Đến dự Hội thảo có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Long An; đại diện thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Hữu Thọ cùng đông đảo các nhà khoa học.
|
Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An". (Ảnh: Tiểu Lam/Longan.gov.vn) |
Được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 10/7/2020), Hội thảo là hoạt động thiết thực thể hiện sự tôn vinh, biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đối với những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ. Đây là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, đồng thời giáo dục về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng anh dũng của nhân dân ta. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (1910 - 1996), sinh ra tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Xuất thân trong một gia đình công chức trung lưu, với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quê hương Long An cùng nhiệt huyết yêu nước, mong muốn học hành để phục vụ đất nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã sang du học tại Pháp từ năm 11 tuổi. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật hạng ưu tại Pháp (năm 1932), với tài năng và trí tuệ vượt trội, ông được nhiều trường đại học và văn phòng luật sư danh tiếng ở Pháp mời làm việc. Nhưng với mong muốn đem kiến thức giúp dân, giúp nước, Nguyễn Hữu Thọ đã trở về Tổ quốc, hoạt động luật sư và trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã sớm tham gia vào phong trào yêu nước đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ trong những năm 1940 - 1945. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành một trí thức yêu nước ủng hộ chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Luật sư tham gia kháng chiến bằng nhiều hình thức, tích cực hoạt động trong phong trào đấu tranh công khai của các tầng lớp Nam Bộ. Ngày 16/10/1949, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1954, miền Bắc được hòa bình, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục tham gia vào cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại Đại hội lần thứ nhất (tháng 02/1962) Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 3/1964, Đại hội lần thứ hai Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã bầu ông làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến tháng 6/1969, ông được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội bầu giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước: Phó Chủ tịch nước (tháng 7/1976), Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4/1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (tháng 7/1981), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (tháng 6/1987). Tháng 11/1988, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Để ghi nhận những công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng (năm 1993) và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Tiểu Lam/Longan.gov.vn) |
Các tham luận tại Hội thảo tập trung làm nổi bật các vấn đề: Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - tấm gương một trí thức yêu nước nhiệt thành; người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của cách mạng Việt Nam; người con ưu tú của quê hương Long An và là người học trò trung thành, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang, công lao to lớn đối với Đảng, dân tộc ta của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ mãi được các thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ, tôn vinh, học tập, noi theo.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận định các báo cáo khoa học và ý kiến tham luận đã tập trung phân tích làm rõ tác động của truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành nhân cách, tinh thần yêu nước và tư tưởng cách mạng của người cộng sản trung kiên, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của cách mạng Việt Nam và người con ưu tú của đất Long An. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ mong muốn Đảng bộ và nhân dân Long An tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, noi gương đồng chí Nguyễn Hữu Thọ xây dựng quê hương Long An ngày càng giàu đẹp./.