Đồng bào các dân tộc ở Đakrông góp phần giải phóng Quảng Trị năm 1972 

Đakrông là huyện miền núi tỉnh Quảng Trị, có điều kiện tự nhiên và xã hội rất đặc biệt, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô chiếm 80%. Với địa hình cao về phía Đông - Đông Nam, thấp về phía Tây - Tây Bắc. Ở phía Đông Nam có đỉnh núi cao nhất, với độ cao 1251m, thấp nhất là bãi bồi Ba Lòng 25m ở phía Bắc. Những dãy núi trùng điệp này tạo thành bức tường vững chắc cho Đakrông, bảo vệ an toàn khi bị địch tấn công từ bất cứ hướng nào. Mặt khác, địa thế thuận lợi cho chúng ta từ đây có thể quan sát, phát hiện địch từ xa để chủ động thế trận. Trong kháng chiến, Đakrông luôn giữ vai trò phên dậu của Tổ quốc; là cầu nối thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa Nhân dân hai nước Việt - Lào; là chỗ đứng chân, là căn cứ địa vững chắc của Tỉnh ủy Quảng Trị, của Quân khu Trị Thiên, Liên khu V và cách mạng Lào; đùm bọc, chở che cán bộ, bộ đội từ Bắc vào Nam…

Trải qua hàng trăm năm xây dựng và bảo vệ quê hương, bản làng đã hun đúc các thế hệ người Vân Kiều, Pa Cô truyền thống đoàn kết, đấu tranh kiên cường, bất khuất, giám hy sinh vì nghĩa lớn. Khi đất nước, quê hương bị xâm lăng, tinh thần yêu nước của đồng bào được phát huy chuyển thành sức mạnh chiến thắng kẻ thù.

Để thể hiện niềm tin son sắc với Đảng và Bác Hồ, ngày 26/6/1946, được sự tổ chức của Mặt trận Liên Việt, các già làng đã tự nguyện tụ họp dưới chân núi Coc Tăng thống nhất lấy họ Bác Hồ làm họ chung cho cả hai dân tộc Vân Kiều- Pa Cô. Việc lấy họ Bác Hồ làm họ của mình thể hiện sự kính trọng, thủy chung, son sắt với cách mạng; đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô luôn tự hào, đoàn kết một lòng, sát cánh bên nhau cùng vượt qua khó khăn, gian khổ, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như bảo vệ, xây dựng quê hương.

Từ năm 1947, chiến khu Ba Lòng được thành lập, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đầu não kháng chiến và lực lượng vũ trang tránh sự truy quét và tiêu diệt của thực dân Pháp. Trở thành một căn cứ địa cách mạng, trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến của tỉnh Quảng Trị. Tại chiến khu Ba Lòng, Đảng bộ Quảng Trị đã tiến hành ba kỳ Đại hội: Đại hội lần thứ II (11/1947); Đại hội lần thứ II (3/1949); Đại hội Đảng bộ lần thứ IV (4/1950); các hội nghị, cuộc họp có tính chất quyết định đến sự chuyển biến của công cuộc kháng chiến ở địa phương và khu vực. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đồng bào các dân tộc ở Đakrông đóng góp công, góp sức để xây dựng nơi làm việc, nơi ở cho Tỉnh ủy, các cơ quan của tỉnh; đồng bào các dân tộc đã nhường nhà ở của mình làm trụ sở cơ quan, nơi ở cho cán bộ, đồng thời tích cực tăng gia sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các cơ quan kháng chiến của Tỉnh và các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Đồng bào các dân tộc làm tốt công tác bảo mật phòng gian, giữ vững an toàn cho chiến khu trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đakrông với lợi thế núi rừng, đặc biệt phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, son sắt với cách mạng, đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô đã đùm bọc che chở cho kháng chiến kể cả trong những tháng ngày khốc liệt nhất. Nhân dân các dân tộc chia nhau từng lon gạo, bụi sắn, giúp nhau phát rẫy trỉa lúa, trồng rau. Nhân dân tìm măng, củ rừng để ăn, còn khoai sắn, gạo để nuôi cán bộ. Cán bộ không dám nhận, đồng bào đã động viên: “Tao đói còn đi đào được củ rừng để ăn, củ khoai củ sắn phải giành cho chúng bay ăn để làm cách mạng”. Từ cụ già đến cháu nhỏ đều tham gia cảnh giới, bảo vệ đường, bảo vệ kho tàng; thanh niên tham gia chuyển hàng giúp bộ đội; huy động hàng ngàn dân công đi làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí từ đường mòn Hồ Chí Minh về vùng giáp ranh phục vụ mặt trận. Hơn thế nữa, những người con gan góc dạn dày đã không sợ hy sinh gian khổ, đánh địch trên tất cả các mặt trận, phối hợp tấn công giải phóng quê hương Quảng Trị và sau đó là chia lửa với Thành Cổ trong 81 ngày đêm để giữ vững tư thế của một Việt Nam chiến thắng, tạo tiền đề cho việc ký Hiệp định Pa ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Để làm nên chiến thắng to lớn ấy, trên khắp các chiến trường nhiều con em Đakrông đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Đakrông có 11/13 xã, thị trấn được công nhận anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 30 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có mẹ Căn Thung ở xã A Bung và mẹ Hồ Thị Ta Lữ ở xã Húc Nghì còn sống; 611 gia đình liệt sỹ; 550 thương bệnh binh; 119 gia đình có công với cách mạng...  Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đakrông đời đời biết ơn các anh hùng liệt sỹ, biết ơn các đồng chí thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng, mãi mãi biết ơn các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình đã hiến dâng những người con, người chồng, người cha của mình vì độc lập, tự do của Tổ Quốc.

 Tự hào với truyền thống thủy chung son sắc với cách mạng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Đakrông nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khai thác tốt tiềm năng lợi thế, huy động hiệu quả các nguồn lực, ra sức phấn đấu, xây dựng quê hương Đakrông ngày một văn minh, giàu đẹp; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, cùng cả nước tiến lên, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./. Nguyễn Thị Hảo

1253 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1419
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1419
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87112420