Đồng chí Lê Duẩn đối với sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới ở nước ta 

Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiều thập kỷ, đồng chí Lê Duẩn đã dành nhiều thời gian, trí tuệ cùng với Trung ương và toàn Đảng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển sáng tạo lý luận về cách mạng XHCN và công cuộc đổi mới ở nước ta. Những sáng tạo lý luận đó có ý nghĩa và ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành quan điểm, đường lối và chính sách của Đảng ta, cống hiến lý luận đó bao gồm:

Một là: Quan điểm về “tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt”. Luận điểm này không chỉ đúng về thực chất mà còn thể hiện sự nhạy bén sắc sảo của đồng chí khi sớm thấy được vai trò của khoa học - kỹ thuật. Ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khi phát triển khoa học - công nghệ (cùng với giáo dục - đào tạo) được các nghị quyết của Đảng coi là “quốc sách hàng đầu” thì điều này ngày càng được thực tiễn chứng minh là đúng.

Hai là: Quan điểm về con đường đi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là một luận điểm giúp uốn nắn quan điểm “tả” khuynh rập khuôn bên ngoài về đấu tranh giai cấp. Tinh thần cơ bản của luận điểm ấy đến nay vẫn được thể hiện trong văn kiện Đại hội IX của Đảng. Đồng chí Lê Duẩn xác định đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp; vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất; kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; kết hợp kinh tế với quốc phòng; tăng cường quan hệ phân công, hợp tác, tương trợ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên cơ sở chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, đồng thời phát triển quan hệ kinh tế với các nước khác trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền và các bên cùng có lợi; làm cho nước Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa có kinh tế công - nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học, kỹ thuật tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, có đời sống văn minh, hạnh phúc[1].

Ba là: Quan điểm về nắm vững chuyên chính vô sản và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Ý tưởng về làm chủ tập thể, về quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa bao hàm trong đó sự tôn trọng và phát huy đầy đủ năng lực, sáng kiến và sức sáng tạo cá nhân. Quan điểm này chính Bác Hồ đã từng nói đến và ngày nay chúng ta đang ra sức tìm tòi, đổi mới để không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị với cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý; quyết tâm xây dựng một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Nói phát huy quyền làm chủ tập thể không sai, có điều, như Lênin nói, cái đúng một khi bị phóng đại, bị tuyệt đối hóa một cách phiến diện, bị đẩy quá giới hạn áp dụng của nó thì chân lý cũng có thể biến thành sai lầm.

Bốn là: Quan điểm về xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Lê Duẩn cho rằng: Con người ta không chỉ sống với nhau vì miếng cơm manh áo mà còn có đời sống tình cảm, vì vậy theo đồng chí, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người giữ vị trí hết sức trọng yếu. Đồng chí thường nói: “Có lẽ do biết coi trọng đạo lý làm người và biết làm người mà dân tộc Việt Nam đã đấu tranh tồn tại được và trưởng thành nên một dân tộc độc lập, một quốc gia độc lập”. Đạo lý làm người đã hun đúc nên dân tộc Việt Nam và tạo cho dân tộc ta một sức sống mãnh liệt và cũng nhờ thế mà ngày nay chúng ta mới có được những trang lịch sử vô cùng oanh liệt và vẻ vang. Đồng chí Lê Duẩn khi nói tới văn hóa thường nhấn mạnh lao động, tình thương và lẽ phải và chính những quan điểm đó đã hợp thành tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn về phát triển văn hóa và con người mới xã hội chủ nghĩa.

Một nét độc đáo sáng tạo nữa trong quan điểm về cách mạng xã hội chủ nghĩa mà đồng chí Lê Duẩn đưa ra đó là khái niệm về “bước đi ban đầu”. Theo đồng chí con đường đi lên xã hội chủ nghĩa là không được nóng vội mà phải có những bước đi ban đầu thật chắc chắn. Quan điểm này của đồng chí đã phê bình khuyết điểm chủ quan, nóng vội trong xây dựng và phát triển, tính bảo thủ, trì trệ trong cơ chế quản lý. Vào đầu những năm 1970, quan điểm này của đồng chí là rất phù hợp. Đại hội IV của Đảng (12-1976) với mong muốn đi nhanh chỉ cần một vài kế hoạch 5 năm là kết thúc thời kỳ quá độ, là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội nên nội dung của bước đi ban đầu đã không được đề cập. Tại Đại hội V của Đảng (3-1982), đồng chí Lê Duẩn nêu ra khái niệm Chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ với xây dựng những tiền đề để chính trị, kinh tế, xã hội  cần thiết, đẩy nhanh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trên quy mô lớn. Đó chính là sự trở lại quan điểm đúng đắn và khoa học về bước đi ban đầu. Quan điểm này là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -Lênin vào thực tiễn xã hội Việt Nam. Lênin cho rằng, trong suốt thời kỳ quá độ “trong chính sách của chúng ta, lại chia ra thành nhiều bước quá độ nhỏ hơn nữa. Và tất cả cái khó khăn của nhiệm vụ chúng ta phải làm, tất cả cái khó khăn của chính sách và tất cả sự khéo léo của chính sách là ở chỗ biết tính đến những nhiệm vụ đặc thù của từng bước quá độ đó”.

Đồng chí Lê Duẩn là một trong những người đặt nền móng cho tư tưởng đối mới đất nước. Sau năm 1954, cơ chế quản lý kinh tế tập trung theo mô hình Liên Xô trước đây và Trung Quốc đã được vận hành ở Việt Nam. Nền kinh tế chỉ còn hai thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa là khu vực quốc doanh và khu vực hợp tác xã. Vào năm 1964, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập nhóm nghiên cứu cải tiến quản lý kinh tế. Mặc dù chưa đề cập đến khái niệm “cải cách kinh tế” nhưng điều chắc chắn là đồng chí Lê Duẩn cũng như trong các cấp lãnh đạo đã nhận thức được rằng, mô hình kinh tế hiện hành cần được cải tiến, sửa đổi sao cho hiệu quả hơn. Khi Trung ương chưa tìm được một hướng đi mới thực sự hiệu quả thì ở Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã áp dụng mô hình “khoán hộ” nhằm bứt phá để mở đường cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Khi Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc bị kỷ luật oan, đồng chí Lê Duẩn đã đến Vĩnh Phúc để thăm và chia sẻ, động viên. Đồng chí Lê Duẩn nói: “Về hoạt động kinh tế của hợp tác xã, tôi có điều rất phân vân. Bởi vì, 5% ruộng đất giao cho gia đình thì người ta làm ra 45% thu nhập, còn 95% ruộng đất giao cho hợp tác xã thì chỉ làm ra khoảng 50% thu nhập, dù 50% này là lương thực rất cần cho xã hội. Tôi phân vân đã lâu, nhưng thật sự chưa nghĩ ra được cách gì giải quyết. Nay anh đề ra “khoán hộ” thì có lẽ đó cũng là một cách”. 

 Đánh giá về tư duy đổi mới của Tổng Bí thư Lê Duẩn, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt khẳng định: “Anh Ba nói tới sự cần thiết phải duy trì nền kinh tế nhiều thành phần ở miền Nam, không thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp như ở miền Bắc, coi trọng vai trò của trung nông, nó rất gần gủi với chính sách đổi mới của chúng ta sau này. Bằng ấy sự việc, tôi xin được khẳng định đồng chí Lê Duẩn không phải là nhà lãnh đạo bảo thủ, giáo điều, qua thực tiễn xuyên suốt đủ chứng tỏ anh là người luôn tìm tòi sáng tạo và tư duy luôn đổi mới… Điều tôi cảm nhận rất sâu sắc từ nơi Anh là ý thức dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ và tư duy sáng tạo, trăn trở, tìm tòi trong lý luận, trong thực tế cuộc sống để phát hiện những điều mới mẻ, đúng đắn, có lợi cho nước, cho dân…. Anh luôn nhắc nhở chúng tôi bám sát thực tế và không ngừng sáng tạo trong thực hiện đường lối, chủ trương…”[2]. Đồng chí Võ Chí Công - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Đối với đường lối đổi mới của Đảng ta, đồng chí Lê Duẩn đã “bật đèn xanh” ngay từ đầu, ủng hộ mạnh mẽ việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, trước hết là đổi mới cách khoán sản phẩm cho người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp từ năm 1981…”[3]. Đại tướng Lê Đức Anh – Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Chúng ta thường nói Đại hội VI là mốc son của công cuộc đổi mới đất nước. Điều đó đúng. Nhưng không có nghĩa là đến Đại hội VI thì mới có đổi mới mà ý tưởng này đã manh nha từ Đại hội IV với vai trò của Anh Ba Duẩn…”[4]Châu Minh

 

[1]  Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Lê Duẩn Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, 2007, tr 456.

[2] Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Lê Duẩn và cách mạng Việt Nam, Nhớ đồng chí Lê Duẩn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr. 93.

[3] Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Lê Duẩn và cách mạng Việt Nam, Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn – Nhà chiến lược kiệt xuất, nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr 63.

[4] Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Lê Duẩn và cách mạng Việt Nam, Lê Duẩn – Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr 76.

537 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 597
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 597
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77380625