|
Ông Đỗ Hùng Việt, Vụ Trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao). Ảnh: VGP/Hải Minh |
Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) Đỗ Hùng Việt chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ những suy ngẫm của ông sau khi Việt Nam đã hoàn tất 2/3 chặng đường trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với 2 lần giữ cương vị Chủ tịch luân phiên cơ quan này.
Theo ông Đỗ Hùng Việt, Việt Nam đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những “chuyển biến căn bản” dù xu thế hòa bình, hợp tác vẫn là mong muốn chung của nhân loại.
Cạnh tranh giữa các nước lớn tuy không mới, nhưng có “cường độ mạnh hơn” so với trước đây. Đại dịch COVID-19 đã có những tác động sâu rộng tới kinh tế- xã hội, cũng như chính trị quốc tế. Trong khi đó, xung đột, tranh chấp ở các khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ở Trung Đông-Bắc Phi. Ở châu Á, tình hình bán đảo Triều Tiên, Myanmar cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả ASEAN, cũng như trong trao đổi, thảo luận tại HĐBA.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam tham gia một cách chủ động, tích cực trên tất cả các vấn đề tại HĐBA, và đặc biệt đã đề ra một số nội dung ưu tiên để thúc đẩy xuyên suốt trong nhiệm kỳ, nhất là 2 lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA. Đó là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ, tăng cường hợp tác giữa HĐBA với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là khắc phục hậu quả bom mìn, và nhiều nội dung nhân đạo như bảo vệ thường dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang, vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Cả 2 lần, Việt Nam đều đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch HĐBA với những dấu ấn quan trọng và mang bản sắc đối ngoại Việt Nam.
Công tâm, khách quan, minh bạch khi điều hành HĐBA
Trung bình mỗi tháng, HĐBA có khoảng 40 cuộc họp cấp đại sứ, khoảng 200 cuộc họp cấp làm việc, tham vấn, thương lượng để có thể thông qua 20-30 văn kiện trong tháng. Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phải tham dự tất cả các hoạt động này.
Ông Đỗ Hùng Việt cho hay, một trong những thách thức lớn nhất khi làm Chủ tịch HĐBA là phải chủ trì, điều hành tất cả các hoạt động của HĐBA một cách suôn sẻ nhất có thể, trong đó việc khó nhất là làm sao điều hòa được lợi ích các nước, thậm chí là cọ sát trực tiếp với nhau giữa các nước Ủy viên thường trực (P5, gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc).
Bên cạnh đó, đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐBA còn là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến ưu tiên của mình với phương châm bảo đảm được lợi ích cao nhất của Việt Nam, đồng thời cũng hài hòa được lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích của các nước khác.
Cụ thể, Việt Nam đã đạt được mục tiêu bao trùm là góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước, đóng góp vào quá trình đối thoại và giải quyết hòa bình những tranh chấp trên thế giới và khu vực.
Việt Nam cũng đạt được mục tiêu trên những vấn đề cụ thể, điển hình là việc thúc đẩy giải quyết hậu quả chiến tranh, khắc phục hậu quả bom mìn. Đây là vấn đề rất lớn đối với Việt Nam, bởi 20% lãnh thổ vẫn còn đang bị ô nhiễm bởi bom mìn.
Với tư cách Chủ tịch HĐBA, Việt Nam luôn kiên trì, nhất quán điều hành các hoạt động của HĐBA một cách “công tâm, khách quan, minh bạch”, tuyệt đối không có ý đồ riêng mang tính vị kỷ, mà cố gắng đặt lợi ích chung lên trên hết, qua đó tạo dựng được lòng tin của các thành viên đối với Việt Nam. Khi đã tin tưởng Việt Nam đang nỗ lực vì lợi ích chung, các nước đều sẵn sàng hợp tác với chúng ta.
Tổng Thư ký LHQ: Khi Việt Nam điều hành HĐBA, các nước bớt tranh cãi hơn
Các nước Ủy viên thường trực HĐBA là những nước có vai trò quan trọng hàng đầu trong quan hệ quốc tế và tại HĐBA, có tiếng nói quyết định trong tất cả các vấn đề. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước thành viên chủ chốt này, nhờ đó Việt Nam có những thuận lợi nhất định trong quá trình tham vấn và dẫn dắt điều hành thảo luận.
Đánh giá về khả năng điều hành HĐBA của Việt Nam, Tổng Thư ký LHQ từng nói với Đại sứ Việt Nam ở LHQ rằng: “Khi Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA thì dường như các nước bớt tranh cãi nhau hơn”. Qua thực tế theo dõi 2 lần Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA, đây không chỉ là một lời nhận xét mang tính ngoại giao của Tổng Thư ký.
Việt Nam cũng thúc đẩy mạnh mẽ hơn văn hóa đối thoại, nỗ lực xây dựng đồng thuận trong HĐBA, hạn chế các khác biệt. Chủ trì các hoạt động quan trọng của HĐBA với tư cách Chủ tịch HĐBA trong tháng 5/2021, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Trung Quốc đã cảm ơn và đánh giá cao vai trò Chủ tịch của Việt Nam trong tháng 4/2021 và đánh giá cao việc Việt Nam đã thúc đẩy “văn hóa đối thoại” và “văn hóa tạo dựng đồng thuận của ASEAN” tại HĐBA.
Nhận định này của một trong những thành viên chủ chốt của P5 thể hiện sự coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam và của ASEAN.
Gia tăng vị thế của ASEAN tại HĐBA LHQ
Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy “văn hóa đối thoại” và “văn hóa tạo dựng đồng thuận của ASEAN”, lần đầu tiên, dưới sự chủ trì của Việt Nam, HĐBA đã tổ chức một cuộc họp về hợp tác giữa ASEAN và LHQ. Đây là dịp quan trọng để ASEAN chia sẻ những hoạt động của mình trong lĩnh vực hòa bình và an ninh với HĐBA, kinh nghiệm của ASEAN biến Đông Nam Á từ một khu vực đối đầu, có nhiều xung đột thành khu vực hợp tác toàn diện như hiện nay và đã trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới. Qua hoạt động này cũng như những nỗ lực xuyên suốt trong nhiệm kỳ, chúng ta đã giúp gia tăng vị thế của ASEAN tại HĐBA, LHQ, khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Tăng cường hợp tác giữa HĐBA và ASEAN cũng nằm trong tổng thể chung hợp tác của HĐBA với các tổ chức khu vực nhằm xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh ở các khu vực, trong đó có hợp tác với Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu, hay Liên đoàn Ả-rập.
Ở đâu có hòa bình, ở đó có lợi ích và cơ hội
Gần 2 năm gắn bó với các hoạt động tại HĐBA trong vai trò Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế, ông Đỗ Hùng Việt ngày càng thấm thía những bước chuyển biến mạnh mẽ về tư duy đối ngoại đa phương tại LHQ. Chúng ta ngày càng nhận thức rõ tôn chỉ, mục đích và hoạt động của LHQ song trùng với lợi ích và mong muốn của Việt Nam, đồng thời nhìn nhận vai trò quan trọng của LHQ trong quan hệ quốc tế và trong việc hỗ trợ các quốc gia trên cả ba trụ cột chính của LHQ là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững và vấn đề bảo đảm quyền con người.
Khi nói về LHQ và HĐBA, nhiều người cũng đã đặt câu hỏi: Chúng ta được những lợi ích gì, tại sao Việt Nam phải quan tâm đến tình hình ở Sudan, Nam Sudan hay ở Libya, Yemen… những nơi quá xa xôi đối với Việt Nam? Hay Việt Nam có lợi ích gì trong việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan?
Ông Đỗ Hùng Việt lý giải, trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, các nước đều lệ thuộc vào nhau rất lớn và tình hình ở nơi này có thể ảnh hưởng đến nhiều nơi khác. Hiện nay 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại khoảng 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở bất kỳ đâu xảy ra xung đột, chiến tranh thì rõ ràng người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Hay trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã tổ chức hàng trăm chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có không ít chuyến bay từ những vùng đất rất xa xôi, thậm chí không nhiều người có thể hình dung.
Ông Đỗ Hùng Việt cho rằng, bất kỳ ở đâu có công dân Việt Nam, có doanh nghiệp Việt Nam sinh sống và làm việc thì ở đó chúng ta có lợi ích. Vì thế mỗi đóng góp dù nhỏ nhất để mang lại hòa bình, ổn định ở nơi đó là chúng ta đã giúp cho người dân của của mình ở đó an toàn.
Bên cạnh đó, khi có hòa bình, ổn định ở một đất nước dù xa đến đâu thì đều mang lại cơ hội cho Việt Nam để phát triển quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa, thúc đẩy đầu tư vươn xa đến đó.
Vì thế, lợi ích của hòa bình là lợi ích trực tiếp đối với Việt Nam và đây cũng là chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của cha ông mà chúng ta đang thực hiện./.
Hải Minh-Hồng Nguyên