Ngược về những năm 50 của thế kỷ XX, tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp. Các nước xã hội chủ nghĩa đều muốn tranh thủ điều kiện hòa bình để xây dựng đất nước. Tâm lý sợ Mỹ, xu hướng hòa hoãn thương lượng gần như giữ vai trò chủ đạo. Mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu bộc lộ công khai làm ảnh hưởng đến sự thống nhất lực lượng trong phong trào cách mạng thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Dựa vào tiềm lực kinh tế, quốc phòng, lợi dụng sự bất hòa giữa Liên Xô và Trung Quốc, sự khủng hoảng trong phong trào cách mạng thế giới, đế quốc Mỹ tập trung lực lượng chiếm giữ miền Nam, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc. Bằng chủ nghĩa thực dân mới, sức mạnh vũ khí và tiền bạc, Mỹ muốn qua thực tế Việt Nam để răn đe toàn thế giới, lập con đê ngăn chặn “làn sóng đỏ” ở Đông Nam Á. Cuộc đụng đầu lịch sử diễn ra giữa nhân dân ta và đế quốc Mỹ bắt đầu từ mưu đồ xâm lược, thống trị của thế lực đế quốc đầu sỏ này.
Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân hai miền Nam - Bắc mong muốn có hòa bình để xây dựng, kiến thiết, chờ đợi Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Miền Bắc vừa được giải phóng còn muôn vàn khó khăn trước những công việc cấp bách. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch của cách mạng trỗi dậy, lôi kéo một số trí thức, văn nghệ sĩ bất mãn, gây ra vụ Nhân văn - Giai phẩm chống đối cách mạng.
Ở miền Nam vào thời điểm đó gặp vô vàn khó khăn. Từ chỗ có chính quyền, có lực lượng vũ trang hùng hậu, có mặt trận đoàn kết toàn dân và cơ sở Đảng rộng khắp, sau chuyển quân tập kết hầu như không còn. Kẻ thù đưa máy chém đi khắp miền Nam tàn sát, khủng bố đồng bào ta. Chúng không chỉ điên cuồng tấn công, đàn áp cách mạng miền Nam mà còn lăm le đánh cả miền Bắc.
Trong tình hình đó, ta chọn con đường nào? Đứng lên cầm vũ khí, giành quyền làm chủ hay thực hiện “trường kỳ mai phục”, “chung sống hòa bình”? Đối với miền Nam gần như phải bắt đầu làm lại cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ nhân dân. Cuộc cách mạng ấy xét về từng mặt thì còn khó hơn cả khi bắt đầu kháng chiến chống thực dân Pháp sau Cách mạng tháng Tám. Làm thế nào để “vùng dậy” giải phóng dân tộc, đương đầu với bộ máy quân sự đồ sộ của đế quốc Mỹ và tay sai, nhưng phải đảm bảo cho miền Bắc môi trường hòa bình để xây dựng, bởi vì đây là hậu phương lớn, nhân tố quyết định cho cách mạng cả nước; tranh thủ được sự đồng tình của bạn bè, nhưng không lôi kéo họ vào chiến tranh.
Khi kẻ thù đưa súng đạn, nhà tù, máy chém giăng khắp miền Nam để trả thù những người kháng chiến và đàn áp cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã suy nghĩ về con đường giải phóng miền Nam. Được sống trong lòng xã hội miền Nam, tận mặt chứng kiến tội ác man rợ của Mỹ - Diệm gây ra với đồng bào ta, đồng chí đã trăn trở, phân tích sâu sắc tình hình trong nước, quốc tế, chỉ ra kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm của nhân dân ta, con đường cách mạng, lực lượng cách mạng và phương pháp đấu tranh để giành thắng lợi.
Với tư cách là người chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng xây dựng đường lối cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn kiên định lập trường, thể hiện bản lĩnh của một nhà cách mạng sáng tạo và am hiểu lịch sử. Đồng chí nhận định rằng: “Tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ mưu toan chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, đồng thời còn nhằm đẩy lùi chủ nghĩa xã hội, dùng Việt Nam làm nơi thí nghiệm chiến lược chiến thuật của chiến tranh xâm lược và các loại vũ khí mới của chúng để đàn áp phong trào cách mạng và để chuẩn bị chiến tranh trên thế giới”1.
Trên cơ sở phân tích một cách khoa học về tình hình thế giới và các mối quan hệ quốc tế phức tạp, chồng chéo, tác động đến cách mạng nước ta, đồng chí kiến nghị: một mặt phải kiên trì vận động tìm kiếm sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, mặt khác có thể phải tìm một giải pháp ngoại giao khả dĩ tranh thủ được sự đồng tình của Liên Xô và Trung Quốc về chủ trương chiến tranh cách mạng của Đảng ta ở miền Nam. Bởi vì, chúng ta rất cần tập hợp lực lượng chống Mỹ, để giành thắng lợi trong cuộc đối đầu lịch sử này, chúng ta phải thể hiện quan điểm của Đảng ta về cách mạng miền Nam. Nghị quyết 15 ra đời trong tình hình như vậy, nhưng nó đã nhanh chóng chứng tỏ tính đúng đắn và ý nghĩa lớn lao của một văn kiện lịch sử quý giá, bước đầu làm phá sản cuộc chiến tranh đơn phương do Mỹ tiến hành ở miền Nam.
Để vận động quốc tế ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phương châm chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn là: Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam mang tính thời đại sâu sắc. Chỗ mạnh của Việt Nam là làm chính nghĩa, bảo vệ độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới. Chỗ yếu của Mỹ không chỉ là phải đối phó với nhân dân Việt Nam mà còn phải đối phó với thế tiến công của ba dòng thác cách mạng và phong trào hòa bình thế giới. Xét so sánh lực lượng giữa Việt Nam và Mỹ phải đặt trong bối cảnh chung đó. Ta coi trọng sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhân dân các nước thế giới thứ ba và nhân dân yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên thế giới; hình thành trên thực tế Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước. Đối với nhân dân thế giới, ta làm cho bạn bè gần xa thấy rõ tính chất phi nghĩa của đế quốc Mỹ, kẻ thù trực tiếp của nhân dân Việt Nam và kẻ thù của cả nhân loại; thấy rõ tính chất chính nghĩa của Việt Nam là chiến đấu vì dân tộc mình và vì hòa bình, cách mạng thế giới. Hai tính chất hoàn toàn đối lập nhau. Do đó, ta đã tranh thủ được lương tri loài người đứng về phía Việt Nam và lên án Mỹ xâm lược.
Đồng chí đã thay mặt Đảng ta đề xuất với các Đảng anh em, với phong trào cách mạng thế giới những luận điểm quan trọng về giải quyết các mối quan hệ mang tính chất thời đại như: chiến tranh và hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về tình hữu nghị giữa các dân tộc... Năm 1960, đồng chí đã cùng một số đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng hai lần tham dự Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân Quốc tế họp ở Bucarét và Mátxcơva. Tại các diễn đàn này, đồng chí Lê Duẩn luôn kiên định lập trường quốc tế của Đảng ta: Cùng tồn tại hòa bình phải đi đôi với đấu tranh chống đế quốc - nguồn gốc gây ra chiến tranh, hai mặt đó có tác động qua lại với nhau. Vì vậy, muốn bảo vệ hòa bình phải dập tắt lò lửa gây ra chiến tranh là chủ nghĩa đế quốc và đó chính là biện pháp bảo vệ hòa bình hữu hiệu nhất. Đồng chí khẳng định: “Chiến lược đấu tranh cho hòa bình bao gồm một cách tất yếu chính sách cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau. Chính sách cùng tồn tại hòa bình phải là và chỉ có thể là một bộ phận nằm trong toàn bộ chiến lược đấu tranh cho hòa bình”1.
Kiên định lập trường quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Đảng ta đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Hàng loạt phái đoàn ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta được cử ra nước ngoài để thực thi sứ mệnh vô cùng quan trọng nói trên. Riêng đồng chí Lê Duẩn, nếu không kể những lần dưới danh nghĩa dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng đi dự Quốc khánh Liên Xô, Trung Quốc và một số nước anh em khác, đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc công khai hoặc bí mật, gặp gỡ lãnh đạo Đảng và nguyên thủ của các nước này. Qua đàm phán, nguồn viện trợ đã được ký kết, nhiều tổ chức đoàn kết với Việt Nam (kể cả tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ), các đoàn thể chính trị ở nhiều nước bạn bè, anh em trên khắp thế giới đã được thành lập để ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam. Đó không chỉ là thắng lợi về chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, mà còn tạo được sự hậu thuẫn lớn cả về vật chất lẫn tinh thần cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Chủ trương tăng cường hoạt động đối ngoại, tìm kiếm sự ủng hộ Quốc tế, đồng thời đồng chí Lê Duẩn cũng luôn nhắc nhở các cấp, các ngành, các địa phương phải nâng cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh, tránh ỷ lại. Đồng chí khẳng định: “Chúng ta cần nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, chống tư tưởng sợ Mỹ, tư tưởng đàm phán khi chưa có điều kiện thuận lợi, muốn kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào, tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài, không tin tưởng vào sức mình”1. “Trong mỗi đảng viên đều có vị trí riêng, chủ trương riêng, ta phải tìm cách thực hiện nhất trí trong phe ta, nhưng nhất thiết phải độc lập”2. Kiên trì về nguyên tắc đó, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Đảng ta đã độc lập chỉ đạo thắng lợi mọi vấn đề trong đối ngoại.
Tình hình quốc tế đầu những năm 70 của thế kỷ XX phức tạp hơn những năm 50 của thế kỷ XX. Với thắng lợi mà Việt Nam đã đạt được, so sánh lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có những thay đổi to lớn. Vì thế, trước thắng lợi sắp đến của Việt Nam, các nước đã có sự mặc cả, tính toán. Những năm 50 của thế kỷ XX, Mỹ nhảy vào miền Nam là vì lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ, nay Mỹ chấp nhận thất bại phải rút ra cũng là vì chiến lược toàn cầu của Mỹ, nhưng Mỹ không muốn mất ảnh hưởng ở khu vực chiến lược cực kỳ quan trọng này. Các nước trên thế giới và trong khu vực cũng muốn có chỗ đứng chân chắc chắn ở vùng này. Các thế lực đối địch, các mưu đồ khác nhau đều hợp điểm ở Việt Nam.
Tại Hội nghị Bộ Chính trị họp bàn về chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: Tuy tranh giành nhau, song tất cả đều lo ngại cách mạng Việt Nam mạnh lên, đều coi một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, gắn bó đoàn kết với hai nước Lào, Campuchia độc lập, thống nhất sẽ là một trở lực lớn...Vì thế, họ tìm mọi cách chia cắt nước ta, hòng làm cho ta suy yếu.
Ở vào thời điểm quan trọng có ý nghĩa quyết định kết thúc cuộc chiến tranh đồng chí Lê Duẩn đã sáng suốt đưa ra nhận định: Ở thời điểm này, Việt Nam không chỉ là vấn đề đối đầu giữa hai hệ thống thế giới, mà về khách quan, còn có một đối thủ quan trọng trong sự tính toán chiến lược của các thế lực tranh giành Đông Nam Á. Do đó, ta phải tranh thủ thời gian để kết thúc chiến tranh vì đây là thời cơ ngàn năm có một để cho ta giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đây là một trong những biểu hiện tầm cao trí tuệ của đồng chí.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trong dư luận thế giới xuất hiện cho rằng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam đã kết thúc. Lúc này, phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ khôi phục miền Bắc và thi hành Hiệp định đình chiến, thực hiện hòa bình và hòa hợp dân tộc, thống nhất nước Việt Nam. Tuy nhiên, Liên Xô không muốn xung đột vũ trang tiếp diễn không có lợi cho hòa dịu Xô - Mỹ. Trung Quốc muốn duy trì nguyên trạng tình hình Việt Nam như sau khi ký Hiệp định Paris. Viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa không đầy đủ và kịp thời như Việt Nam mong muốn. Cả Liên Xô và Trung Quốc đều cắt giảm viện trợ quân sự. Mỹ buộc rút quân ra khỏi miền Nam nhưng vẫn để lại hàng vạn cố vấn quân sự “không mặc quân phục”, nhân viên hành chính và tăng cường viện trợ cho chính quyền Sài Gòn. Vì vậy để chống sự can thiệp của Mỹ, làm suy yếu và cô lập chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa, vận động quốc tế phục vụ và ủng hộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, đồng chí Lê Duẩn đã chủ trương thành lập Ban chỉ đạo đấu tranh thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam và chủ trương: “Kiên quyết và kịp thời vạch trần dự luận trong nước và dư luận thế giới mọi âm mưu và hành động của địch vi phạm hiệp định. Ra sức tranh thủ tranh thủ lực lượng Việt Kiều ở nước ngoài tán thành và ủng hộ giải pháp của ta; tranh thủ dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ ta, lên án và vây ép đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn”; “đẩy mạnh hoạt động ngoại giao và mở rộng quan hệ ngoại giao..., tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các nước và các tổ chức dân chủ quốc tế để thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của miền Nam tiến lên1”.
Hoạt động tuyên truyền, vận động quốc tế được triển khai kịp thời mạnh mẽ và liên tục trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, ở tất cả các diễn đàn hai bên, bốn bên, Ủy ban Quốc tế, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở các nước và tổ chức Quốc tế. Nhờ đó phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam đấu tranh đòi Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa thi hành Hiệp định Paris ngày càng phát triển. Lực lượng cách mạng miền Nam được giữ vững và tiến lên. Miền Bắc tập trung cao độ chi viện sức người, sức của cho miền Nam đánh trận cuối cùng.
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là tự giúp mình”, trong quá trình chỉ đạo công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đồng chí Lê Duẩn luôn giành sự quan tâm đến các phong trào cách mạng trên thế giới, thể hiện trách nhiệm của Đảng và dân tộc ta đối với cuộc chiến đấu của ba nước Đông Dương trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Từ Cương lĩnh năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương đến khi tách thành ba Đảng riêng, những người Cộng sản ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia vẫn sát cánh chiến đấu, giúp nhau giành độc lập cho cả ba nước trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ của mỗi nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ba nước đã phát huy được sức mạnh chiến đấu của mình, đặc biệt, miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam, đồng thời cũng là hậu phương cho cách mạng Lào và Campuchia. Lào và Campuchia là địa bàn hỗ trợ cuộc chiến đấu ở miền Nam Việt Nam. Đoàn kết nhân dân ba nước, thắng Mỹ trong phạm vi ba nước Đông Dương, góp phần vào hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á. Trong năm 1975, cả ba nước cùng giành được độc lập, thống nhất.
Quan điểm và hoạt động quốc tế của đồng chí Lê Duẩn không chỉ góp phần quan trọng đối với thành công của Đảng và Nhà nước ta trên mặt trận đối ngoại mà còn góp phần vào việc củng cố tình đoàn kết giữa các lực lượng hòa bình, dân chủ và tiến bộ thế giới, đặc biệt là góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các Đảng và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Đi cùng với việc vận động Quốc tế ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, đồng chí Lê Duẩn rất chú ý chỉ đạo ngoại giao phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta đã tranh thủ được sự giúp đỡ về kinh tế - kỹ thuật của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, trước sự bao vây, cấm vận của Mỹ và các thế lực thân Mỹ, nhưng do sự vận động tích cực của Đảng và Chính phủ ta, Liên Xô đã giúp ta xây dựng nhiều công trình như: nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Hòa Bình, Trị An, xi măng Bỉm Sơn... Quan trọng nhất là hợp tác thăm dò dầu khí. Trung Quốc giúp nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy phân đạm Hà Bắc và một số xí nghiệp công nghiệp nhẹ... Hiện nay, một số công trình như Liên doanh dầu khí Việt - Xô Petro và thủy điện Hòa Bình đang đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế nước ta. Những cơ sở vật chất và hàng tiêu dùng mà bạn giúp vừa có tác dụng thiết thực vừa minh chứng cho quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về ngoại giao không chỉ để giải phóng dân tộc mà còn phục vụ phát triển kinh tế. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã phát triển quan điểm ấy để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Là người học trò lỗi lạc, chiến sĩ quốc tế trong sáng, đồng chí Lê Duẩn quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị xây dựng được nền ngoại giao Việt Nam thành một mặt trận chiến lược, xứng đáng với truyền thống dân tộc và cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Nền ngoại giao ấy có đặc thù Việt Nam, có tính dân tộc và hiện đại, phục vụ có hiệu quả mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Những cống hiến to lớn và sáng tạo trong việc xây dựng, hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng, cũng như những hoạt động, chỉ đạo mặt trận ngoại giao không mệt mỏi của mình, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng hoàn thành công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xứng đáng “là chiến sĩ quốc tế trong sáng”. Thu Hà
1 Lê Duẩn: Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng ta, Nxb. Sự thật, H. 1981, tr.44.
1 Lê Duẩn: Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng ta, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.33.
1 Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ cứu nước 1954-1975, Nxb.Sự thật, H.1985, Tr.123.
2 Biên bản Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 13 khóa II, Lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB.Chính trị quốc gia, tập 34, tr.256, 257.