Sau khi Hiệp định Pa ri được ký kết có hiệu lực chỉ 5 ngày, đồng chí vui mừng vào thăm và chúc tết Quý Sửu- 1973 với Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh. Đồng chí nhấn mạnh nhiệm vụ sắp tới: “Nay mai chúng ta sẽ xây dựng cuộc sống không còn nghèo đói nữa, trẻ em ta không còn đau khổ nữa, không một ai đau khổ nữa. Điều đó khó lắm, nhưng ta phải làm. Nếu một gia đình nào đó mà con không có áo mặc thì tôi không chịu đâu, không cho phép làm chuyện đó”. Đồng chí nhắc nhở: “Bây giờ Vĩnh Linh phải trồng cây công nghiệp, đắt tiền hơn, phát triển công nghiệp và có phát triển mạnh công nghiệp, đất nước ta mới giàu, Vĩnh Linh mới giàu”.
Đất nước vừa mới hoàn toàn giải phóng, ngày 23/3/1976, đồng chí trở về thăm quê hương sau 40 năm đi xa. Đi qua những con đường làng Triệu Phong lỗ chổ hố bom, qua những rặng tre bị bom cày, đạn xới, ruộng đồng, nhà cửa đổ nát, lòng đồng chí bồi hồi xúc động. Về thăm từng gia đình làng quê Hậu Kiên, nhìn bữa cơm của bà con nông dân còn độn nhiều khoai, sắn, quây quần với bà con, đồng chí dặn dò phải cố gắng đi vào thâm canh cây lúa, mở rộng diện tích, khai hoang phục hóa, nhưng đừng quên trồng cây màu truyền thống. Chiến khu Ba Lòng, căn cứ địa Hướng Hóa và bao chiến khu khác đã nuôi bộ đội bằng củ khoai, cũ sắn... thế mà chúng ta đánh thắng hai đế quốc to”. Đồng chí nhắc lại với bà con dân làng: “Ngày xưa, làng mình nghèo lắm, nhưng bà con rất thương nhau. Một gia đình có việc là cả xóm xúm vào giúp, có nấu một nồi khoai, bát nước chè xanh thì gọi nhau đến. Do nghèo và tình nghĩa đồng bào mà tôi ra đi làm cách mạng. Bây giờ hòa bình, độc lập rồi, bà con cần phải thương yêu nhau, đùm bộc nhau, tổ chức tốt các ngành nghề sản xuất để ai cũng có công ăn, việc làm, đời sống ngày càng được nâng cao (theo Báo Dân, số 82).
Nói chuyện với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và nhân dân, đồng chí nhắc nhở phải ra sức phát huy truyền thống bất khuất của quê hương, không cam chịu đói nghèo, tìm mọi cách đi lên từ đất đai, tiềm năng và lao động. Đồng chí chỉ rõ: “Đi đôi phát triển nông nghiệp phải phát triển ngư nghiệp, lâm nghiệp thành những ngành kinh tế quan trọng. Mỗi làng, mỗi xã đều phải đi vào khoa học kỷ thuật để tăng năng suất lao động, ra sức học tập nâng cao trình độ văn hóa”.
Đến thăm huyện Hướng Hóa, đồng chí vào tận thôn bản để gặp bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, đồng chí căn dặn: “ Huyện ta rất giàu tiềm lực, có điều kiện phát triển kinh tế. Tuy nhiên do chưa chú trọng khai thác đúng mức nên kết quả chưa cao. Tiềm lực con người Hướng Hóa rất to lớn, đồng bào dân tộc ở đây có tinh thần yêu nước, nhiệt tình cách mạng, lao động cần cù và đoàn kết, thương yêu nhau. Nếu biết phát, huy khai thác những tiềm năng thế mạnh đó thì trong tương lai không xa Hướng Hóa trở thành huyện miền núi kiểu mẫu”.
Gặp gỡ cán bộ, nhân dân thị xã Đông Hà, quan tâm công tác dân số, đồng chí nói: “Ta không sợ đông người, nhưng vì quả đất không thể to thêm được nữa, đất để làm lương thực có hạn, phải hạn chế sinh đẻ, đẻ ít, nuôi dạy cho tốt”. Gắn các loại hình tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, đồng chí căn dặn: “Phải phát triển ngành nghề truyền thống, đan mây tre thành sản phẩm xuất khẩu.
Về thăm Triệu phong, về làng Bích La, Triệu Đông ngày 23/3/1983, vui với niềm vui tỉnh nhà từng bước đi lên, từng bước khởi sắc, thay da đổi thịt. Đứng trên bờ kênh công trình thủy nông Nam Thạch Hãn, tràn đầy xúc động, đồng chí nói: “Lần này tôi về mừng nhất là làng ta có nước, không đói nữa, bây giờ có nước của công trình Nam Thạch Hãn, ruộng cấy được 2 vụ. Đời trước ông bà chúng ta chưa bao giờ nghĩ ruộng đồng làng mình có nước đầy đủ như hiện nay. Hạnh phúc có rồi, dân ta cần cù nhất định làm nên giàu có". Đồng chí căn dặn các đồng chí lãnh đạo: “ Thủy lợi cùng với tiềm năng đất đai và lao động là điều kiện tiên quyết để làm giàu. Cần phải thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật để nâng cao sản lượng lương thực”. Căn dặn với bà con, bạn bè, đồng chí nói: “phải đoàn kết, làm tròn nghĩa vụ, bổn phận của mình; Trong gia đình phải thương yêu nhau, phải sống nhẹ nhàng, êm ái với nhau...Bất cứ người nào cũng phải có lao động, phải có tình thương, phải đi vào lẽ phải, có lẽ phải”. Trước tình hình dân cư ở nhiều địa phương chật hẹp, người đông, ruộng vườn cằn cỗi, đồng chí quan tâm đề xuất các ngành liên quan, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con nông dân đến vùng kinh tế mới, sớm ổn định để lập nghiệp, phát triển sản xuất.
Tháng 3/1985, cũng là lần cuối cùng về thăm quê, đồng chí muốn gửi gắm nhiều điều dặn dò tâm huyết với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Đồng chí động viên nhắc nhở nhân dân “ phải phát huy hơn nữa đức tính cần cù, dũng cảm, nêu cao quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển vươn lên”. Không dùng những lời lẽ chung chung mà rất cụ thể, nói rõ từng việc, đồng chí căn dặn các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh:“ Phải chú ý phát triển kinh tế ở các vùng, khai thác tốt tiềm năng lao động, xây dựng con người mới có ý thức và đủ năng lực làm chủ, biết lao động, giàu tình thương và trọng lẽ phải”.
Tình cảm và những lời căn dặn ân cần của đồng chí Lê Duẩn đã tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị ra sức phấn đấu, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động để làm giàu cho quê hương, xây dựng Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn./
Từ Quang Hóa