Đó là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo Lấy ý kiến cho Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chăn nuôi (khu vực miền Bắc) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức diễn ra chiều 29/11, tại Hà Nội.
|
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT) |
Theo Dự thảo, Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hiệu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi. Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Đồng thời, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung.
Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.
Tại Hội thảo, đông đảo các ý kiến của các đại biểu đã được nêu ra nhằm đóng góp hoàn thiện cho Nghị định. Theo đại diện của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, cần quy định cụ thể hơn tại một số điểm của Điều 14 về vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và Điều 17 về vi phạm quy định về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, ở các điểm: không có biện pháp kiểm soát động vật gây hại, tạp chất, chất thải gây nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng thức ăn chăn nuôi; không có biện pháp phòng chống sinh vật gây hại.
Ông Nguyễn Đình Đảng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho rằng, vẫn còn bất cập trong quy định về mức độ xử phạt đối với các hành vi vi phạm kinh doanh, buôn bán, nhập khẩu chất cấm. Trong Điều 5 của Nghị định quy định rõ, mỗi hành vi vi phạm của cá nhân xử phạt tối đa 100 triệu đồng, đối với tổ chức không quá 200 triệu đồng. Tuy nhiên, so với việc cùng kinh doanh, mua bán 1 chất cấm so với việc kinh doanh, mua bán 2 hay nhiều hơn chất cấm có cùng mức độ xử phạt?.
Bên cạnh đó, theo một số đại biểu, một số quy định về mức xử phạt còn chưa đủ tính răn đe, một số quy định về mức độ xử phạt dễ dẫn đến tình trạng ngẫu hứng của người xử lý,…
Cũng theo Dự thảo, Nghị định này sẽ bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 7/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản./.
BT