Nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí giai cấp nông dân trong lực lượng cách mạng, năm 1939, khi được giao trọng trách Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị và chủ trì Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (tháng 11-1939). Nghị quyết nêu rõ: “Công nông là hai lực lượng chính của cách mạng, sự đồng minh chặt chẽ của công nông là vấn đề sống chết của cách mạng”. Điều đó khẳng định những tư tưởng chiến lược của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định từ Hội nghị thành lập Đảng (1930), tạo bước mở đầu cho cao trào cách mạng mới, tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trên cương vị là Phó Bí thư, rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam giải quyết một loạt vấn đề quan trọng: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất các lực lượng vũ trang, chia cấp ruộng đất cho nông dân nghèo, củng cố liên minh công nông, động viên mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc cứu nước. Nhằm tăng cường đoàn kết công nông, lôi kéo tầng lớp trung nông để đủ sức cô lập và cải tạo tư sản, đồng chí Lê Duẩn viết: “Vấn đề nông dân ở nước ta, phải coi trọng trung nông… không nên có sự phân biệt về quyền lợi và nghĩa vụ giữa bần nông và trung nông” (Lê Duẩn: Giai cấp công nhân Việt Nam và liên minh công nông, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.245-247).
Trong những năm đen tối dưới chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, bằng kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm bám sát cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đồng chí đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng “Đề cương cách mạng miền Nam”. Bản Đề cương xác định rõ “Mục đích, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam”, nêu lên “Hình thức đấu tranh và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam”. Đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí trong Đảng bộ miền Nam không chỉ lăn lộn trong phong trào quần chúng, về với bưng biền, buôn, sóc bám dân để nắm bắt thực tiễn mà còn tổ chức thực tiễn đưa quần chúng vào hành động đấu tranh từ thấp đến cao, làm dấy lên một không khí tràn đầy tin tưởng, phấn chấn, tạo ra phong trào Đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam. Sức mạnh đó chính được tập hợp từ những “đội quân tóc dài”, những đội quân anh Hai lúa áo vải, chân đất, góp phần tạo sức mạnh chiến lược đánh địch trên ba vùng chiến lược: vùng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo trong “Đề cương cách mạng miền Nam” là cơ sở để Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 15 (khoá II), tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.
Từ cuối năm 1954, miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến kinh tế nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm điểm xuất phát. Đại hội lần thứ III của Đảng (9-1960) khẳng định: “Trong nền kinh tế quốc dân miền Bắc, nông nghiệp chiếm bộ phận rất quan trọng; nông dân lao động là một lực lượng sản xuất to lớn. Muốn đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải đi từ nông nghiệp, phải dựa vững vào lực lượng của nông dân lao động và phát huy tính tích cực cách mạng của họ” (Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập.21, tr.537).
Xuất phát từ đặc điểm nông dân nước ta, Đảng rất quan tâm giáo dục nông dân, lãnh đạo họ đi theo cách mạng, từng bước đem lại quyền lợi thiết thân cho nông dân, xây dựng củng cố khối liên minh công nông thành đạo quân chủ lực của cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến, nông nghiệp, nông thôn là toàn bộ hậu phương cho tiền tuyến lớn, đồng bào nông dân không quản hy sinh, đóng góp sức người, sức của cho công cuộc giải phóng dân tộc. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nhận xét: Nông dân Việt Nam không có tư hữu. Nếu có tư hữu thì không thể giải thích được các việc làm của nông dân cho kháng chiến, ví như tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống, dỡ nhà lót đường cho xe qua..., những việc làm khó tin với ngày nay nhưng lại rất bình thường ngày ấy”. Không chỉ có hy sinh, mà người nông dân còn là lực lượng cống hiến nhiều nhất. Ở hậu phương là “Lương không thiếu một cân”, “Quân không thiếu một người”. Điệp trùng Quân đội nhân dân Việt Nam hầu hết là nông dân; bao trai làng, gái quê đã hiến dâng tuổi thanh xuân xông pha tuyến lửa, tham gia phong trào “thanh niên xung phong”, “thanh niên 3 sẵn sàng”, ở hậu phương là “Phụ nữ 3 đảm đang”, nông dân “2 giỏi”, tay cày, tay súng...Bao nhiêu người con của nông dân đã trở thành tướng lĩnh, trở thành cán bộ lãnh đạo vừa có đức, vừa có tài.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước tiến lên CNXH, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và hoàn chỉnh đường lối cách mạng XHCN ở nước ta - một nước nông nghiệp lạc hậu, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong điều kiện nước ta nền kinh tế còn thuần nông, chế độ sản xuất nhỏ còn biểu hiện nổi bật, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Con đường từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn của nước ta trong nông nghiệp thì tất yếu phải biến nền nông nghiệp cá thể, độc canh thành nền nông nghiệp tập thể, toàn diện, giảm dần lao động tất yếu và tăng thêm lao động thặng dư. Muốn vậy, ngay từ đầu phải đem công nghiệp tác động vào nông nghiệp, kết hợp chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp”. Kế tục tư tưởng Hồ Chí Minh, Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “Tiến lên sản xuất lớn là phải đổi mới cách làm ăn, lối làm ăn tản mạn, tự sản, tự tiêu, mỗi người chỉ biết tính lợi nhỏ mọn cho mình, chứ không tính đến nhu cầu chung của xã hội” (Lê Duẩn: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam- tập 2, tr.28, 29 và tr.37). Nhìn lại trên rất nhiều vấn đề lý luận “về con đường từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” do đồng chí Lê Duẩn đã công phu tìm tòi là di sản quý báu mà chúng ta hiện nay đang khai thác, đang kế thừa và phát triển.
Đại hội lần thứ V của Đảng (3-1982), tiếp tục đề ra chủ trương: “Tập trung phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” (Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ V của Đảng, Hà Nội, 1982, tr.62). Đại hội coi việc phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ là tạo tiền đề, điều kiện cho công nghiệp hóa. Để tạo động lực cho người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, Đảng ta đã có những bước đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Trong thời gian này, chúng ta vừa phải xây dựng, kiến thiết đất nước, vừa phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Campuchia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, từ Đại hội V của Đảng, công cuộc xây dựng kinh tế bước đầu có sự điều chỉnh. Là một nước nông nghiệp, nắm vững đặc điểm nông dân nước ta, để tạo động lực cho người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đề ra những chủ trương tạo những bước đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động “Khoán 100” (theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, tháng 1/1981) và “Khoán 10” (theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, 1988) với tư tưởng “làm cho sản xuất bung ra” đã động viên giai cấp nông dân hăng hái thi đua sản xuất kinh doanh, đưa năng suất, sản lượng lương thực lên cao chưa từng có. Từ chủ trương khoán sản phẩm đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng không chỉ trong nông nghiệp, mà còn có tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nước ta. Cùng với Nghị quyết 25/CP,1981 của Chính phủ “về xác định quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh” là những nhân tố đầu tiên của quá trình đổi mới, làm cơ sở để đến Đại hội VI chính thức thông qua đường lối đổi mới toàn diện, tạo dấu mốc lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Thực hiện Nghị quyết 26, BCH Trung ương 7 Khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, một trong những nhiệm vụ đặt ra là đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp... Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể. Đây là sự kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta qua các kỳ Đại hội về vấn đề Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn, từng bước nâng cao mức sống nông dân, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Từ Quang Hóa