Đồng chí Phạm Hùng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam 

Đồng chí Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912, tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng.

Năm 1928, sau khi học xong ở trường tỉnh, đồng chí sang học Trường Trung học Mỹ Tho. Tại đây, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó làm Bí thư Chi bộ Trường học. Năm 1931, đồng chí được Đảng tin cậy giao trọng trách làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho khi vừa tròn 19 tuổi. Khi đang tích cực lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến, ngày 2/6/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Mỹ Tho. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, mọi cực hình để tra tấn nhưng không khuất phục được ý chí cách mạng của đồng chí, sau hơn 7 tháng giam cầm, đầu năm 1932, chúng đưa đồng chí ra tòa Đề hình ở Sài gòn xét xử. Mặc dù không có chứng cứ gì, nhưng tòa án thức dân vẫn khép đồng chí 3 năm tù, 3 năm quản thúc và đưa về Mỹ Tho giam giữ.

Trong lao tù, đồng chí tiếp tục lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, xây dựng đường dây liên lạc với bên ngoài để tiếp tục chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng chống chế độ thực dân và bọn phong kiến tay sai. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man cuộc đấu tranh của tù nhân, đồng chí Phạm Hùng bị địch tống biệt giam vào xà lim. Ngày 20/9/1932, tại Mỹ Tho, thực dân Pháp đã mở phiên toà Đại hình xét xử những người chống lại “an ninh công cộng”, Đồng chí bị kết án tử hình và đưa về giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn.

Trong xà lim án chém, đồng chí đã cảm hoá một số tù thường phạm bị thực dân Pháp kết án xử tử, thức tỉnh lương tâm và truyền niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng cho các bạn tử tù. Sau đó, phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và tiến bộ ở trong nước cũng như trên thế giới buộc chính quyền thực dân Pháp phải giảm án tử hình đối với đồng chí Phạm Hùng và một số chiến sĩ cách mạng xuống chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo tháng 1/1934.

Gần 15 năm trong tù đày, trong đó 12 năm bị thực dân Pháp giam giữ ở nhà tù Côn Đảo - địa ngục trần gian tàn bạo của chế độ thực dân, Đồng chí đã thể hiện khí phách cách mạng cao đẹp, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, là biểu tượng của “tinh thần thép”. Đồng chí đã cùng chi ủy, chi bộ lãnh đạo tù nhân đấu tranh quyết liệt đòi giảm nhẹ chế độ tù khổ sai, cải thiện chế độ sinh hoạt nhà tù; trực tiếp tham gia tổ chức nhiều lớp học tập văn hóa, học tập lý luận nâng cao trình độ chính trị, củng cố lập trường tư tưởng, giữ vững lý tưởng và niềm tin vào tương lai của cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản, các bạn tù thường phạm, các bạn tù thuộc các đảng phái khác, góp phần quan trọng vào việc biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản, đào tạo lớp cán bộ cách mạng trưởng thành ngay trong nhà tù đế quốc.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng đón từ Côn Đảo về tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam suốt chín năm liền với các trọng trách: Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, rồi Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Phân liên khu Đông Nam Bộ, Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ.

Từ năm 1956 cho đến khi qua đời (năm 1988), đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng của Đảng với các trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đại biểu Quốc hội nhiều khóa, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng của Quốc hội khóa VIII, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Phạm Hùng luôn nêu cao tinh thần cách mạng cao quý, gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nước, vì dân, giữ vững niềm tin ở thắng lợi cuối cùng. Bất chấp gông cùm và những đòn tra tấn của nhà tù đế quốc, bất chấp hoàn cảnh gian khổ và ác liệt của chiến trường miền Nam, nhất là những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí luôn bền gan chiến đấu, thể hiện lòng dũng cảm và nghị lực phi thường.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi oanh liệt, hào hùng của Đảng và của cả dân tộc ta. Đồng chí là nhà lãnh đạo, nhà tổ chức tài năng, là cán bộ sâu sát với quần chúng, lời nói luôn đi đôi với hành động, có tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực, luôn đem hết trí tuệ và sức lực hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng và nhân dân giao phó. Ðồng chí luôn đặc biệt chăm lo công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, chân thành, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng. Ðồng chí luôn quan tâm và dành nhiều tâm sức cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; gần gũi và ân cần chỉ bảo, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội; dân chủ, cởi mở, nghiêm minh và rộng lượng với mọi người.

Kỷ niệm 110 nâm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, chúng ta học tập tấm gương của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam với những phẩm chất cao quý: Đó là, ý chí kiên cường, dũng cảm, lạc quan, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Đó là, phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, thực tiễn, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; làm việc có kế hoạch, có kỷ luật, tâm huyết, trách nhiệm cao với tinh thần “Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu”. Đó là, tình yêu thương con ngưởi, đối với đồng chí sống có tình nghĩa, bao dung, vị tha; đối với bản thân thì nghiêm khắc tự phê bình, sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý; sống giản dị, chân tình; hiếu nghĩa với cha mẹ, quê hương, đất nước, thủy chung, mẫu mực, hết lòng chăm lo, thương yêu gia đình.

Phát huy truyền thống cách mạng quý báu do các thề hệ tiền bối để lại, toàn Đàng, toàn dân, toàn quân ta ra sức đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; đoàn kết đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy lùi, dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Lệ Thu

 

302 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1452
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1452
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87167949