Mồ côi cha khi mới hơn 4 tuổi, Trần Phú sớm có ý thức tự lập, vượt khó để vươn lên. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã dồn hết tâm trí cho học tập, tham gia "Hội Tu tiến" để giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Năm 1922, sau khi đỗ Thành Chung, Trần Phú trở về Vinh, Nghệ An dạy học tại Trường tư thục Cao Xuân Dục. Từ đây, Trần Phú chính thức dấn thân vào con đường cách mạng. Năm 1925, Trần Phú cùng cụ Lê Huân, cụ Nguyễn Đình Kiên - cựu chính trị phạm của nhà tù Côn Đảo và một số thanh niên trí thức như Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai thành lập Hội phục hưng Việt Nam - gọi tắt là Phục Việt (năm 1926, Hội này đổi tên là Hưng Nam, năm 1927 lại đổi thành Việt Nam cách mạng Đảng và đến năm 1928, Hội chính thức mang tên Tân Việt cách mạng Đảng). Đây là một tổ chức yêu nước, chưa có cương lĩnh, chương trình của hội chỉ giản đơn là “Nghiên cứu tình hình chính trị trong nước để quyết định nên bạo động hay hoà bình. Tìm cách liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc và Xiêm xem chủ trương của họ thế nào; tuyển mộ thêm đồng chí mới”.
Thầy giáo Trần Phú được giao nhiệm vụ tuyên truyền hoạt động tại các trường học, các nhà máy ở Vinh - Bến Thuỷ (Nghệ An), rồi được cử sang Lào một thời gian để xây dựng các tổ chức cơ sở.
Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là năm 1926 đồng chí được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc tin cậy, kết nạp vào nhóm bí mật (Cộng sản Đoàn) với tên gọi Lý Quý. Cuối năm 1926, Trần Phú về nước, báo cáo với Phục Việt về những nội dung tiếp nhận được sau khoá học, đấu tranh để sát nhập Phục Việt vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, song không được đa số hội viên Phục Việt tán thành, lại bị kẻ thù truy nã gắt gao, nên đầu năm 1927, Trần Phú lại sang Quảng Châu (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để báo cáo tình hình. Trần Phú đã được lãnh đạo Tổng Bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học tập tại trường Đại học Cộng sản Phương Đông trong thời gian từ tháng 2/1927 đến tháng 11/1929. Chính những năm học tập, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tham gia hoạt động thực tiễn, đặc biệt trao đổi với các Đồng nghiệp của các Đảng anh em về những vấn đề dân tộc và thuộc địa, Trần Phú đã có bước trưởng thành lớn đủ sức gánh vác những nhiệm vụ do Đảng phân công.
Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú trở về nước. Tại tầng hầm ngôi nhà số 90 phố Hàng Bông - Thợ Nhuộm (Hà Nội), thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trần Phú đã khởi thảo bản Luận cương Chính trị của Đảng.
Tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã được tổ chức ở Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị đã thảo luận, thông qua Luận cương, quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Hội nghị, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Cuối tháng 3/1931, đồng chí Trần Phú chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn nhằm củng cố tổ chức Đảng, tổ chức các đoàn thể, duy trì phong trào đấu tranh của quần chúng trước chính sách tàn bạo "khủng bố trắng" của thực dân Pháp nhằm đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Sau Hội nghị, do có kẻ phản bội, ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt. Trong ngục tù đế quốc, trước các cuộc thẩm vấn, mọi cực hình tra tấn dã man của mật thám Pháp ở bót Catina, ở Khám Lớn Sài Gòn, đồng chí Trần Phú tỏ rõ tinh thần bất khuất cao độ, ý chí tiến công cách mạng của một người cộng sản chân chính. Bị nhiều đòn tra tấn dã man của kẻ thù, vốn đã bị bệnh lao, nên sức khoẻ đồng chí Trần Phú ngày càng suy yếu. Biết đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư của Đảng nên kẻ thù không muốn để đồng chí chết ngay mà muốn tìm mọi cách khai thác nơi ông những thông tin quan trọng về Đảng, về những cán bộ chủ chốt của Đảng. Trước những thủ đoạn của kẻ thù, kể cả việc dụ dỗ, mua chuộc, đồng chí đã tiến công lại kẻ thù: "Tôi biết nhiều người là để làm việc cho Đảng tôi, nước tôi, chứ không phải khai cho các ông bắt bớ". Sống trong nhà tù đế quốc trong điều kiện hết sức nghiệt ngã, Trần Phú luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt truyền niềm tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí cùng bị giam. Trần Phú cùng với các đồng chí khác tổ chức nhiều cuộc đấu tranh vạch mặt chế độ lao tù dã man, vô nhân đạo của kẻ thù, tổ chức những buổi huấn luyện chính trị ngay trong nhà tù của đế quốc Pháp.
Sự tra tấn và đày ải của kẻ thù đã cướp đi Tổng Bí thư Trần Phú vào ngày 6/9/1931. Trước lúc hy sinh, Trần Phú nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, Đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng". Trong bài tưởng nhớ Đồng chí Trần Phú năm 1932 lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: "Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản Đông Dương". Nguyễn Thị Thu Hà