Đồng chí Nguyễn Văn Linh với sự nghiệp đổi mới 

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tên khai sinh là Nguyễn Đức Cúc, thường gọi là Nguyễn Văn Cúc và sau này lấy bí danh Mười Cúc khi ở hoạt động ở miền Nam, sinh ngày 1-7-1915, quê ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

 Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người cộng sản mẫu mực suốt đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, của đất nước ta; là một trong những lãnh đạo có công lao to lớn góp phần hoạch định và chịu trách nhiệm cao nhất trong triển khai tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Tư duy đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh xuất phát từ thực tiễn, đó là kết quả của một quá trình luôn sát cánh với nhân dân, bám sát cuộc sống, luôn trăn trở trước hiện thực khách quan, trong sản xuất và đời sống, nhìn thẳng vào sự thật, thấu hiểu ra và nói rõ sự thật, đặc biệt là những thiếu sót, khuyết điểm; nhận ra được những đòi hỏi khách quan của thực tiễn để đổi mới tư duy, đề ra những việc cần làm ngay phù hợp với quy luật để có thể giải quyết được tình trạng khủng hoảng, ổn định sản xuất và cuộc sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục tiến lên trong thời điểm có những biến động  to lớn trên thế giới.

Sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI (12-1986), với trọng trách Tổng Bí thư của Đảng thời kỳ đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng từng bước cụ thể hóa đường lối cách mạng Việt Nam do Đại hội vạch ra theo quan điểm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Đường lối kinh tế với ba chương trình lớn là: Lương thực, thực phẩm; Hàng tiêu dùng; Hàng xuất khẩu được gắn với vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm thời đại, năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, làm lành mạnh các quan hệ xã hội; đổi mới và phát triển bền vững. Đồng chí nêu rõ: “Chuyển biến toàn bộ sự nghiệp cách mạng theo hướng đổi mới là một quá trình lâu dài. Chúng ta còn phải tiếp tục kiên trì suy nghĩ, tìm tòi, thử nghiệm, từng bước hình thành cái mới một cách tích cực và vững chắc” [1]. Thực tế, trong những năm đầu tiến hành công cuộc đổi mới (1986-1988), sự hạn chế về năng lực, trình độ, cộng với sức ỳ tư duy là nguyên nhân chủ yếu làm cho tình hình đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đồng chí luôn lưu ý: “Phải nhìn thẳng vào sự thật, phải thấy rằng  thiếu  sót chủ quan của chúng ta là nghiêm trọng và kéo dài. Phải có tinh thần dũng cảm tự phê phán mạnh mẽ và triệt để để đổi mới. Không như thế, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài với những tai hoạ thật sự - những tai hoạ không phải do bản chất chế độ chúng ta gây ra mà là do khuyết điểm của chúng ta gây ra”.  Đồng chí đặc biệt quan tâm đến đổi mới tư duy và phong cách lãnh đạo, đồng chí nói: “ Nói đến tư duy là nói đến trình độ nắm bắt các quy luật khách quan, nói đến việc suy nghĩ theo đòi hỏi của các quy luật đó và vận dụng chúng phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nuớc, nói đến quá trình sáng tạo đề ra các ý kiến mới, nói đến việc tìm tòi các biện pháp có hiệu quả cho hành động”. Trong những năm 1988-1989, cuộc khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng ở các nước xã hội chủ nghĩa đã tác động tiêu cực đến nước ta. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) do đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trì đã đề ra những nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo công cuộc đổi mới. Từ các nguyên tắc đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhiều lần nêu bật phương châm và các bước thực hiện tiến trình đổi mới trong điều kiện nước ta, có tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng chí nhấn mạnh: “Chúng ta chủ trương đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ kinh tế chính trị đến tư tưởng, văn hoá và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đồng thời, trong mỗi bước đi phải xác định khâu then chốt để tập trung sức giải quyết. Trong quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, chúng ta tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị”.

Nhận định về két quả thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khẳng định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ , toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [2]

Kỷ niệm lần 107 năm, ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mỗi một cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta thêm một lần khắc sâu ơn Đảng, học tập và noi gương đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới, nguyện sát cánh, kề vai, đoàn kết một lòng đưa sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đi đến  thắng lợi. Trí Ánh

 

    [1] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến bộ, Nxb. Sự thật, H, 1988, t. 1, tr. 5

 

     [2]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tập 1,  tr 25

401 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 893
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 893
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77259616