ĐỒNG CHÍ LÊ DUẨN VỚI CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI 

Là một nhà lý luận, nhà tư tưởng, một người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhân dân ta, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Lịch sử ghi đậm những công lao to lớn của đồng chí trong nhiều thời kỳ, đặc biệt trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc đời hoạt động của mình, nhất là trong 26 năm trên cương vị là Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc về mặt lý luận và hoạt động thực tiễn trên lĩnh vực đối ngoại của Đảng ta.

Thứ nhất, làm cho Nhân dân thế giới ủng hộ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta.

Đồng chí Lê Duẩn luôn cho rằng: Chung sống hòa bình phải đi đôi với đấu tranh chống đế quốc - nguồn gốc gây chiến tranh, hai mặt đó khăng khít với nhau. Vì vậy, muốn bảo vệ hòa bình phải dập tắt lò lửa gây ra chiến tranh là chủ nghĩa đế quốc và coi đây là biện pháp bảo vệ hòa bình tích cực nhất.

           Từ yêu cầu hòa bình của nhân loại, khát vọng tự do của tất cả các dân tộc, ước vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của Nhân dân ta và các nước trong khu vực. Với cách nhìn và lý giải về chiến tranh và hòa bình, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, văn minh và tàn bạo, Đảng ta, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Duẩn, đã thể hiện trong đường lối cách mạng nước ta sự kết hợp giữa nhu cầu của Nhân dân ta với nhân loại, kết hợp sức mạnh của dân tộc với thời đại và đặt sự vận động của cách mạng Việt Nam vào dòng chảy phát triển của xã hội loài người.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam mang tính thời đại sâu sắc. Chỗ mạnh của Việt Nam là chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á. Chỗ yếu của Mỹ không phải là đối đầu với nhân dân Việt Nam mà còn phải đối phó với thế tiến công của ba dòng thác cách mạng và phong trào hòa bình trên thế giới. Xét so sánh lực lượng giữa Việt Nam và Mỹ phải đặt trong bối cảnh chung đó.

          Đối với nhân dân thế giới, quan điểm đối ngoại của Đồng chí Lê Duẩn làm cho bạn bè gần xa thấy rõ tính chất phi nghĩa của đế quốc Mỹ, kẻ thù trực tiếp của nhân dân Việt Nam và kẻ thù của cả nhân loại; thấy rõ tính chất chính nghĩa của Việt Nam là chiến đấu vì dân tộc mình, vì hòa bình và cách mạng thế giới. Hai tính chất hoàn toàn đối lập nhau. Dó đó, ta đã tranh thủ được lương tri loài người đứng về phía Việt Nam và lên án Mỹ xâm lược. Phong trào ủng hộ Việt Nam chống mỹ xâm lược ngày càng mạnh.

Thứ hai, mở mặt trận ngoại giao và chỉ đạo đấu tranh ngoại giao với Mỹ.

Vai trò lãnh đạo của Đảng còn được thể hiện bằng sự độc lập trên mặt trận ngoại giao. Đánh và đàm là điểm nhấn trong chiến lược của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Điều này thể hiện rõ nét tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, năm 1967, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, trong đó nêu rõ: Đi đôi với đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam, ta cần tiến công địch về mặt ngoại giao, phối hợp với hai mặt đấu tranh đó để giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Hội nghị đã nêu rõ vị trí của từng hình thức đấu tranh: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường1. Nhưng trong những tình huống cụ thể, ngoại giao cũng có thể trở thành một mặt trận “chủ động tiến công địch”.

Năm 1971, đồng chí Lê Duẩn tiếp tục nhấn mạnh tiến công ngoại giao: “Phương hướng lớn của chúng ta sắp tới là nỗ lực vượt bậc tranh thủ thuận lợi; mở nhiều chiến dịch lớn trong mùa đông năm 1971 và cả năm 1972 trên toàn chiến trường Đông Dương…; kết hợp tiến công trên chiến trường với tiến công về ngoại giao”2. Muốn làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ, phải triển khai cuộc đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao.

Ở vào thời điểm quan trọng có ý nghĩa quyết định kết thúc cuộc chiến tranh đồng chí Lê Duẩn đã sáng suốt đưa ra nhận định: “Ở thời điểm này, Việt Nam không chỉ là vấn đề đối đầu giữa hai hệ thống thế giới, mà về khách quan, còn có một đối thủ quan trọng trong sự tính toán chiến lược của các thế lực tranh giành Đông Nam Á. Do đó, ta phải tranh thủ thời gian để kết thúc chiến tranh vì đây là thời cơ ngàn năm có một để cho ta giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”3. Đây là một trong những biểu hiện tầm cao trí tuệ của đồng chí.

          Thứ ba, đoàn kết Nhân dân ba nước Đông Dương.

 Quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là tự giúp mình”, trong quá trình chỉ đạo công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đồng chí Lê Duẩn luôn giành sự quan tâm đến các phong trào cách mạng trên thế giới, thể hiện trách nhiệm của Đảng và dân tộc ta đối với cuộc chiến đấu của ba nước Đông Dương trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vũ trang Việt Nam đã sát cánh cùng quân và dân Lào đánh bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại hai tỉnh tập kết Sầm Nưa và Phông Sa Lỳ, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào. Từ năm 1960, khi đế quốc Mỹ thực hiện “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam và Lào, nhất là khi Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, tình đoàn kết, liên minh chiến đấu của quân và dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia càng được củng cố và phát triển mạnh mẽ. Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương được triệu tập (tháng 3-1965), thông qua nghị quyết lên án Mỹ vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơ-ne-vơ, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, can thiệp vũ trang vào Lào và tiến công khiêu khích Cam-pu-chia; đồng thời khẳng định nhân dân ba nước Đông Dương tăng cường đoàn kết, liên minh chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Trên chiến trường Lào, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam cùng với quân và dân Lào xây dựng lực lượng, củng cố các khu căn cứ, vùng giải phóng; đồng thời đẩy mạnh chiến đấu trên các chiến trường. Từ phối hợp đánh từng trận, Liên quân Lào - Việt mở các đợt tác chiến và chiến dịch lớn như Nậm Thà (1962), 128, 74 A (1964), Nậm Bạc (1968)..., đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Lào, góp phần cùng quân và dân Việt Nam đánh bại “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và đánh thắng một bước quan trọng chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc. Đoàn kết nhân dân ba nước, thắng Mỹ trong phạm vi ba nước Đông Dương, góp phần vào hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á. Trong năm 1975, cả ba nước cùng giành được độc lập, thống nhất.

          Quan điểm và hoạt động quốc tế của đồng chí Lê Duẩn không chỉ góp phần quan trọng đối với thành công của Đảng và Nhà nước ta trên mặt trận đối ngoại mà còn góp phần vào việc củng cố tình đoàn kết giữa các lực lượng hòa bình, dân chủ và tiến bộ thế giới, đặc biệt là góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các Đảng và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

          Thứ tư, ngoại giao phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội

Đi cùng với việc vận động Quốc tế ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, đồng chí Lê Duẩn rất chú ý chỉ đạo ngoại giao phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta đã tranh thủ được sự giúp đỡ về kinh tế - kỹ thuật của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, trước sự bao vây, cấm vận của Mỹ và các thế lực thân Mỹ, nhưng do sự vận động tích cực của Đảng và Chính phủ ta, Liên Xô đã giúp ta xây dựng nhiều công trình như: nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Hòa Bình, Trị An, xi măng Bỉm Sơn... Quan trọng nhất là hợp tác thăm dò dầu khí. Trung Quốc giúp nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy phân đạm Hà Bắc và một số xí nghiệp công nghiệp nhẹ... Hiện nay, một số công trình như Liên doanh dầu khí Việt - Xô Petro và thủy điện Hòa Bình đang đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế nước ta. Những cơ sở vật chất và hàng tiêu dùng mà bạn giúp vừa có tác dụng thiết thực vừa minh chứng cho quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về ngoại giao không chỉ để giải phóng dân tộc mà còn phục vụ phát triển kinh tế.

Những cống hiến to lớn và sáng tạo trong việc xây dựng, hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng, cũng như những hoạt động, chỉ đạo mặt trận ngoại giao không mệt mỏi của mình, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng hoàn thành công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xứng đáng “là chiến sĩ quốc tế trong sáng”. Từ việc nghiên cứu tìm hiểu những nội dung trong công tác ngoại giao của đồng chí Lê Duẩn, giúp  chúng ta rút ra một số bài học sau:

Một là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để đấu tranh ngoại giao. Phát huy các tố chất của dân tộc Việt Nam có hàng nghìn năm lịch sử “vừa đánh vừa đàm” kết hợp với tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa và kinh nghiệm ngoại giao của thế giới để bổ sung cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng ta.

Hai là, bài học giữ vững độc lập, tự chủ trong đối ngoại. Từ Hội nghị Giơnevơ đến Hội nghị Pari là một bước tiến lớn của ngoại giao Việt Nam trên con đường giữ thế độc lập tự chủ trong khi phối hợp với bạn bè. Khi ra các quyết sách, chúng ta phải dựa vào đánh giá tình hình của bạn bè. Vì vậy, bài học về giữ vững độc lập, tự chủ trong đàm phán ngoại giao lại càng quý giá.

Ba là, bài học về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Để vượt qua những thách thức lớn, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phương cách cực kỳ quan trọng, bảo đảm thắng lợi. Cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta thắng lợi vì đã phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Bốn là, bài học về xây dựng lực lượng. Từ Hội nghị Genevơ năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao đã trưởng thành vượt bậc, được chuẩn bị và trang bị kỹ cả về kiến thức đối ngoại và nghệ thuật đàm phán. Cùng với sự chỉ đạo sát sao, Đảng và Nhà nước đã chọn lựa, tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ đối ngoại bản lĩnh nhất, xuất sắc nhất tham gia hai đoàn đàm phán, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.

Kỷ niệm 114 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2021) ngẫm lại những quan điểm về đối ngoại của Cố Tổng Bí thư, chúng ta thấy rằng ngoại giao Việt Nam đã luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi giai đoạn cách mạng. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình mới, những quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về đối ngoại vẫn còn nguyên giá trị, vận dụng sáng tạo các quan điểm, bài học trên giúp chúng ta tạo môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại nhằm phục vụ hiệu quả nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Thực hiến nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”4. Lê Thị Thanh Nhạn

 

[1],2,  Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985.

3 Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng ta, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 2002, tr.53.

4 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr.161-162.

1212 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 729
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 729
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87029575