|
Việc thống kê diễn biến rừng sẽ được cập nhật thường xuyên hơn thông qua phần mềm chuyên dụng. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ngày 17 /10 , Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án Phát triển Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp tại Việt Nam - Giai đoạn II (Dự án FORMIS II).
Được triển khai từ năm 2013, sau 5 năm thực hiện, Dự án “Phát triển Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp tại Việt Nam” đã và đang đóng góp lớn cho ngành lâm nghiệp với các thành quả quan trọng. Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được một hệ thống nền FORMIS cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu trên cơ sở các ứng dụng chuyên dụng và các phần mềm như: Cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, Báo cáo nhanh kiểm lâm, Quản lý công nghiệp chế biến lâm sản,…
Theo đó, dữ liệu của 7,1 triệu lô rừng của trên 1,4 triệu chủ rừng từ 60 tỉnh, thành phố trong cả nước sau chương trình Tổng điều tra, kiểm kê rừng đã được tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng. Cùng với đó, các dữ liệu cập nhật diễn biến rừng 03 năm từ 2016 – 2018; dữ liệu điều tra rừng 4 chu kỳ từ 1990 đến 2010; dữ liệu tiềm năng về REDD+ và khu vực trồng rừng; dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp; dữ liệu chi trả dịch vụ môi trường rừng,… cũng được chuẩn hoá và tích hợp vào hệ thống. Dự án cũng đã xây dựng được Hệ thống chia sẻ trực tuyến tại địa chỉ http://maps.vnforest.gov.vn .
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, hệ thống nền FORMIS và các phần mềm nghiệp vụ sẽ cung cấp các thông tin kịp thời, chính xác phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành các cấp từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt với phần mềm cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, thời gian công bố hiện trạng rừng sẽ rút ngắn 4 tháng so với cách làm trước đây.
Để vận hành hệ thống, hơn 2.000 lượt người tại các đơn vị lâm nghiệp và các cơ quan liên quan đã được tập huấn, phổ biến kiến thức sử dụng phần mềm. Tại 60 tỉnh, đã có trên 1.400 người dùng có đủ năng lực để sử dụng phần mềm, trong đó có 157 cán bộ của Chi cục Kiểm lâm, 1.179 kiểm lâm viên của 547 huyện và 120 người dùng thuộc các đơn vị khác. Dự án cũng đã xây dựng đội ngũ tiểu giáo viên có đủ năng lực bảo đảm duy trì bền vững hệ thống.
Dự án FORMIS II đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan. Theo đánh giá, những kết quả của dự án đã góp phần thực hiện mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các phương pháp khoa học dữ liệu trong công tác quản lý, điều hành lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng thời Hệ thống cũng sẽ giúp ngành lâm nghiệp thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, góp phần minh bạch thông tin, chia sẻ dữ liệu ngành theo hướng hiện đại, khoa học.
Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì, vận hành hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục là đầu mối điều phối, tiếp nhận các thành quả của dự án. Đồng thời sẽ xây dựng Dự án Duy trì và Phát triển Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp giai đoạn 2019 – 2020 và Đề án Phát triển Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Chính phủ phê duyệt. Hệ thống cũng sẽ tiếp tục được nâng cấp, bổ sung hệ thống máy chủ và các thiết bị công nghệ thông tin để bảo đảm hoạt động ổn định, mở rộng và phát triển một số ứng dụng/phần mềm chuyên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành thông suốt từ trung ương đến địa phương.
Dự án Phát triển Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp Việt Nam - Giai đoạn II (Dự án FORMIS II) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản, Tổng cục Lâm nghiệp là cơ quan thực hiện. Dự án được hỗ trợ tài chính bởi Chính phủ Phần Lan và Chính phủ Việt Nam. Ngân sách do Chính phủ Phần Lan đóng góp trị giá 9.7 triêu EUR. Vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam là 437,530 EUR, tương đương 11,700,000,000 VND. NIRAS Finland Oy cùng GFA và Green Field cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật.
Đỗ Hương