Tọa đàm khoa học "Đồng chí Võ Văn Kiệt – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Cách mạng Việt Nam"
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS,TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho biết: Đồng chí Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, là nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Cách mạng Việt Nam, người cộng sản mẫu mực, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Trong quá trình chiến đấu và lao động, đồng chí Võ Văn Kiệt đã được Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Đồng chí Võ Văn Kiệt mất ngày 11/6/2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cả nước yêu quý, kính trọng, học tập và noi theo
PGS,TS Phạm Ngọc Anh khẳng định: Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã hết lòng vì nước, vì dân, lấy mục tiêu lý tưởng của Đảng, lấy phụng sự Tổ quốc và nhân dân làm lẽ sống. Với tầm nhìn chiến lược, sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo và linh hoạt, sâu sát thực tiễn, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đồng chí Võ Văn Kiệt đã sớm tham gia các hoạt động cách mạng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Trải qua nhiều cương vị, đưa ra những quyết sách lớn trong các chiến dịch, khởi nghĩa của hai cuộc kháng chiến, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tham gia lãnh đạo thành công khởi nghĩa giành chính quyền ở Rạch Giá; góp phần làm nên thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Nam bộ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Rạch Giá và Bạc Liêu, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc…
Chiến tranh kết thúc, trong giai đoạn mới của Cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thể hiện tác phong sâu sát thực tiễn, với phương châm vừa học, vừa làm, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, đặc biệt là tinh thần mạnh dạn, táo bạo, sự năng động và đổi mới khi đảm trách cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Chính nơi đây, đồng chí Võ Văn Kiệt đã được người dân yêu mến dành cho những danh xưng: “Sáu Dân, Chủ tịch gạo, Bí thư xé rào”. Đồng chí Võ Văn Kiệt là người góp phần quan trọng đưa Thành phố Hồ Chí Minh từng bước phát triển vững chắc, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Theo PGS, TS Phạm Ngọc Anh, dấu ấn của đồng chí Võ Văn Kiệt còn được thể hiện bằng những công trình quan trọng như: Thủy điện Trị An, đường dây tải điện Bắc – Nam 500KV, dự án thoát lũ ra biển Tây, dự án ngọt hóa Đồng bằng sông Cửu Long, đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, đường Hồ Chí Minh…
Trên bình diện hội nhập quốc tế, với cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ song phương và đa phương với các nước; phá vỡ thế bao vây cấm vận, từng bước đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, đi vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển. Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành thành viên có trách nhiệm và tin cậy của cộng đồng quốc tế.
Tham luận tại Tọa đàm, Tiến sỹ Trần Văn Hải (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) cũng cho rằng, những đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt vào quá trình chuẩn bị nội dung của các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa V, đóng vai trò rất quan trọng của giai đoạn “tiền đổi mới”, bước phát triển nhảy vọt về tư tưởng đổi mới toàn diện, mở ra một thời kỳ mới cho Việt Nam.
Trên các cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo các cấp, các ngành hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đảng. Đặc biệt, thành tựu mà đất nước đạt được trong thời gian 5 năm đồng chí Võ Văn Kiệt là người đứng đầu Chính phủ (1992 - 1997) đã được thực tế chứng minh. Từ một đất nước chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh tàn phá, đang trên bờ vực của cuộc khủng hoảng, đến đầu những năm 1990 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất; lạm phát với tốc độ “phi mã” đã được chặn lại và giảm dần. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực hàng năm, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo.
Các đại biểu với những tham luận của mình đều cho rằng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt không chỉ gắn liền với những cống hiến lớn lao cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân mà còn là một tấm gương về nhân cách đạo đức mẫu mực, trong sáng. Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, trọng dân, thương dân, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chủ động đến với nhân dân để hiểu dân, học hỏi, bàn bạc với dân để tìm ra cách làm hiệu quả nhất. Hầu hết mọi quyết định lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều có hàm lượng tri thức khoa học của các chuyên gia, học giả, kết tinh những kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân. 86 tuổi đời với 70 năm tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, hy sinh trọn đời cho Tổ quốc, nhân dân./.
Hoàng Mẫn