Đồng chí Lê Duẩn, nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam 

Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn hay nhắc tới luận điểm nổi tiếng của Lênin: “Chân lý là cụ thể” và theo đồng chí, chân lý là cụ thể nên cách mạng phải sáng tạo. Bản thân đồng chí Lê Duẩn là sự thể hiện xuất sắc luận điểm đó trong tư duy và hoạt động thực triễn lãnh đạo cách mạng nước ta để trở thành một nhà lý luận lớn có tầm cỡ chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi trên tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo để trả lời cho được những vấn đề bức xúc do cuộc sống đặt ra, đồng chí Lê Duẩn đã có những cống hiến xuất sắc về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Điều đó thể hiện trước hết trong việc đồng chí đã góp phần chỉ ra những vấn đề lý luận để xây dựng Đảng ta thành một Đảng của trí tuệ, đoàn kết, thống nhất và chặt chẽ về tổ chức mà biểu hiện đầu tiên là đề ra được đường lối chính trị, những vấn đề chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn, đồng thời nêu lên những vấn đề lý luận cốt yếu nhằm nâng cao tính tiên phong, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong từng giai đoạn.

Những đóng góp của đồng chí Lê Duẩn về lý luận được thể hiện trong cả việc hình thành đường lối chiến lược, sách lược, phương pháp và nghệ thuật cách mạng của Đảng trong Cách mạng Dân tộc Dân chủ, cũng như trong việc tìm con đường đi lên CNXH ở nước ta. Điều ấy được thể hiện ở hàng loạt tác phẩm giàu tính lý luận, khái quát từ thực tiễn cách mạng phong phú, có tính đến những biến đổi phức tạp của thế giới, của thời đại, hơn nữa còn được kiểm nghiệm bằng một hiện thực cách mạng vô cùng sinh động. Đó là những đóng góp của đồng chí Lê Duẩn vào việc xác định chính sách mới của Đảng ở Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (năm 1939), vào đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân qua bản kiến nghị quan trọng với Đại hội Đảng lần thứ II (năm 1951), vào việc hoạch định con đường đi lên của cách mạng Việt Nam qua Đề cương cách mạng miền Nam, cũng như việc chuẩn bị Nghị quyết 15 của Trung ương (năm 1959). Những tư tưởng ấy được bổ sung và phát triển một cách toàn diện trong những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ XX và đó là những đóng góp có ý nghĩa quyết định vào sự lãnh đạo của Đảng để đưa cách mạng Việt Nam đến toàn thắng vào mùa Xuân năm 1975.

Nổi bật nhất là những cống hiến lý luận của đồng chí Lê Duẩn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đó là lý luận góp phần hoạch định chiến lược và quyết tâm chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là lý luận hình thành tư tưởng dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ. Quyết tâm chiến lược này thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc đồng thời là kết quả của tư duy cách mạng, khoa học, sáng tạo trong đánh giá đúng tương quan lực lượng, năng lực lãnh đạo và khả năng biết bắt đầu, biết điều khiển và biết kết thúc chiến tranh đúng lúc và có lợi nhất cho cách mạng. Đó là lý luận của chiến lược tiến công và nghệ thuật đánh thắng từng bước, đánh bại từng âm mưu, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là lý luận của chiến lược đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp: sức mạnh của cả nước đánh giặc, sức mạnh của ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; sức mạnh dân tộc gắn liền với sức mạnh ba dòng thác cách mạng của thời đại. Đó là lý luận của chiến lược đánh địch trên ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao; trên  ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; bằng ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận...

Những đóng góp lý luận nói trên đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - chiến công lịch sử oanh liệt có ý nghĩa thời đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng XHCN nhằm đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên CNXH, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp lý luận trong việc tìm tòi con đường phù hợp với điều kiện của Việt Nam, với lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội và con người Việt Nam. Đó là quan điểm về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động; về thực chất của chuyên chính vô sản và chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động; về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đó là những quan niệm về thời kỳ quá độ, về bước đi ban đầu, về chặng đường đầu tiên và nhiệm vụ lịch sử của chặng đường này. Đó là quan điểm về công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ và nhiệm vụ chủ yếu của công nghiệp hóa trong chặng đường đầu tiên.... Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí đã lãnh đạo Đảng ta khởi động quá trình đổi mới tư duy kinh tế, bắt đầu từ Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa IV và được phát triển một bước trong những năm đầu thập kỷ 80, thế kỷ XX, với những chủ trương về đổi mới cơ chế phân phối lưu thông mà trước hết là chính sách giá - lương - tiền.

Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một t­ư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, nhiều vấn đề đã được đồng chí làm sáng tỏ về mặt lý luận, đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, sáng tạo; cũng có những vấn đề đồng chí mới đặt ra còn đòi hỏi có thời gian để bổ sung, phát triển, hoàn thiện thêm. Cho đến những ngày cuối đời, đồng chí Lê Duẩn vẫn nung nấu, trăn trở suy nghĩ về nhiều vấn đề quan trọng để hoàn chỉnh quan niệm của mình về CNXH, về con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Trong đó, vấn đề mà đồng chí coi là "cốt tử", điều kiện quyết định đảm bảo thành công sự nghiệp cách mạng XHCN ở nư­ớc ta là xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, có phương thức thích hợp để lãnh đạo nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực vĩ đại cho sự phát triển đất nước XHCN.

Công lao, cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt những tư tưởng sáng tạo của đồng chí về lý luận và đường lối cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đã nâng trình độ tư duy lý luận của Đảng ta, dân tộc ta lên một tầm cao mới, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của cách mạng thế giới. Thu Hà

211 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 598
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 598
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77390045