Đóng cửa rừng tự nhiên: Thúc đẩy kinh tế từ rừng 

(Chinhphu.vn) – Sau 3 năm thực hiện việc đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên vi phạm pháp luật về lâm nghiệp ngày càng giảm mạnh, độ che phủ của rừng cũng không ngừng tăng lên.

 

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
 

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Chính phủ.

Năm vừa qua, lâm nghiệp đã vươn lên đứng đầu trong giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Theo ông việc đóng cửa rừng tự nhiên đã có tác động như thế nào đến kết quả này?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Có thể nói chủ trương đóng cửa rừng là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thị trường của thời đại mới nên hiệu quả có thể nhìn thấy khá rõ và có được sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp.
Không chỉ các sản phẩm gỗ xuất khẩu mà các sản phẩm gỗ tiêu dùng trong nước hiện nay các tổ chức, cá nhân cũng ngày một nâng cao nhận thức về việc sử dụng gỗ có chứng chỉ và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ðến hết năm 2018, tổng diện tích rừng cả nước là 14.484.055 ha, tăng 106.374 ha so với năm 2016. Ðộ che phủ rừng đạt 41,65%, tăng 0,46% so với năm 2016. Ba năm qua, cả nước trồng được 627.981 ha rừng; trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng là 44.538 ha, rừng sản xuất 577.220 ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung tăng trưởng về lượng (năm 2016 là 17,5 triệu m3, năm 2017 là 18 triệu m3, năm 2018 là 18,5 triệu m3) và chất lượng cũng tăng, góp phần đáp ứng 75% nguyên liệu gỗ trong nước cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Ðiều đó cho thấy, kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là thực hiện chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên ba năm qua là toàn diện và tích cực.

Ông có thể chia sẻ thêm, việc thực hiện chủ trương này có vấp phải phản ứng của các địa phương hay các doanh nghiệp đang được hưởng lợi nhiều từ khai thác rừng tự nhiên như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Dĩ nhiên từ việc thống nhất quan điểm đến việc thực hiện triệt để đôi khi vẫn có những khoảng cách. Lường trước những khó khăn khi thực hiện chủ trương này, năm 2017, Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn không cấp chỉ tiêu khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc. Ðồng thời, phối hợp Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, chủ rừng sau khi thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên trong bốn năm (2015-2018) hơn 332 tỷ đồng nhằm bù đắp lợi nhuận từ khai thác gỗ rừng tự nhiên, để các công ty có kinh phí đầu tư quản lý, bảo vệ rừng.
Cùng với đó, các địa phương cũng không cấp phép khai thác tận dụng sau khai thác chính, kể cả gỗ đổ gãy, gỗ lóc lõi tồn trong rừng tự nhiên; dừng việc cấp chỉ tiêu khai thác gỗ gia dụng, chuyển sang cơ chế hỗ trợ khác và hỗ trợ vật liệu thay thế; giám sát chặt chẽ việc tận thu gỗ những diện tích rừng được phép chuyển mục đích sử dụng; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tận thu gỗ để khai thác rừng trái pháp luật.

Gỗ rừng trồng hiện "phủ kín" các xưởng sản xuất - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nói đến việc bảo vệ rừng không thể không nhắc đến lực lượng kiểm lâm, vậy sau thời gian thực hiện chủ trương này, lực lượng cán bộ kiểm lâm đã thay đổi ra sao thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Thực tế đã có một “cuộc cách mạng” với lực lượng kiểm lâm. Cán bộ kiểm lâm phải thay đổi tư duy và cách làm rất nhiều để phù hợp với thực tế. Từ tư duy quản lý rừng tận gốc đến tư duy phải làm sao hướng dẫn người dân phát triển rừng và làm công tác khuyến lâm hiệu quả.

Hiện nay, lực lượng kiểm lâm không thể tăng lên về số lượng trong biên chế nhưng phải tăng về chất lượng, việc học và ứng dụng công nghệ giúp tăng chất lượng cán bộ kiểm lâm rất đáng kể
Thực tế, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn điểm nóng cần kiên trì, quyết liệt giải quyết. Đặc biệt, tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái pháp luật, tuy quy mô không lớn, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi… nên cán bộ kiểm lâm cũng phải phối hợp kinh nghiệm và những kiến thức mới cập nhật để thực hiện nhiệm vụ.

Vậy theo ông, thách thức đối với việc bảo vệ rừng tự nhiên trong thời gian tới được nhìn nhận như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Ðối với diện tích rừng do các công ty lâm nghiệp sau khi sắp xếp, chuyển giao về địa phương chưa được tổ chức quản lý hiệu quả, vẫn còn tình trạng phá rừng, tranh chấp đất đai. Một số doanh nghiệp, địa phương vẫn đề nghị được phép khai thác gỗ rừng tự nhiên để có kinh phí, giảm áp lực cho công tác bảo vệ rừng. Tình trạng quản lý rừng tại các dự án trên đất lâm nghiệp mặc dù được chấn chỉnh bước đầu, nhưng còn tiềm ẩn phức tạp. Ngoài ra, việc chậm được phê duyệt Ðề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025, khiến các địa phương thiếu nguồn lực và căn cứ để xây dựng các dự án cơ sở, kế hoạch cụ thể. Một bộ phận cán bộ thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, thậm chí còn tiếp tay cho hành vi vi phạm.

Thời gian tới chúng tôi xác định cùng các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp năm 2017 và hệ thống văn bản dưới luật. Nghiêm túc giám sát thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của chủ rừng khi thực hiện nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng, hoạt động dịch vụ công ích theo quy định của Nhà nước. Mặt khác, phải kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

Nói về sự quyết liệt trong triển khai chủ trương này, được biết Bộ NN&PTNT đã “bác” nhiều dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đây có thể coi là biện pháp giữ rừng tự nhiên hiệu quả nhất không thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Quả thực nếu so sánh những vụ chặt phá rừng tự nhiên thì sẽ không thấm vào đâu so với những dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Chúng tôi đã thực hiện rất sát việc hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn đúng quy định. Trong ba năm qua, bộ đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 86 dự án trong tổng số 2.954 dự án do các địa phương đề nghị (chiếm 3%) trên địa bàn 22 tỉnh.

Chỉ có 1,9% diện tích rừng do địa phương đề xuất được chuyển đổi tập trung cho công tác an ninh quốc phòng, công trình công cộng và các dự án sẵn có nâng cao hiệu quả sử dụng với cộng đồng.
Các địa phương cũng dần thông suốt chủ trương và thực hiện khá tốt việc bảo vệ rừng tự nhiên. Chính vì vậy, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp ngày càng giảm mạnh, độ che phủ của rừng cũng không ngừng tăng lên. Ba năm qua (2016-2018), bình quân mỗi năm cả nước giảm 35% vụ vi phạm lâm luật, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 29% so với bình quân 5 năm 2011-2015.

Xin cảm ơn ông đã thông tin!

  Đỗ Hương (Thực hiện)

333 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1193
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1193
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87088617