ĐỒNG CHÍ LÊ DUẨN - NGƯỜI HỌC TRÒ LỖI LẠC, NGƯỜI CỘNG SỰ GẦN GŨI VÀ TIN CẬY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng lãnh đạo duy nhất của dân tộc và nhân dân ta. Dưới sự chỉ đạo, dìu dắt của Người, nhiều cán bộ, đảng viên đã trở thành những lãnh tụ kiệt xuất của Đảng. Một trong những người học trò lỗi lạc của Người là đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư của Đảng, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị.

Năm 1926, đồng chí Lê Duẩn gia nhập đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam và chính thức dấn thân vào con đường đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, đồng chí sớm trở thành một chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng. Tuy không có điều kiện tham dự các lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc), nhưng tư tưởng, quan điểm của Người qua tác phẩm Đường cách mệnh cùng sách báo cách mạng đã giác ngộ đồng chí Lê Duẩn. Cả cuộc đời đồng chí đã chiến đấu dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh. Được làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tư tưởng lớn của Người đã được đồng chí Lê Duẩn tiếp thu, phát triển và cụ thể hóa bằng đường lối, chính sách của Đảng, bằng hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên cương vị nào, đồng chí Lê Duẩn cũng luôn vận dụng, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Ngay từ những năm 1930, dù chưa một lần gặp Bác Hồ, nhưng tư tưởng của Người về cách mạng giải phóng dân tộc, về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, về tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc xâm lược...đã được đồng chí Lê Duẩn tiếp thu, vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo.

Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng Thường vụ Trung ương Đảng trong những năm 30 của thế kỷ XX đưa dòng chảy tư tưởng Hồ Chí Minh xuyên suốt cách mạng Việt Nam khi Người chưa về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào. Đồng chí và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương lần thứ sáu (1939), kịp thời và sáng suốt chuyển hướng chỉ đạo chiến lược để chuẩn bị đưa cách mạng lên cao trào trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Dấu ấn của nghị quyết này là trong khi kiên trì chiến lược cách mạng phản đế, phản phong, nhưng để tập trung lực lượng đánh đổ đế quốc, nghị quyết chủ trương tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, lãi nặng; tạm gác khẩu hiệu lập chính quyền Xô viết công nông binh, thay bằng khẩu hiệu lập chính quyền cộng hòa dân chủ, hình thức nhà nước chung cho “tất cả các tầng lớp dân chúng trong xứ và trong phong trào giải phóng dân tộc, một bộ phận của giai cấp tư sản còn có thể đi với dân chúng trong một giai đoạn nào1”. Nghị quyết nêu rõ chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ nhằm tập hợp hơn nữa các tầng lớp, giai cấp, trung lập hóa hơn nữa những bộ phận có thể trung lập được, lôi kéo những tầng lớp mà ta có thể lôi kéo được trong các tầng lớp trên, để chĩa mũi nhọn vào đế quốc và tay sai.

Nghị quyết Trung ương lần thứ sáu thể hiện sự chín muồi, “già dặn” chính trị và năng lực lãnh đạo và sức sáng tạo của Đảng; đồng thời, giữa Nghị quyết sáu (1939) và Nghị quyết Trung ương tám (1941) là cùng một quỹ đạo tư duy chính trị nhất quán. Điều đó cũng có nghĩa là tư tưởng Hồ Chí Minh là cả một dòng chảy liên tục, tuyệt nhiên không có sự đứt đoạn trong tiến trình cách mạng Việt Nam.

Hơn 10 năm hoạt động ở Nam Bộ (1946-1957), tư tưởng của Bác Hồ về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc được đồng chí Lê Duẩn - với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng ở đây đã cụ thể hóa và vận dụng trên nhiều lĩnh vực phong phú, sinh động. Không chỉ xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong tổ chức Đảng, đồng chí còn chỉ đạo xây dựng thành công khối đại đoàn kết dân tộc, huy động các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức tham gia cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của cả dân tộc.

Về tổ chức Đảng, đồng chí kiên quyết đòi hỏi sự thống nhất giữa Việt Minh mới và Việt Minh cũ (hai nhóm cộng sản Giải phóngTiền phong ở Nam Bộ sau cách mạng tháng Tám 1945). Đồng chí gần gũi với nhiều đảng viên, làm công tác tư tưởng, phân tích, tranh luận, đề cao phê bình và tự phê bình, đảm bảo sinh hoạt Đảng và đem hết sức mình xây dựng khối đoàn kết, thống nhất và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Đồng chí nhận lấy công việc khó: đảm nhiệm công tác tuyên truyền, chủ bút tờ báo Đảng.

Đối với Đảng dân chủ, đồng chí giúp củng cố nội bộ, tiếp xúc với từng cá nhân tiến bộ, giáo dục tầng lớp dưới, vận động tham gia giúp nông dân giảm tô, giảm tức, vạch mặt tẩy chay, đưa ra khỏi Đảng dân chủ những tên tay sai của giặc, góp phần quan trọng vào việc củng cố khối đoàn kết của lực lượng kháng chiến chống Pháp.

Đồng chí Lê Duẩn đánh giá cao vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp thợ thuyền, vị trí quan trọng của bà con lao động thành phố, giới trí thức, học sinh, sinh viên, nhưng trái tim người cộng sản Lê Duẩn vẫn hòa nhịp đập với cuộc đời của hàng triệu quần chúng nông dân. Tư tưởng về giai cấp nông dân là một lực lượng cách mạng chính của Bác Hồ đã được đồng chí Lê Duẩn nhận thức rất đầy đủ: “Giai cấp nông dân Việt Nam có ý thức dân tộc và dân chủ rất sâu sắc, có tinh thần chống đế quốc và chống phong kiến rất cao. Họ có cả hai yêu cầu độc lập dân tộc và ruộng đất, nhưng họ luôn đặt yêu cầu độc lập dân tộc cao hơn hết”. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, đồng chí cùng với Xứ ủy đưa ra chủ trương giải quyết vấn đề ruộng đất ở Nam Bộ, xóa bỏ tô tức, không gây ra những xáo trộn ở vùng nông thôn. Quyết định đó đã không chỉ quy tụ đông đảo nông dân tham gia kháng chiến mà còn giữ vững khối đoàn kết toàn dân, làm cho lực lượng kháng chiến ngày càng hùng hậu. Cùng với việc tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cấp cho dân cày, đồng chí chủ trương vận động địa chủ hiến điền, tạm giao, tạm cấp cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng cày cấy. Nhiều điền chủ, nhân sĩ đã hiến hàng ngàn ha để chia cho nông dân như Cao Triều Phát (Bạc Liêu) hiến 5.000 ha, Huỳnh Thiện Lộc (Rạch Giá) hiến 5.000ha, Nguyễn Ngọc Tương (Bến Tre) hiến 100ha. Ở tỉnh Rạch Giá, tổng số ruộng đất được hiến là 2.785ha, ở Cần Thơ 50.000ha, Bạc Liêu trên 8.000ha. Đến năm 1953, nông dân Nam Bộ được chia 460.000ha và đến năm 1954, toàn Nam Bộ đã chia cho nông dân trên 570.000ha ruộng đất.

Chính sách ruộng đất đúng đắn đã làm thay đổi đời sống nông dân và bộ mặt vùng nông thôn Nam Bộ, như tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Lúc này, trừ miền Đông gian khổ, miền Trung và miền Tây Nam Bộ đã tự túc được lương thực và có thêm phần dự trữ. Hình ảnh về một vùng căn cứ cách mạng với cuộc sống lý tưởng đã mang tính thuyết phục. Đồng Tháp Mười từ một vùng đất hoang sơ, người dân sống rời rạc, nghèo đói, từ một cánh đồng “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh” đã mọc lên những cánh đồng xanh tốt, làng xóm trù phú, rộn rã tiếng hò, câu hát, tiếng cười. Nhiều nơi dọc theo các con kênh chính như Dương Văn Tương, Nguyễn Văn Tiếp hình thành nên những thị tứ. Có nơi như Thiên Hộ, Mỹ An trên kênh Nguyễn Văn Tiếp một thời được mệnh danh là “Sài Gòn mới”. Xã hội Đồng Tháp Mười trong cuộc kháng chiến chống Pháp được ví như thời Nghiêu Thuấn ở Trung Quốc cổ đại “Đêm nhà không đóng cửa, ngoài đường không lượm của rơi”. Văn hóa, giáo dục, y tế rất được chú trọng.

Đoàn kết và huy động các lực lượng tôn giáo tham gia kháng chiến là thành công lớn của Xứ ủy Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp, đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn. Nam Bộ là vùng đất thích hợp cho sự phô trương thế lực các giáo phái. Đồng chí Lê Duẩn cùng tập thể Xứ ủy với tư duy biện chứng về bản chất của tôn giáo, đã đưa ra những chính sách đúng đắn, thu hút đồng bào có đạo và không theo đạo vào Mặt trận kháng chiến ở Nam Bộ đúng theo chính sách đại đoàn kết của Bác Hồ, đánh bại âm mưu chia để trị của thực dân Pháp. Đồng chí Lê Duẩn khơi dậy tinh thần dân tộc trong tôn giáo, không thành kiến với những người có đạo, cũng không cho phép dựa trên tôn giáo mà phá hoại cách mạng. Đồng chí chủ trương phân hóa tầng lớp trên, lôi kéo người yêu nước, cô lập kẻ cố tình theo giặc. Nhiều cán bộ, đảng viên đã được đưa vào hoạt động, vận động quần chúng các vùng có đạo. Đồng chí Huỳnh Văn Trí (Mười Trí), người đảng viên cộng sản kỳ cựu năm 1936 đã trở thành sư thúc đứng đầu đạo Hòa Hảo ở miền Tây, nguyện xả thân vì đạo pháp và cách mạng. Ông Cao Triều Phát, một đại điền chủ, một nhân sĩ tiết tháo đứng vào hàng ngũ những người cầm đầu của tóa thánh Cao Đài, cảm phục chí lớn và tấm lòng nhân hậu của đồng chí Lê Duẩn, đã coi đồng chí như một người bạn thân thiết. Đi sâu vào tầng lớp nhân dân có đạo, tuyên truyền, giáo dục, đồng chí cùng Xứ ủy tập hợp được 12 phái Cao Đài tham gia kháng chiến, tòng quân, vào du kích bảo vệ xóm làng, lập xã chiến đấu.

Thời kỳ này, tư tưởng trọng dụng nhân tài, thành tâm với đất nước, không kể giai tầng, xã hội, tôn giáo của Bác Hồ sau cách mạng tháng Tám đã được vận dụng sâu sắc. Đồng chí Lê Duẩn và Xứ ủy giao hẳn nhiều trọng trách cho những người yêu nước ngoài Đảng. Các vị trí chủ chốt trong Ủy ban kháng chiến hành chính như Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban đều do những vị trí thức có uy tín ngoài Đảng đảm nhận. Các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy chỉ làm Ủy viên. Sở Công an do ông Diệp Ba - một luật sư ngoài Đảng làm Giám đốc, còn đồng chí Phạm Hùng - Phó Bí thư Xứ ủy  làm Phó Giám đốc. Trung tướng Nguyễn Bình, nguyên tù chính trị Quốc dân Đảng (tại Côn Đảo) làm Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang Nam Bộ. Bản thân đồng chí Lê Duẩn, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ở Nam Bộ bấy giờ, chỉ giữ chức Trưởng phòng dân quân. Đầu kháng chiến, ông Huỳnh Phan Hộ, một chủ đồn điền yêu nước, được giao làm Khu bộ trưởng khu 9, Trịnh Khánh Vàng làm Khu bộ phó. Sau khi ông Hộ trực tiếp chỉ huy đánh trận Tầm Vu nổi tiếng và anh dũng hy sinh, ông Trương Văn Giàu, một trí thức ngoài Đảng lên thay. Giám đốc Sở Tài chính là luật sư người công giáo. Giám đốc Sở Y tế là bác sĩ đức độ, tài năng. Giám đốc Sở Thông tin là giáo sư...

 Từ giữa năm 1957, được Trung ương điều ra Hà Nội công tác, mối quan hệ giữa đồng chí Lê Duẩn với Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên gần gũi, thân thiết. Mối quan hệ đó không chỉ được thể hiện trong công tác hàng ngày mà chủ yếu thể hiện ở sự nhất trí cao về tư tưởng và phong cách làm việc. Những thành công của đồng chí Lê Duẩn trên lĩnh vực lý luận và chỉ đạo thực tiễn đều gắn liền với uy tín và ảnh hưởng của người thầy vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính sự nhất trí đó là cơ sở tạo nên sự thống nhất ý chí của toàn Đảng và toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt trọn niềm tin về tương lai của đất nước với đồng chí Lê Duẩn, Bộ Chính trị và cả dân tộc. Sau khi Người qua đời, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí  đã cùng với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta biến đau thương thành hành động cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Là học trò, người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn học tập và làm theo những đức tính vô cùng cao quý của Người: Đó là lòng trung thành vô hạn với lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cộng sản. Đó là phẩm chất cách mạng cao quý thể hiện ở tinh thần cách mạng tiến công không ngừng, luôn xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, bất chấp mọi thử thách khắc nghiệt của nhà tù đế quốc, của cuộc sống gian khổ nơi chiến khu, của những năm tháng hoạt động bí mật trong vùng địch kiểm soát; nêu cao nghị lực kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Sáu mươi năm chiến đấu kiên cường cho độc lập, thống nhất Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, đồng chí Lê Duẩn là tấm gương sáng chói về tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, luôn cháy bỏng một tình cảm nồng nàn, tha thiết với Tổ quốc và nhân dân, với đồng chí và đồng bào, về một tư duy không ngừng nghỉ để tìm tòi, sáng tạo trong đấu tranh và xây dựng.

Nhờ rèn luyện theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của người Thầy vĩ đại, đồng chí Lê Duẩn đã trở thành một nhân cách lớn: sống trung thực và giản dị, không ham danh lợi, địa vị, ghét phô trương hình thức. Đồng chí luôn luôn gần gũi đồng bào, đồng chí, dễ hòa mình với nhân dân lao động. Đồng chí đến với mọi người bằng tình thân yêu, chân thành, bằng lòng nhân hậu, khoan dung, do đó mà có sức cảm hóa và thuyết phục đối với quần chúng. Đối với đồng chí: con người sống phải có “Lao động, tình thương và lẽ phải”. Đó là đạo lý sống.

Lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, ở Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn cùng Xứ ủy ra chỉ thị: nếu bắt được binh lính địch phải đối xử tử tế, không cho phép ai tra tấn, hành hạ, đánh đập, nếu họ bị thương thì tìm cách băng bó cẩn thận. Đó là trường hợp nhiều binh lính thuộc các giáo phái Cao Đài, Bình Xuyên, Hòa Hảo...trước đây theo ta đánh Tây, nhưng không chịu nổi khó khăn, gian khổ, bị địch dùng vật chất cám dỗ, mua chuộc đã bỏ hàng ngũ ta, theo địch chống lại cách mạng. Thế nhưng, khi họ bị bắt, lại được ta đối xử tử tế, chỉ bị tước súng đạn rồi cho về; nhiều người rất xúc động. Chủ trương nhân đạo đó của Xứ ủy Nam Bộ đã làm cho kẻ thù phải kính nể. Hàng vạn binh sĩ địch bỏ ngũ về với cách mạng, hăng hái tham gia kháng chiến. Với sức hút “tình người” của “ngọn đèn hai trăm nến”, nhiều trí thức nhân tài, kể cả những người đang sống, làm việc ở các đô thị lần lượt ra bưng biền tham gia kháng chiến, trong đó có Đô trưởng đương nhiệm Sài Gòn - Chợ Lớn Phan Văn Chương, Đốc phủ Lưu Văn Tàu...

Theo số liệu của người Pháp, trong những năm kháng chiến, trên các kênh rạch sông nước ở đồng bằng Nam Bộ có tới 10 vạn tàu xuồng các loại. Chiếc xuồng tam bản của đồng chí Lê Duẩn cũng giống như trăm ngàn chiếc xuồng cùng loại với nó ngày đêm len lỏi trên đồng nước Nam Bộ. Những ngày “chém vè”, lội đìa, băng rừng, vượt suối, bệnh thấp khớp lại gây nhức nhối chân tay. Có những ngày thiếu gạo phải ăn củ chụp, củ mì với măng le chấm muối, hút thuốc vê Gò Vấp. Nhưng cũng từ đó, hình ảnh đồng chí Bí thư Xứ ủy càng trở nên gần gũi, thân thiết với bà con, cô bác Nam Bộ.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Lê Duẩn với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng cùng Bộ Chính trị đã ban hành các chủ trương về chính sách hòa hợp dân tộc không như sự lo lắng của thế giới về một cuộc thảm sát đẫm máu sẽ xảy ra ở miền Nam Việt Nam. Bộ máy thông tin tuyên truyền của các thế lực thù địch nóng lòng chờ đợi thời cơ đưa tin thất thiệt để hạ thấp uy tế của ta trên trường quốc tế, xuyên tạc, phóng đại sự kiện “vi phạm công ước” của Liên hợp quốc về tù binh nhưng không thực hiện được, vì thực tế cuộc thảm sát đã không diễn ra. Đó là truyền thống nhân đạo xuyên suốt mọi thời đại của dân tộc, rực sáng dưới thời đại Hồ Chí Minh, được đồng chí Lê Duẩn - người học trò lỗi lạc của Người vận dụng một cách xuất sắc.

Đất nước sạch bóng quân thù, chiến thắng giành được là vô cùng vĩ đại nhưng hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề, sự hy sinh mất mát không thể kể hết, đồng chí Lê Duẩn suy nghĩ, nói nhiều về sự mất mát đau thương do hậu quả chiến tranh, về đền ơn đáp nghĩa công ơn to lớn của hàng triệu anh hùng, con em thương, bệnh binh, liệt sĩ, chiến sĩ, người có công với cách mạng đã anh dũng hy sinh quên mình. Đồng chí luôn nhắc nhở phải có chính sách bù đắp những khó khăn về vật chất, tinh thần, học hành đối với con em họ, bù đắp nỗi đau thương mà gia đình con cháu họ phải gánh chịu. Đồng chí trăn trở rất nhiều hằng muốn tìm ra một con đường xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” đưa dân tộc vượt qua đói nghèo. Đó là đạo lý “Tình thương và lẽ phải” mà đồng chí suốt đời phấn đấu.

Phong cách tư duy độc lập tự chủ, sáng tạolà nét nổi bật của đồng chí Lê Duẩn và đó là một đặc trưng để đồng chí trở thành người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí luôn luôn suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi với những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Mỗi khi quá trình thực tiễn hoặc nhận thức có vấn đề nảy sinh ít nhiều quan trọng đối với sự nghiệp lớn, đồng chí theo đuổi đến cùng. Đồng chí tự mình trăn trở ngày đêm nhưng cũng rất thích có người trao đổi, tranh luận, thảo luận, thậm chí đôi khi chỉ cần có đối tượng nghe là đồng chí nói say sưa, càng nói ý càng ra, ý mới nảy sinh, ý cũ thường nhắc lại nhưng lần sau bao giờ cũng sáng hơn và có khía cạnh sâu hơn lần trước.

Từ tư duy sáng tạo, độc lập, tự chủ mà đồng chí không bao giờ tự thỏa mãn với những gì nhận thức đã đạt tới. Chân lý, với đồng chí là vô cùng tận. Vừa có tầm nhìn xa trông rộng, bao quát vừa rất chú ý tới cái cụ thể, nhạy cảm với sự vật mới và nắm bắt kịp thời cái mới khi vừa nảy sinh, từ đó sớm rút ra kết luận cần thiết cho nhận thức và hành động. Chẳng hạn, từ chiến thắng Bình Giã, Ba Gia của quân giải phóng, đồng chí rút ra kết luận Mỹ đã thua trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”; từ trận Vạn Tường, đồng chí kết luận ta hoàn toàn có khả năng đánh thắng quân Mỹ. Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, đến giải phóng Huế, đồng chí nói ta sẽ giải phóng Đà Nẵng; giải phóng Đà Nẵng, đồng chí khẳng định ngay sẽ giải phóng Sài Gòn. Và như vậy, thời cơ mở ra thời cơ, kế hoạch chiến lược toàn thắng hai năm 1975-1976 rút xuống một năm, rồi trước mùa mưa năm 1975, cuối cùng chỉ cần năm mưới sáu ngày với phương châm hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đúng như đồng chí đã nói: “Trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định không phải chỉ có một khả năng mà luôn luôn có thể có nhiều khả năng tiến lên và sự vật tiến theo khả năng này hay khả năng kia còn tùy thuộc vào ý định của con người...Sự phát triển của lịch sử là kết quả của sự thống nhất biện chứng của nhân tố khách quan và chủ quan...”

Tư duy độc lập, sáng tạo, tự chủ thể hiện rất rõ trong phương pháp cách mạng như đồng chí viết: “Không lĩnh vực nào đòi hỏi người cách mạng phát huy trí tuệ sáng tạo nhiều như lĩnh vực phương pháp tiến hành cách mạng. Cách mạng là sáng tạo, không sáng tạo thì cách mạng không thể thắng lợi. Xưa nay không có và sẽ không bao giờ có một công thức duy nhất về cách tiến hành thích hợp với mọi hoàn cảnh, mọi thời gian. Một phương thức nào đó thích hợp với nước này lại có thể không dùng được ở nước khác, đúng trong thời kỳ này, hoàn cảnh này, song sẽ là sai nếu đem áp dụng máy móc vào thời kỳ khác, hoàn cảnh khác”...

Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ nhận định “Thông qua Anh Ba (đồng chí Lê Duẩn), phương thức lãnh đạo tài tình của Bác Hồ, của Đảng ta được thể hiện rất sinh động. Đảng lãnh đạo thông qua chủ trương, đường lối và giữ vững vai trò hạt nhân, quy tụ mọi lực lượng trong xã hội chứ không bao biện, không làm thay. Nó có sức thuyết phục cả trong và ngoài Đảng, có sức tập hợp mạnh mẽ mọi người yêu nước. Nó không chỉ thể hiện trí tuệ mà còn thể hiện bản lĩnh, sự tự tin tuyệt vời của Đảng ta1”.

   Người học trò lỗi lạc Lê Duẩn thể hiện tấm lòng kính yêu sâu sắc với người Thầy vĩ đại Hồ Chí Minh: “Cuộc đời Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là một tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn giản dị...”. Được tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi sáng, đồng chí đã suốt đời noi theo và để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta những di sản vô giá.

                                                                                                                                                                                                               Thu Hà-Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

 

 

1 Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 6, 7, 8 tháng 11 năm 1939.

1 Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.56.

1945 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 957
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 957
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86997944