Cơ quan thuế các cấp đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thu (Anh: MP)

Thu ngân sách từ thuế mới đạt 60% dự toán
 
Với việc triển khai thực hiện các gói giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh; hỗ trợ người nộp thuế gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), từ tháng 3 đến tháng 6/2020, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp sau quyết toán năm 2019 và thuế TNDN tạm nộp quý I và quý II năm 2020 và tiền thuê đất đối với các nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ đã làm sụt giảm sâu số thu ngân sách trong 8 tháng đầu năm, đặc biệt là từ tháng 4 đến nay.

Tính đến hết 8 tháng, tổng thu NSNN ước đạt 752.615 tỷ đồng, chỉ bằng 60% so với dự toán, bằng 91,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 25.481 tỷ đồng, bằng 72,4% so với dự toán, bằng 64,4% so với cùng kỳ năm 2019. Thu nội địa ước đạt 727.134 tỷ đồng, bằng 59,6% so với dự toán, bằng 93,3% so với cùng kỳ.

Với những tác động giảm thu từ chính sách và tình hình dịch bệnh phức tạp, thu NSNN do cơ quan thuế quản lý mặc dù không có sự tăng trưởng so với cùng kỳ (chỉ đạt 91,9%), song để có được kết quả đó là do cơ quan thuế các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thu. 

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện được 41.248 cuộc thanh, kiểm tra; thực hiện kiểm tra 357.323 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra là 34.691,5 tỷ đồng, bằng 121,2% so với cùng kỳ 2019, trong đó tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 12.051 tỷ đồng bằng 154,3% so với cùng kỳ năm 2019; giảm lỗ là 21.665 tỷ đồng, bằng 110,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 5.918,1 tỷ đồng bằng 117,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Siết chặt quản lý nợ thuế

Khi tác động của dịch bệnh COVID-19 lên tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn đang kéo dài, thì công tác quản lý nợ vẫn là thách thức, đòi hỏi ngành Thuế phải có những giải pháp cụ thể và triệt để.

Theo Tổng cục Thuế, tổng số nợ thuế tháng 8/2020 có chiều hướng tăng so với thời điểm cuối năm 2019. Nguyên nhân là do doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa nộp vào ngân sách theo quy định; một số đơn vị sản xuất lắp ráp ô tô trong nước chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt kê khai phát sinh của tháng 5, tháng 6 vào ngân sách nhà nước, chờ để được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ; tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên. Bên cạnh đó, một bộ phận người nộp thuế cũng gặp phải khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Lũy kế tính đến thời điểm ngày 31/8/2020, số thu đạt 17.515 tỷ đồng, bằng 41,4% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2019, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.

Để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, tạo công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cơ quan thuế đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu nợ. 

Hiện một bộ phận người nộp thuế cũng gặp phải khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Trong bối cảnh này, Tổng cục Thuế xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý nợ là đẩy mạnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế nợ thuế duy trì sản xuất kinh doanh, giải quyết kịp thời các trường hợp người nộp thuế được gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế, không tính tiền chậm, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các nghị định, nghị quyết của Chính phủ.

Tổng cục Thuế giao cụ thể tổng số tiền thuế nợ 90 ngày và trên 90 ngày đến thời điểm 31/12/2020; thu tối thiểu 80% các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày của thời điểm 31/12/2019; giải quyết dứt điểm các khoản tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh, các khoản tiền thuế nợ đang xử lý còn tồn đọng tại thời điểm 31/12/2019 trước ngày 30/6/2020.

Bên cạnh đó, thông báo danh sách doanh nghiệp nợ tiền thuế có khả năng thu lớn, người nộp thuế có tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh, người nộp thuế có tiền thuế nợ đang xử lý, người nộp thuế có tiền thuế đang khiếu nại đến từng Cục Thuế để rà soát, thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế, công khai thông tin để thu hồi nợ vào ngân sách nhà nước.

Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức giám sát chặt chẽ các Cục Thuế thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ, tiến độ thu nợ hàng tháng, công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện của các Cục Thuế và đôn đốc nhắc nhở và thông báo bổ sung những trường hợp nợ thuế mới phát sinh cho các Cục Thuế để tổ chức đôn đốc thu kịp thời các khoản nợ đọng thuế vào ngân sách.

Trong những tháng cuối năm, ngành Thuế xác định sẽ tiếp tục tập trung xử lý thu hồi nợ thuế, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế. Kiểm tra, rà soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra trước đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước vi phạm pháp luật, đồng thời không gây phiền hà cho người nộp thuế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra sau hoàn thuế nhằm hạn chế tối đa hiện tượng lợi dụng thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát để khai không đúng hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của Nhà nước.

Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý thu nợ, hạn chế nợ đọng thuế, tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, góp phần bù đắp số giảm thu ngân sách nhà nước.../.

 
M.P