Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn- Biểu tượng sáng ngời về nhân cách, tài năng, trí tuệ Việt Nam 

Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7-4-1907, trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước tại làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đồng chí Lê Duẩn tham gia phong trào yêu nước từ năm 1925 và đến năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn diễn ra liên tục trên phạm vi cả nước với nhiều trọng trách được Đảng và nhân dân tin cậy, giao phó như: Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ (năm 1931); Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ (năm 1937); Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (năm 1939); Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1946-1951, 1954-1957), Bí thư Trung Cục miền Nam (1951-1954), Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1960-1986). Với 79 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn là biểu tượng sáng ngời về nhân cách, tài năng, trí tuệ Việt Nam:
Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn- Biểu tượng sáng ngời về nhân cách, tài năng, trí tuệ Việt Nam

Lòng yêu nước nồng nàn, tình cảm trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến cuộc sống lầm than, cơ cực của người dân dưới sự thống trị của thực dân Pháp và tay sai, người thanh niên Lê Văn Nhuận sớm nung nấu hoài bão đánh giặc, cứu nước.

Năm 1925, trong thời gian học dự thính tại trường Quốc học Huế[1], Lê Văn Nhuận đã hòa mình vào không khí đấu tranh sôi nổi của nhân dân đòi giảm án tử hình cho nhà yêu nước Phan Bội Châu.

Năm 1926, Lê Văn Nhuận làm nhân viên Hỏa xa Đà Nẵng; hàng ngày, hàng giờ chứng kiến sự ngang ngược, áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp đối những người lao động làm thuê càng nung nấu thêm lòng căm phẫn và quyết tâm “đánh Tây”. Thời gian này, vừa làm việc, anh vừa tiếp xúc và giác ngộ tinh thần yêu nước cho nhiều thanh niên, trí thức: “Một lần đang đi bộ trên bờ sông Hàn, anh Nhuận xúc động nắm tay tôi, nói: Dân mình cực khổ quá. Bọn Tây cai trị làm trời, làm đất. Biết anh nói đúng, nhưng tôi vẫn hỏi: Dân mình yếu đuối, làm gì nổi? Anh nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng đanh thép: Chỉ có cách đánh đuổi nó đi1.

Năm 1926, hàng ngàn người dân kéo nhàu về trụ sở hội đồng thành phố để dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh, lợi dụng tình hình, Lê Văn Nhuận cùng nhóm ái quốc công khai tổ chức những hoạt động chống bọn chủ hãng người Pháp, chống bọn thực dân Pháp, đòi cải thiện đời sống, tạo ảnh hưởng trong giới công nhân, thợ thuyền.  

Năm 1928, Lê Văn Nhuận rời Đà Nẵng ra Hà Nội làm nhân viên thư ký Đềpô thuộc Sở Hỏa xã Đông Dương. Cuối năm 1928, anh chính thức gia nhập tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng. Thời gian này, nhờ tiếp cận với nhiều tài liệu của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên như “Đường cách mệnh”, “Báo Thanh niên” nên anh đã lý giải được nhiều trăn trở và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Năm 1929, Lê Văn Nhuận gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, được phân công công tác vận động, tuyên truyền anh em công nhân ngành đường sắt. Vừa hoạt động, vừa học tập, từng bước anh tự bồi đắt cho mình những tri thức mới, nâng cao thêm tinh thần yêu nước và cách mạng. Anh đã gây dựng nhiều cơ sở và phát động đấu tranh trong giới thợ thuyền, thanh niên, bà con lao động, hòa mình vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Hà Nội.

          Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Lê Văn Nhuận được tiếp nhận về sinh hoạt Đảng tại Thành ủy Hà Nội. Từ một thanh niên giàu lòng yêu quê hương, đất nước, đồng chí đã trở thành một người chiến sỹ Cộng sản và đã giành trọn cuộc đời của mình cống hiến cho Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

          Trên mỗi cương vị công tác, cho đến sau này giữ trọng trách Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1960-1986); trong mỗi thời kỳ lịch sử, dù là trong chiến tranh cách mạng hay trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí luôn là một biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân.

        Tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất

        Với đồng chí Lê Duẩn, sự tàn bạo của kẻ thù không làm đồng chí khuất phục, trái lại, càng tôi luyện thêm ý chí, rèn đúc thêm bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của người chiến sỹ cách mạng.

        Năm 1931, thực dân Pháp bắt giam và kết án đồng chí 20 năm tù cầm cố, lưu đày đến các nhà tù Sơn La, Côn Đảo. Vượt lên mọi cực hình, đồng chí luôn bền gan, quyết chí giữ vững ý chí, lập trường và niềm tin cách mạng; cùng với đồng chí, đồng đội nêu cao khí phách trung dũng, kiên cường đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, giữ trọn khí tiết của người Cộng sản chân chính.

        Cuối năm 1940, địch bắt và đày đồng chí ra nhà tù Côn Đảo. Tại “Địa ngục trần gian” này, thực dân Pháp “đối xử với tù nhân hà khắc không sao kể hết được”, phần đông tù nhân đều chết dần, chết mòn vì những đợt đòn tra tấn, vì bệnh tật, kiệt sức, có ngày đến vài chục cái chết thương tâm; bản thân đồng chí bị chúng tra khảo đến “chết đi sống lại” nhiều lần; nhưng kẻ thù càng hung bạo, đồng chí càng trở nên mạnh mẽ, kiên cường để chiến đấu và chiến thắng sự tàn bạo của của chúng.

        Năm 1936, sau khi được trả tự do, đồng chí đã vượt qua sự truy lùng ráo riết của địch, lăn lộn, chỉ đạo phong trào đấu tranh, gây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng; kịp thời chỉ đạo phong trào dân chủ phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu. Bất chấp sự đe dọa, quản thúc của kẻ thù, mặc dù sức khỏe bị giảm sút sau những năm tháng bị tù đày, đồng chí vẫn miệt mài lăn lộn khắp các tình Trung Kỳ để gây dựng cơ sở cách mạng.

        Trong những năm tháng đồng cam cộng khổ cùng với nhân dân Nam Bộ kháng chiến chống Pháp trở lại xâm lược, đây là thời kỳ cuộc kháng chiến ở Nam Bộ gặp nhiều khó hhăn, lực lượng kháng chiến mỏng, lại ở tình trạng phân tán. Mặc dù phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, gian khổ nhưng đồng chí vẫn vững vàng, kiên định, vượt qua tất cả, sáng suốt đề ra và chỉ đạo thực hiện một loạt các chủ trương quan trọng: Mở rộng chiến tranh nhân dân, thực hiện làm chủ nông thôn, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động tạm cấp cho dân cày nghèo; đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở đô thị, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tăng cường công tác xây dựng Đảng… Nhờ đó, cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, phối hợp tích cực với các chiến trường trong cả nước làm nên thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chống thực dân Pháp xâm lược.

        Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phẩm chất kiên trung, bất khuất của đồng chí được biểu hiện rõ nét nhất ở tư tưởng cách mạng tiến công, bản lĩnh, ý chí sắt đá, quyết tâm cao nhất “dám đánh Mỹ và thắng Mỹ”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với quyết tâm, ý chí sắt đá đó, cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

         Sau ngày đất nước thống nhất, với bản lĩnh, ý chí và sự kiên cường của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí đã có những quyết sách sáng suốt để cùng với Đảng lãnh đạo đất nước vượt lên những thời điểm khó khăn nhất, vững bước đi lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.

        Nhà lý luận sáng tạo của Đảng

        Gần 60 năm hoạt động cách mạng cũng là chừng ấy thời gian đồng chí Lê Duẩn nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; say mê tìm tòi, trăn trở để trả lời cho được những vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra trên tinh thần tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Thông qua những tác phẩm tiêu biểu như: Đề cương cách mạng miền Nam; Thư vào Nam; Cách mạng xã hội chủ nghĩa; Dưới là cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, đồng chí đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lê nin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, làm phong phú thêm tầm vóc trí tuệ của Đảng và dân tộc ta.

        Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo - luận điểm nổi tiếng của Lê nin luôn được đồng chí Lê Duẩn thể hiện xuất sắc luận trong tư duy và hoạt động thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư duy lý luận của đồng chí được cụ thể hóa vào những quyết định có tính bước ngoặt của Đảng đối với cách mạng miền Nam; trong tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt cuộc kháng chiến. Đó là dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ. Đó là quan điểm sự dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh cơ bản: đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự. Là tư tưởng đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp. Tư tưởng đánh địch trên ba mặt trận (quân sự, chính trị, ngoại giao); trên ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng, đô thị); bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận)…

        Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Lê Duẩn luôn suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện của Việt Nam, với lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội và con người Việt Nam. Đó là, tư tưởng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tư tưởng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật và cách mạng tư tưởng - văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, nhằm xây dựng chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế mới - nền kinh tế sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa. Quan niệm về thực chất của chuyên chính vô sản là chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động mà nòng cốt là khối liên minh công nông; quan điểm về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Quan điểm về công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ và nhiệm vụ chủ yếu của công nghiệp hóa trong chặng đường đầu tiên là đưa nông nghiệp lên một bước sản xuất lớn. Tư tưởng chiến lược về tranh thủ thời gian xây dựng những cơ sở vật chất kỹ thuật trọng yếu, nhằm từng bước hình thành nền kinh tế độc lập, tự chủ…

        Những ngày cuối đời, đồng chí Lê Duẩn vẫn nung nấu, trăn trở suy nghĩ về những vấn đề quan trọng để hoàn chỉnh quan niệm của mình về chủ nghĩa xã hội, con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Rất tiếc, do sức khỏe giảm sút nhanh chóng, đồng chí không kịp đưa ra lời giải cho hàng loạt vấn đề mà đồng chí đã đặt ra và dày công suy nghĩ.

         Trong Điếu văn đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta đã khẳng định: “Là một người mácxít - lêninnít chân chính, đồng chí luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”.

        Yêu lao động, trọng lẽ phải và giàu tình thương

Với đồng chí Lê Duẩn yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, đó là phẩm chất cơ bản cần được bồi dưỡng và hoàn thiện để con người có thể làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được “cái Đúng, cái Tốt, cái Đẹp” của cuộc sống. Đồng chí thường căn dặn: Con người sống là phải lao động, có tình thương và lẽ phải. Đó là đạo lý cuộc sống 1.

Từ những ngày đầu rời mảnh đất quê hương đi làm cách mạng, hành trang mà đồng chí mang theo là lý tưởng của người thanh niên yêu nước, thương nòi; đồng chí đã tự nuôi sống bản thân để thực hiện hoài bão cứu nước bằng lao động chân chính. Sau này, trên con đường hoạt động cách mạng, đồng chí là một tấm gương về lao động và không ngừng lao động sáng tạo. Trong những năm tháng chịu cảnh tù đày dưới hệ thống nhà tù đế quốc, đồng chí đã vượt qua sự tra tấn, khủng bố khốc liệt của kẻ thù, “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, tự học, rèn luyện để trở thành một người cộng sản có trí tuệ lớn, tài năng lớn. Trong thời gian hoạt động ở Nam Bộ, đồng chí là một “ngọn đèn hai trăm nến”, luôn “cháy hết công suất” để lãnh đạo cách mạng miền Nam. Đặc biệt, với khả năng lao động, sáng tạo phi thường, đồng chí đã dự thảo “Đề cương cách mạng miền Nam” là bước khởi đầu để hình thành Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 lịch sử - Nghị quyết tạo ra bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, với cương vị là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, đồng chí đã làm việc không ngừng để cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, lãnh đạo nhân dân làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày giải phóng, đất nước phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thử thách, đồng chí lao động cho đến hơi thở cuối cùng để lãnh đạo đất nước vững bước đi lên.

Thuở bé, tình thương của đồng chí khởi nguồn từ tình cảm hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương gia đình, bà con lối xóm. Những năm tháng hoạt động cách mạng, tình thương của đồng chí được nâng lên thành tình cảm sâu nặng với đồng chí, đồng đội, đồng bào; là tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng đối với Tổ quốc, nhân dân. Sau ngày đất nước thống nhất, “tình thương và lẽ phải” với đồng chí là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Đồng chí nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “...trước hết phải lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, con em phải được đến trường, phải lo cho tất cả mọi người không phân biệt “bên này bên kia” vì ai cũng là công dân của nước Việt1. Trong rất nhiều bài viết, bài nói chuyện, đồng chí thường nhấn mạnh: “Sức mạnh của người cách mạng là ở lý tưởng của mình, đồng thời còn ở khát vọng về tình thương đối với đồng bào mình, nghĩa là yêu nước phải gắn liền với thương dân, phải có tình thương và trách nhiệm đối với dân2. Năm 1978, Trung Quốc thông báo không bán bông cho chúng ta nữa nên sản lượng bông sẽ giảm đi một nữa, do vậy Chính phủ chỉ lo được cho dân “hai năm một bộ quần áo”, đồng chí Lê Duẩn kiên quyết chỉ đạo các đồng chí trong Chính phủ “phải lo đủ cho người dân mỗi năm một bộ áo quần mới”. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương của người đứng đầu đất nước đối với nhân dân.

Ở một khía cạnh khác, “tình thương và lẽ phải” đối với đồng chí còn là trân trọng nghĩa tình, sống có trước có sau. Trong tình cảm của mình, đồng chí luôn giành cho đồng bào miền Nam lòng biết ơn sâu sắc. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí nhiều lần trở lại miền Nam, thăm các gia đình cơ sở ở Cà Mau, Rạch Giá, Bến Tre... Đồng chí luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên miền Nam phải chăm lo cho cuộc sống của bà con, nhất là những gia đình dám xã thân vì cách mạng. Với quê hương Quảng Trị, đồng chí luôn giành những tình cảm sâu nặng: “Đối với tất cả chúng ta, quê hương biết bao tình sâu nghĩa nặng! Riêng tôi, ngoài công việc chung của cả nước, vẫn thường nghĩ đến tỉnh nhà và tự hỏi không biết đồng bào trong tỉnh từ ngày giải phóng đến nay sống như thế nào...” 3. Đến những giây phút cuối cùng trên giường bệnh, đồng chí vẫn là một con người đầy tình cảm, luôn hướng về lẽ phải, tình thương và trách nhiệm với dân tộc, nhân dân.

Tổng Bí thư Lê Duẩn - nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người con vinh quang của đất nước. Bằng nhân cách, tài năng và trí tuệ của mình, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần phần nâng tầm vị thế của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Năm tháng sẽ đi qua nhưng những cống hiến của đồng chí Lê Duẩn luôn sống mãi trong lòng dân tộc và mỗi một người con Việt Nam yêu nước. Nhân cách, tài năng và trí tuệ của đồng chí mãi tỏa sáng, nhắc nhở cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vươn lên xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước./. 

 

                                                                        Nguyễn Ngọc Tuấn

                                                                     Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

[1] Trong thời gian chuẩn bị thi, Lê Văn Nhuận mắc bệnh thương hàn, mọi người khuyên anh không nên đi thi nữa. Không nản chí, tuy mới ốm dậy, sức khoẻ còn kém, thời gian ôn thi không được nhiều nhưng anh vẫn dự thi nên không đỗ chính thức và chỉ được học dự thính.

1 Hồi ký của đồng chí Võ Nghiêm, lúc đó là Tổ trưởng Tổ kế toán ở Hỏa xa Đà Nẵng. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thảnh ủy Đà Nẵng.

1 Lê Duẩn Tiểu sử, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2007, trang 519.

1 Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2002, trang 450.

2 Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2013, trang 311.

3 Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị, NXB Chính trị quốc gia, năm 2002, trang 387.

2356 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 857
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 857
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87206037