lập và quản lý quy hoạch tại một số dự án chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; việc đo vẽ của cơ quan chức năng trong chuyển nhượng đất đai của người dân còn thiếu chính xác dẫn đến phát sinh tranh chấp khiếu nại, tố cáo. Một số đơn thư đã được giải quyết đúng thẩm quyền nhưng người dân vẫn cố tình không chấp hành. Chính sách pháp luật về đất đai đã được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, nhất là giá quy định bồi thường thấp so với thị trường.
Từ kết quả và những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Đông Hà cho thấy, để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp uỷ, chính quyền trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; cấp uỷ, chính quyền phải có kế hoạch, chương trình cụ thể, đồng thời phải có phân công trách nhiệm một cách rõ ràng để chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân như Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... gắn với đẩy mạnh làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng làm tốt công tác hoà giải tại cơ sở khi có tranh chấp mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi trọng và phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và các cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư cùng phối hợp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời giải quyết các điểm nóng mới phát sinh ngay từ cơ sở nhằm ngăn ngừa có hiệu quả các mâu thuẫn phát sinh gây mất đoàn kết dẫn đến đơn thư khiếu kiện.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của đội ngũ cán bộ chuyên trách gắn với đánh giá trách nhiệm, hiệu quả trong công tác chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cấp uỷ, chính quyền cấp cơ sở, nhất là những đơn vị, cơ sở để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp, đồng thời xem xét xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ năm, các đơn vị, cơ sở cần bố trí cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm làm công tác tiếp dân, cần tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Các vụ việc phức tạp, lãnh đạo địa phương, cơ sở cần trực tiếp lắng nghe ý kiến và chỉ đạo giải quyết kịp thời. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo cần tăng cường tiếp xúc với công dân, tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh khiếu nại, tố cáo gắn với làm tốt việc thu thập chứng cứ, tài liệu làm căn cứ cho việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Thứ sáu, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo gắn với việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo đang đặt ra những vấn đề hết sức phức tạp, số lượng đơn thư cũng như tính chất phức tạp của một số vụ việc nếu giải quyết không kịp thời, hiệu quả rất dễ phát sinh thành “điểm nóng”. Vì vậy, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp trong thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một cách toàn diện, có hiệu quả công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố Đông Hà sớm đạt đô thị loại II như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII xác định./. Thu Thanh – UBKT Thành ủy Đông Hà
[1] Công văn số 27/UBND ngày 06/01/2021 của UBND thành phố về việc tăng cường phối hợp tiếp công dân phục vụ Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Công văn số 477/UBND ngày 15/3/2021 về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết đơn thư; Kế hoạch số 717/KH-UBND ngày 20/4/2021 về phối hợp tiếp công dân, đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.