Đồng chí Lê Duẩn với việc giáo dục, rèn luyện thanh niên 

Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn rất quan tâm đến thanh niên và giáo dục rèn luyện thanh niên, bởi vì đồng chí đã nhìn thấy được vị trí, vai trò to lớn của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí chỉ rõ: “Thanh niên là lực lượng tiên phong”, “xung kích đóng vai trò nòng cốt trong cách mạng”, “là những người nắm lấy tương lai huy hoàng của dân tộc”. Đồng chí khẳng định: “Thắng lợi của dân tộc ta không phải tình cờ mà có. Chúng ta giành được thắng lợi vĩ đại chính là dựa trên cơ sở sức mạnh đoàn kết chiến đấu của toàn dân ta nói chung và của thanh niên nói riêng. Phải khẳng định rằng dân tộc ta rất mạnh, thanh niên ta rất mạnh. Trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Thanh niên có mạnh, dân tộc mới mạnh”. Nguồn gốc tạo nên sức mạnh đó của thanh niên bắt đầu từ lý tưởng cách mạng, lý tưởng cách mạng mà Đảng ta đã dành và giáo dục thế hệ trẻ trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của tổ chức Đảng.

Đồng chí cho rằng, để giúp họ trở thành những người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ tương lai của nước nhà thì phải, thường xuyên quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên. Có đạo đức cách mạng thì sẽ không sợ thất bại, không lùi bước trước khó khăn; có đạo đức cách mạng thì sẽ không kiêu ngạo, tự mãn, không kèn cựa địa vị, không suy bì về hưởng thụ…

Do đó, từ cách nhìn của mình về thanh niên, đồng chí Lê Duẩn cho rằng cần xác định lý tưởng cách mạng cho thanh niên: Lý tưởng đó chính là mục tiêu phấn đấu của thanh niên. Phải đào tạo thanh niên trở thành những chiến sỹ quyết thắng, những con người anh hùng trong mọi lĩnh vực. Đó là những con người có lòng yêu nước nồng nàn, có ý thức giác ngộ cách mạng, phải có dũng khí đấu tranh kiên cường bất khuất, không sợ hy sinh, sẵn sàng quên mình vì cách mạng; phải có tinh thần kỷ luật, tự giác, phải có tri thức cách mạng, tinh thần độc lập. Bởi vì, không có lý tưởng tốt đẹp thì không phải là người thanh niên tiên tiến.  Nhưng lý tưởng, phẩm chất cách mạng không phải tự nhiên mà có mà nó chỉ có thể được hình thành trong quá trình đấu tranh cách mạng, trong sản xuất, chiến đấu và tu dưỡng. Đồng chí khẳng định: “Thanh niên chúng ta phải sống có lý tưởng cao thượng mà muốn có lý tưởng cao thượng, thì phải có lập trường dứt khoát, rõ ràng về cái sống và cái chết, về cống hiến và hưởng thụ”. Bên cạnh đó, đồng chí cho rằng, người thanh niên tiến tiến cần phải có tinh thần, nghĩa vụ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đồng chí Lê Duẩn cho rằng hạnh phúc lớn lao nhất của thanh niên là cống hiến trọn vẹn tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí viết: “Tuổi thanh niên là tuổi để cống hiến. Nếu chúng ta nghĩ nhiều đến hưởng thụ, đặt hưởng thụ cá nhân cao hơn tinh thần phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, tức là chúng ta đã hạ thấp phẩm chất của người thanh niên cách mạng, đã sống hoài, sống uổng những ngày đẹp nhất của đời mình. Thanh niên hãy lấy sự hy sinh phấn đấu cho cách mạng làm hạnh phúc cao cả nhất của đời mình, đừng để cho tình cảm cách mạng nguội lạnh vì những toan tính được mất của cá nhân. Người nào chỉ nghĩ đến lợi ích vật chất, chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình thì dù cho họ có ở lầu son, gác tía, ăn mâm cao cỗ đầy, họ cũng vẫn chỉ là một kẻ nghèo nàn, vì đầu óc họ trống rỗng, quả tim họ không đập cùng một nhịp với cách mạng”.

Mặt khác, theo đồng chí Lê Duẩn, để thanh niên muốn thực hiện được mục tiêu lý tưởng của mình thì thanh niên phải có lòng yêu nước nòng nàn, yêu nhân dân sắc. Và chỉ khi có lòng yêu nước, yêu nhân dân lao động sâu sắc thì mới vượt qua được chủ nghĩa cá nhân, dám xả thân vì nước, vì dân vì mục tiêu lý tưởng của Đảng. Đồng chí khẳng định: “Người thanh niên có lòng yêu nước nồng nàn phải có sự nhất trí cao trong việc giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa dân tộc - giai cấp - gia đình, khi cần thiết dám hy sinh lợi ích riêng của mình vì lợi ích của dân tộc, của giai cấp; phải có tình yêu lớn: yêu nước, yêu nhân dân, yêu giai cấp; phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tất cả những cái đó không tách rời nhau, mà kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành tinh thần yêu nước sâu sắc và cao đẹp của thanh niên”. Đồng chí nhận định, trong xã hội ta, nhiều thanh niên đã biết tỏ lòng yêu thương quý mến nhân dân bằng những hành động dũng cảm và hào hiệp, lúc chiến tranh thì xông pha lửa đạn để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân, lúc bình thường thì cứu giúp trẻ em bị tai nạn, đỡ đần những người đi đường bị ốm đau... Nhiều thanh niên đã hy sinh tất cả, ăn thiếu, mặc rách, mà không hề phàn nàn, đòi hỏi. Những việc làm mang nội dung đạo đức tốt đẹp đó rất đáng biểu dương, khen ngợi.

Theo đồng chí Lê Duẩn, muốn trở thành những thanh niên tiến tiến thì một trong những yêu cầu vô cùng quan trọng nữa đó là phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân. Đồng chí Lê Duẩn căn dặn: “Bất cứ làm việc gì to, nhỏ, thanh niên đều phải hy sinh cái cá nhân nhỏ bé để phục vụ cái tập thể rộng lớn. Nếu chỉ vì cái cá nhân nhỏ bé tầm thường mà làm việc, mà xây dựng sự nghiệp thì sự nghiệp ấy không những chỉ nằm trong cái nhỏ bé, tầm thường, mà có khi còn dẫn tới sai lầm nguy hiểm”. Mà muốn chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, sống có lý tưởng, hoài bão và khát vọng lớn thì phải thường xuyên tự tu dưỡng như rửa mặt hàng ngày, bởi vì đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có, không phải cứ muốn mà được, mà phải thông qua việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện của bản thân trong thực tiễn và sự giáo dục, quản lý của xã hội và gia đình. Đồng thời “Thanh niên phải hết sức khiêm tốn, không được kiêu ngạo, phải luôn luôn biết ơn những người đi trước và không bao giờ quên quá khứ đau khổ của cha anh mình”.

Những quan điểm trên của Tổng Bí thư Lê Duẩn về giáo dục, rèn luyện thanh niên, từ việc xác định lý tưởng đúng đắn, xây dựng củng cố niềm tin vào bản thân, có tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc đến tình yêu giai cấp và những cách thức, phương hướng trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện của thanh niên để tự mình làm chủ cuộc sống, làm chủ xã hội, là tương lai rường cột của nước nhà vẫn còn nguyên giá trị, nhất là khi chúng ta đâng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng trong đó có Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về vị trí, vai trò của thanh niên và giáo dục, rèn luyện thanh niên, Đảng ta xác định “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Hơn 35 năm đổi mới, những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã tác động tích cực đến thanh niên, tạo điều kiện cho họ tiến bộ về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, trình độ học vấn, khoa học công nghệ. Tuyệt đại bộ phận thanh niên cơ bản giữ vững đạo đức cách mạng, sống trong sạch, giản dị, lành mạnh, biết vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ.

Đặc biệt, trong phòng chống dịch bệnh COVID -19 và hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, các tổ chức đoàn trong cả nước đã cùng chung tay, góp sức, đổi mới phương thức tổ chức và quy mô các hoạt động, hướng vào các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng tập trung vào việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; kết nối, huy động các nguồn lực xã hội để giúp đỡ đồng bào bị thiên tai bằng nhiều hành động thiết thực và đầy ý nghĩa đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của Nhân dân

Tuy nhiên, do mặt trái của kinh tế thị trường cùng những thách thức của hội nhập kinh tế thế giới đã và đang tác động mạnh mẽ đến thanh niên, khiến cho một bộ phận không nhỏ chạy theo lối sống thực dụng, sa ngã, hư hỏng, xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, mơ hồ về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, xa rời lý tưởng, thiếu ý thức trong việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất, coi đồng tiền là trên hết; một bộ phận thanh niên đã “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, sống buông thả, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, thậm chí có người đã vi phạm pháp luật,v.v.. Thực trạng này, một mặt ảnh hưởng đến tương lai của chính họ, gây cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội, bền vững của đất nước; mặt khác, dễ bị các thế lực thù địch khai thác, lợi dụng để tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, hòng chống phá và ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

Chính vì vậy, việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên, nhất là trong giai đoạn hiên nay khi Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tròn 90 tuổi và khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang triển khai học tập, quán triệt và đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-T/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh”, Nghị Quyết Trung ương 4 khóa XII  “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” là yêu cầu cấp thiết, góp phần hình thành lớp thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Hải Đăng

 

1474 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2076
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 2077
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76253919