Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, từ năm 2016 đến nay, các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng El-Nino; hiện tượng này cũng đã gây tổn thất to lớn cho ngành sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, gây nên tình trạng khô hạn, đất đai bị bạc màu, diện tích đất bị nhiễm phèn ngày càng tăng, đa dạng sinh học giảm mạnh; nhiệt độ không khí ngày càng tăng và hạn hán bất thường, lũ lụt không theo quy luật, nhiều dịch bệnh mới hình thành… đe dọa đến sản xuất và đời sống người dân nơi đây.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2016 là năm có nhiều khó khăn, thách thức nhất đối với sản xuất nông nghiệp, tổng thiệt hại sản xuất nông nghiệp trong năm lên tới gần 2 tỉ USD. Trước thực trạng trên, các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ, cùng nhau đưa ra giải pháp khắc phục của tình hình biến đổi khí hậu. Ông Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, trên cơ sở dữ liệu dự báo xâm nhập mặn mùa khô 2016-2017, cần có các giải pháp thích ứng thời gian tới, đó là sử dụng hợp lý tài nguyên đất và nước gồm: các mô hình khai thác hợp lý tài nguyên đất - nước theo hướng ngọt, mặn-lợ và mặn, theo hướng thích nghi có kiểm soát - hỗ trợ, cấp nước ngọt chủ động cho các vùng thủy sản ven biển, đa dạng hóa - mềm dẻo, như thâm canh các mô hình tôm, cua, tôm - lúa, lúa + cây khác, rong biển…. , đồng thời có các giải pháp công trình, phi công trình cho tương lai gần, trung hạn và có thể nâng cấp, kết hợp cho tương lai dài hạn theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngành chăn nuôi ở Bến Tre lao đao vì tình trạng xâm nhập mặn
dẫn đến thiếu nước uống cho gia súc (Ảnh: K.V)

Trong 3 năm gần đây, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã liên kết, phối hợp tốt với nhau để quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Đây là xu hướng tất yếu để hướng tới sự phát triển bền vững.

Vào tháng 12/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khởi động Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Dự án này do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, có tổng mức đầu tư hơn 384 triệu USD được triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2022 tại 9 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Dự án nhằm tăng cường các công cụ lập quy hoạch, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các hoạt động quản lý tài nguyên đất và nước tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đây cũng là dự án tiên phong, có tính hệ thống đầu tiên để thực hiện kế hoạch châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án với các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và tác động của phát triển thượng nguồn sông Mê Kông, đồng thời cũng là giải pháp giảm thiểu các tác động của phát triển, phục hồi hệ sinh thái, nhằm nâng cao đời sống của người dân. Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để dự án triển khai thành công, cần có sự tham gia không chỉ từ các chuyên gia Ngân hàng thế giới, cơ quan quản lý dự án mà còn cần sự chỉ đạo, tham gia của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan khoa học, các địa phương và người dân trong vùng dự án.

Ông Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, Chính phủ Đức đã tham gia hợp tác đầu tư tại đồng bằng sông Cửu Long thông qua các chương trình quản lý hạ tầng ven biển, quản lý nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên….,trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Đức và Australia có chương trình liên kết hợp tác giữa 2 Chính phủ để hỗ trợ Việt Nam tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang và sẽ triển khai các công trình từ nguồn vốn trong nước, JICA, WB6, WB9… Các công trình vùng mặn như: các công trình dự án Bắc Bến Tre; hạ tầng công trình Cái Lớn, Cái Bé, Ninh Quới. Vùng mặn, mặn lợ chú ý đến các công trình bảo vệ vườn cây ăn quả của các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang. Các công trình chuyển nước cho vùng ven biển như: Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang. Công trình kết nối các vùng: Cái Lớn, Cái Bé. Công trình vùng lũ như: hạ tầng cống ven sông Hậu, sông Tiền để kiểm soát nước luân phiên cho đồng bằng mùa kiệt, kiểm soát lũ cực hạn… Cùng với các giải pháp phi công trình trong xây dựng khung kế hoạch vận hành các hệ thống vùng lũ như: các đập tràn kiểm soát lũ biên giới, các hệ thống cống ven biển Tây, các cống và trạm bơm các ô bao, tiểu vùng. Vận hành các hệ thống vùng mặn, tích nước dự trữ trong hệ thống… để giảm thiểu các tác hại biến đổi khí hậu và ổn định sản xuất nông nghiệp./.

K.V