Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921 tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê văn hiến và cách mạng, tận mắt chứng kiến nỗi khổ đau của người dân mất nước, đồng chí Lê Quang Đạo sớm giác ngộ và được kết nạp vào Đảng từ năm 19 tuổi.
Trong suốt hơn 60 năm hoạt động cách mạng (1939-1999), đồng chí Lê Quang Đạo đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó nhiều trọng trách như: Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên; Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương phụ trách công tác dân vận; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí cũng dành tâm huyết nghiên cứu cách thức tổ chức thực hiện để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
|
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII (27/7/1991) (Ảnh: quochoi.vn) |
Do yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, từ tháng 9/1950, đồng chí Lê Quang Đạo được điều động công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua 28 năm trong quân ngũ (1950-1978), đồng chí được Đảng, Quân đội tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng: Phó Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch Biên giới 1950; Phó Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ kiêm Chính ủy Đại đoàn 308 (1954); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968); Chính ủy Bộ Tư lệnh 500, Chính ủy chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971); Chính ủy Chiến dịch Trị-Thiên (1972); Cục trưởng Cục Tuyên huấn đầu tiên (1951 -1955); Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phụ trách công tác tuyên huấn (1955 - 1978); Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, kiêm Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị quân sự…
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo với ý chí, bản lĩnh, tài thao lược, sự linh hoạt, sáng tạo, quyết đoán của một nhà chỉ huy chính trị - quân sự tài ba, cả trong công tác đảng, công tác chính trị, cũng như chỉ đạo trực tiếp trên chiến trường, góp phần to lớn vào những thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ Quốc. Ghi nhận những đóng góp to lớn với Quân đội và cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo đã được phong hàm Thiếu tướng năm 1958 và Trung tướng năm 1974.
Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Trên cương vị Trưởng ban Khoa giáo Trung ương với tầm nhìn bao quát, đồng chí đã quan tâm đến tất cả các ngành khoa học cũng như công tác quản lý, hoạt động khoa học. Đồng chí đã đề xuất quan điểm đổi mới, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, coi trọng bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, nhất là đội ngũ trí thức, trí thức trẻ. Những năm tháng phụ trách công tác khoa giáo của Đảng, đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo, cán bộ Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, gặp gỡ để lắng nghe ý kiến tâm huyết, trí tuệ của nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, góp phần tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn, đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng…
Trong rất nhiều đóng góp của đồng chí Lê Quang Đạo, Đảng ta đã ghi nhận vai trò to lớn trong việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, mở rộng dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh.
Tháng 6/1987, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện hoạt động lập pháp của Quốc hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Quốc hội khoá VIII, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quang Đạo, Quốc hội ban hành 2 bộ luật, 29 đạo luật và Hội đồng Nhà nước ban hành 39 pháp lệnh, tập trung ban hành nhiều luật và pháp lệnh quan trọng về kinh tế như Luật đất đai, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế, Pháp lệnh về ngân hàng... nhằm phục vụ việc chuyển sang nền sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, góp phần phát huy mọi tiềm năng của đất nước.
Đặc biệt, đồng chí Lê Quang Đạo đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp 1992 đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam, với những giá trị chính trị - pháp lý và thực tiễn sâu sắc, Hiến pháp đã góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đóng góp quan trọng khác của đồng chí Lê Quang Đạo là trong lãnh đạo xây dựng Mặt trận Việt Nam, phát huy vai trò của Mặt trận, tăng cường đổi mới công tác Mặt trận, không ngừng nâng cao chất lượng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế trong thời kỳ đổi mới đất nước
Với 17 năm tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 năm giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1994 - 1999), đồng chí đã có nhiều đóng góp trong xây dựng Mặt trận, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, như: giúp Trung ương Đảng xây dựng Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Năm 1993, đồng chí đã cùng cán bộ, Đảng đoàn Mặt trận tham mưu Đảng ban hành Nghị quyết 07 ngày 17/11/1993 về “Đại đoàn kết dân tộc, tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới”. Đây là Nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, thể hiện tư duy đổi mới sâu sắc của Đảng về công tác mặt trận trong thời kỳ mới, mang tính định hướng cho Quốc hội trong việc xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này.
Đặc biệt với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí đã dốc sức cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 5 nhất trí thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là nền tảng pháp lý mở ra một thời kỳ mới để Mặt trận chủ động đổi mới về tổ chức và hoạt động, góp phần thực hiện dân chủ, xây dựng xã hội lành mạnh, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo đã nỗ lực phấn đấu vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng nêu cao tinh thần của người chiến sĩ cộng sản, kiên cường vượt qua mọi gian nguy, thử thách, chiến đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì tương lai tươi sáng của đất nước. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng của một người cộng sản mẫu mực, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí với dân tộc, Đảng, Nhà nước tặng Đồng chí Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng, cách mạng Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước./.