Năm 1999, Đảng ta tiến hành cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2). Nhân dịp này, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết bài "Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam". Trong bài viết này, một lần nữa đồng chí khẳng định " Suốt bảy thập kỷ qua, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua bao gian nan thử thách, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc. Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam"; "Những thành tựu đạt được trong quá trình đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo một lần nữa chứng minh sự phát triển và trưởng thành của của Đảng. Thế và lực của cách mạng nước ta ngày càng được tăng cường. Thành tựu đó rất to lớn và đáng tự hào".[1] Bên cạnh những thành tựu to lớn đó, để Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh phải không ngừng "nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng" . Chính vì vậy, thông qua bài viết trên đồng chí "muốn nói thêm" về một số yếu kém, theo tinh thần "cần thấy hết sự thật, nói đúng sự thật, nói hết sự thật với tinh thần và ý chí cách mạng tiến công, nghiêm khắc và sắc bén, làm nổi bật cái gì phải giải quyết và giải quyết thế nào cho có hiêụ quả thiết thực".[2]
Vấn đề đầu tiên đồng chí Phạm Văn Đồng quan tâm đó là "Nhiều người có chức có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hoá biến chất, chạy theo chức, quyền, tiền, danh và lợi." [3]Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp, thiếu ý thức tu dưỡng rèn luyện về phẩm chất đạo đức và năng lực, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, không hoàn thành nhiệm vụ...Đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng "Không thể để tình hình diễn biến như vậy";" Phải làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng bằng cách thay đổi người có chức, có quyền hư hỏng, thoái hoá biến chất"; "Làm thế nào người có chức, có quyền thực sự xứng đáng là người đầy tớ trung thành và người lãnh đạo của của nhân dân, được dân tin, dân mến. Từ đó làm chuyển biến tình hình".
Để làm được việc trên, Người chỉ rõ: "Phải sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng từ trên xuống dưới". "Phạm vi tự phê bình và phê bình bao quát: Tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống" "từng người cần nêu rõ trọng điểm, nếu không sẽ dễ tràn lan, có khi bỏ cái chính, sa vào cái phụ, thậm chí không gỡ được ra, mà lại gây thêm rối" [4]. Tuy nhiên, "điều cực kỳ khó khăn bởi vì tự mình phải mổ xẻ mình". Và nếu "sa vào hình thức, làm qua loa, không kiên quyết" sẽ "không có kết quả thiết thực".
Vấn đề thứ hai, đồng chí Phạm Văn đồng quan tâm là tổ chức của Đảng và công tác phát triển Đảng. Người viết "Chúng ta thường được báo cáo rằng chất lượng tổ chức đảng và đảng viên là trong sạch, lành mạnh chiếm đến 70-80%. Nhưng thực sự đâu có vậy, đảng viên một phần không nhỏ không có phẩm chất chính trị, tư tưởng và tác phong của người cộng sản". Người lưu tâm đến đảng viên xuất thân từ thành phần công nhân, trí thức, về đảng viên trẻ...trong Đảng, không nhiều. Khắc phục tình trạng trên chính là cách để "Đảng chúng ta thực sự là một Đảng quần chúng, giàu sức trẻ, giàu trí tuệ, giàu chất cách mạng".[5]
Và một điều đồng chí Phạm Văn Đồng mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên "phải đi vào thực tế cuộc sống của nhân dân với thái độ cách mạng và đổi mới để tìm tòi, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và từ thực tiễn nâng lên thành lý luận".[6]
Kỷ niệm lần thứ 115 năm, ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng, ngẫm lại những lời tâm huyết của Cố Thủ tướng và nội dung đầu tiên của chủ đề Đại hội XIII xác định “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” [7] để “Tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng” [8] mỗi một cán bộ, đảng viên chúng ta càng thấm hiểu tấm lòng, trách nhiệm và những trăn trở của một con người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp của Đảng của dân. Từ đó, đoàn kết một lòng xung quanh Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trí Ánh
[1] Trích tác phẩm đã dẫn
[2] Trích tác phẩm đã dẫn
[3] Trích tác phẩm đã dẫn
[4] Trích tác phẩm đã dẫn
[5] Trích tác phẩm đã dẫn
[6] Trích tác phẩm đã dẫn
[7] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
[8] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII