Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tham gia phong trào yêu nước từ năm 1925 và gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng năm 1927, đồng chí Trường Chinh là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước, có nền nếp ở một vùng quê vốn giàu truyền thống lịch sử và văn hoá, từ năm 1923, đồng chí Trường Chinh đã tích cực tham gia các hoạt động yêu nước. Năm 1927, đồng chí nha nhập “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội”. Năm 1929, đồng chí vào Đông Dương cộng sản Đảng. Từ cuối năm 1930 đến cuối năm 1936, đồng chí bị địch bắt giam giữ trong các nhà tù Hoả Lò và Sơn La. Từ cuối năm 1936 đến cuối năm 1939, đồng chí Trường Chinh hoạt động trong Uỷ ban Mặt trận dân chủ Bắc Kỳ và trong xứ uỷ Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó làm chủ bút Báo Giải phóng, cơ quan của xứ Bắc Kỳ.Tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7, (tháng 11 năm 1940), đồng chí được cử vào BCH Trung ương Đảng và giữ chức Quyền Tổng Bí thư. Tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8, (tháng 5-1941), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương. Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951) đã bầu lại đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, đồng chí giữ chức vụ này đến tháng 10 năm 1956. Từ năm 1956 đến cuối năm 1986, đồng chí hoạt động với nhiều trọng trách khác nhau: Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Trưởng ban nghiên cứu lý luận Trung ương, Trưởng ban công tác nông nghiệp Trung ương, Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...Sau khi đồng chí Lê Duẩn từ trần, tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 7năm 1986), đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (12-1986) cho đến lúc qua đời, đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên mặt trận tư tưởng, lý luận, đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến; nỗi bật là về các lĩnh vực: khởi nghĩa giành chính quyền; về chiến tranh nhân dân- toàn dân, toàn diện, trường kỳ dựa vào sức mình là chính; lý luận về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết toàn dân, thêm bạn bớt thù; về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và pháp luật; về công tác văn hoá- văn nghệ...Những cống hiến đó của đồng chí Trường Chinh là sự thể hiện của một năng lực tư duy sắc bén, luôn luôn kết hợp được sự thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Vì vậy, nhiều bài học do đồng chí tổng kết đã trở thành những bài học lớn của của Đảng ta, chẳng những có giá trị soi sáng cho cách mạng Việt Nam mà còn là những bài học kinh nghiệm quý báu đối với tất cả các dân tộc đã và đang đấu tranh cho độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Là nhà văn hoá lớn, đồng chí Trường Chinh đã để lại cho chúng ta những tác phẩm về văn hoá. Mặc dù, những tác phẩm này, đồng chí viết ra trong điều kiện hoạt động bí mật hay trong hoàn cảnh kháng chiến; trong lúc, tài liệu tra cứu, tham khảo thiếu thốn, nhưng qua đó chúng ta thấy được vốn tri thức uyên thâm và sức sáng tạo của đồng chí Trường Chinh.
Trên mặt trận báo chí, đồng chí Trường Chinh là một cây bút bậc thầy, một tên tuổi hàng đầu của nền báo chí cách mạng nước ta. Văn chính luận của đồng chí đặc biệt sắc sảo, trong sáng, khúc chiết, tràn đầy nhiệt tình cách mạng, nóng bỏng tính thời sự và tính chiến đấu. Những bài báo đó giữ một vị trí đặc biệt trong báo chí Việt Nam.
Trên cương vị là người hoạt động Nhà nước, tuy chưa có điều kiện đi sâu vaò hoạt động kinh tế, đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng Nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng chí là thành viên của Uỷ ban dự thảo Hiến pháp 1946, Hiến pháp năm 1959 và là chủ tịch Uỷ ban dự thảo Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1980.Trên cương vị Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội (1959), rồi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước(1981), đồng chí Trường Chinh đã tham gia chỉ đạo soạn thảo và công bố nhiều đạo luật, góp phần xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật ở nước ta, nhằm từng bước nâng cao trình độ quản lí Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân.
Trong chỉ đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh, có những đóng góp không nhỏ vào việc chuẩn bị và đưa ra các quyết sách chiến lược lớn, dẫn tới thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Là một chiến sĩ cộng sản trong sáng, đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến to lớn cho cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đồng chí Trường Chinh, một tấm gương đạo đức của người cách mạng chân chính. Những người đã từng vinh dự được sống làm việc, tiếp xúc với đồng chí Trường Chinh đều nhận thấy ở đồng chí một con người nhân hậu, đức độ, trong sáng từ tâm hồn đến phong cách, suốt đời rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ: Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Kỷ niệm 116 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh, là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh. Noi gương đồng chí Trường Chinh, chúng ta nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng ta và Bác Hồ đã chọn, không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, nhất trí , phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh”. Trí Ánh