Dồn toàn lực, kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trước khi kết thúc Chỉ thị 16 

(Chinhphu.vn) – Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, ngày 8/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị các tỉnh dồn toàn lực, kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trên địa bàn trước khi kết thúc thực hiện Chỉ thị 16.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Những ngày tới, Kiên Giang phải dồn lực làm sạch cơ bản trên địa bàn, khoanh chặt các ổ dịch còn lại để xử lý dứt điểm. Ảnh: VGP/Đình Nam

“Nghiêm hơn nữa, nhanh hơn nữa”

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết từ ngày 19/7 đến nay tại 14/15 huyện, thành phố phát hiện 276 ca bệnh, trong đó có 174 ca phát hiện trong khu vực cách ly, phong tỏa và 102 ca ngoài cộng đồng.

Chuỗi lây nhiễm ở Kiên Giang chủ yếu là từ người trở về từ TPHCM và các tỉnh có dịch; lây nhiễm bên trong cơ sở điều trị và một số cơ sở cách ly tập trung; qua sàng lọc tại bệnh viện chưa xác định được nguồn lây. Nhiều ổ dịch chưa được kiểm soát tốt.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị An Giang phải chấn chỉnh công tác quản lý cơ sở cách ly tập trung; chia nhỏ các nhóm đối tượng cách ly theo nhóm nguy cơ, kiểm soát chặt chẽ không để có sự giao lưu qua lại giữa các nhóm. Đầu tư, cải tạo khu vệ sinh hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly tập trung.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, các phân tích dữ liệu về nguy cơ khách quan thì Kiên Giang đang ở mức nguy cơ dịch bệnh rất cao khi ghi nhận chuỗi lây nhiễm trong Khoa Nội - Tiêu hoá (Bệnh viện đa khoa tỉnh), các ca nhiễm phát hiện qua sàng lọc, lây nhiễm chéo trong khu cách ly, chưa thực hiện xét nghiệm sàng lọc, tầm soát cộng đồng…

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra khu cách ly tập trung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang (cơ sở cũ), tại thành phố Rạch Giá. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Kiên Giang phải tận dụng khoảng thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 để có chiến dịch xét nghiệm sàng lọc, tầm soát diện rộng, sử dụng mẫu gộp, tập trung vào những khu vực nguy cơ như cán bộ y tế, làm việc tại các khu cách ly, khu chợ,…

“Các đồng chí phải rà soát toàn bộ máy móc, sinh phẩm xét nghiệm, mạnh dạn, sáng tạo hơn nữa trong kết hợp xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, như vậy mới có thể tăng tần suất rà soát, sàng lọc diện rộng. Trong những ngày tới, nhất định Kiên Giang phải dồn lực làm sạch cơ bản trên địa bàn toàn tỉnh, khoanh chặt các ổ dịch còn lại để xử lý dứt điểm”, Phó Thủ tướng nói.

Trong thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Kiên Giang tiếp tục kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để nắm tất cả những người từ nơi khác về, xử lý nghiêm những ai không khai báo y tế hoặc không trung thực, trong đó có trách nhiệm của thành viên trong gia đình. “Đây là giải pháp chống dịch căn cơ nhất”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Kiên Giang phải tập trung thiết lập mạng lưới tiếp nhận thông tin, thăm khám, sàng lọc tất cả những người có triệu chứng nghi ngờ tại cộng đồng, khu dân cư; tăng cường tuyên truyền, thông tin bằng nhiều hình thức để người dân sớm nhận biết triệu chứng nghi ngờ; bảo vệ nghiêm ngặt các bệnh viện tăng cường xét nghiệm nhanh sàng lọc đối với tất cả nhân viên y tế, những người có triệu chứng nghi ngờ khi đến khám, chữa bệnh.

Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng trong phòng, chống dịch của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang thời gian qua dù nguy cơ dịch bệnh từ nhiều hướng, Phó Thủ tướng mong muốn địa phương tranh thủ những ngày còn lại “đã nghiêm rồi thì nghiêm hơn nữa, làm nhanh rồi thì nhanh hơn nữa” để làm sạch cơ bản địa bàn, tiếp tục chiến lược: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị dứt điểm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Tầm soát, sàng lọc ngay tại cộng đồng

Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác, chiều 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết từ ngày 15/4 đến nay đã phát hiện 484 ca nhiễm tại 11/11 huyện, thành phố, thị xã. Đáng chú ý, 85% ca nhiễm ghi nhận ở An Giang liên quan lây nhiễm từ lái xe đường dài từ các tỉnh vào thu gom nông sản, khiến mức độ lây nhiễm cộng đồng rất phức tạp.

“Một ngày có khoảng 2.000 xe tải đi vào tỉnh. Chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm nhanh, lấy thông tin liên lạc của tất cả lái xe, người đi cùng xe sau đó cho phép xe tiếp tục lưu thông, nếu có kết quả dương tính thì yêu cầu lái xe dừng lại để lực lượng y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm khẳng định RT-PCR. Vì vậy, hoạt động lưu thông hàng hóa không bị ách tắc”, ông Nguyễn Thanh Bình trao đổi.

Với mục tiêu không để sót, lọt F0, F1 ngoài cộng đồng, An Giang đã lập các đội truy vết từ cấp tỉnh, huyện, xã với lực lượng công an làm nòng cốt, cùng với y tế, Đoàn Thanh niên, tùy quy mô ổ dịch được khoanh vùng để triển khai nhanh nhất, truy vết sớm nhất, kỹ nhất có thể. Tỉnh cũng vận động người dân ký cam kết thông tin ngay với tổ dân phố, chính quyền cơ sở khi có người là từ nơi khác đến.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi về công tác điều trị tại Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang. Ảnh: VGP/Đình Nam

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nêu thực tế hiện các bộ ngành có rất nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch, nhưng có những điểm chưa thống nhất, thậm chí chồng chéo khiển địa phương lúng túng trong việc triển khai.

“An Giang đề nghị các bộ, ngành khi ban hành văn bản liên quan đến phòng, chống dịch bệnh phải tuân thủ đúng theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia”, đồng chí Lê Hồng Quang kiến nghị.

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh An Giang, Thượng tướng Võ Minh Lương cho rằng nguồn lây nhiễm của tỉnh rất phức tạp, vì vậy phải thực nghiệm rất nghiêm Chỉ thị 16; đẩy mạnh truy vết, nhanh chóng khoanh vùng, tổ chức xét nghiệm thật nhanh để sớm phát hiện và cách ly tất cả F0, F1, không để sót ra ngoài cộng đồng; kiểm soát chặt người về từng vùng dịch, các tỉnh khác.

“Bộ Y tế đã có quy định, hướng dẫn nhưng các đồng chí phải căn cứ tình hình thực tiễn, làm mạnh hơn, nhanh hơn, truy đến tận cùng F1. Hiệu quả là trên hết”, Thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhận xét An Giang làm truy vết rất tốt nhưng thời điểm hiện nay tỉnh phải đẩy mạnh xét nghiệm, sàng lọc tầm soát trong cộng đồng để phát hiện những ca nhiễm chỉ điểm mới, khoanh lại và bảo vệ chặt vùng xanh an toàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương An Giang đã rất nghiêm túc, sáng tạo trong phòng, chống dịch thời gian qua mặc dù có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao, cả từ trong nước lẫn biên giới. Thậm chí có những văn bản, hướng dẫn của Trung ương chưa rõ, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng tập thể lãnh đạo tỉnh đã bàn, thống nhất thực hiện rất hiệu quả.

“Lực lượng chống dịch tuyến đầu, doan nghiệp, nhân dân An Giang đã làm rất tốt, rất quyết liệt nhưng phải làm tốt hơn nữa, phấn đấu hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16 là phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, khoanh gọn lại các ổ dịch, giữ chắc vùng an toàn. An Giang phải phấn đấu cùng với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long hình thành vùng xanh, vững chắc an toàn.

Kể cả khi An Giang đã kết thúc thực hiện Chỉ thị 16 vẫn phải có những điều chỉnh nhất định trong đời sống, sản xuất trong bối cảnh chưa có miễn dịch cộng đồng, chưa có thuốc đặc trị, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến phức tạp. Có như vậy đời sống, hoạt động sản xuất của nhân dân mới quay lại được trạng thái bình thường mới”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn “lãnh đạo tỉnh An Giang sáng tạo, linh hoạt, luôn chủ động trước diễn biến tình hình dịch bệnh”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Bệnh viện Phổi tỉnh Hậu Giang, nơi đang điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Từng người dân, gia đình, khóm, ấp cùng giữ vùng xanh

Chiều tối 8/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra, làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết kể từ khi thực hiện Chỉ thị 16 (ngày 19/7), tỉnh ghi nhận 251 ca mắc; trong đó: Có 41 ca mắc mới trong cộng đồng (tỷ lệ 16%); 210 ca mắc trong khu cách ly tập trung (tỷ lệ 84%).

Hiện tỉnh đã thiết lập Trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi tỉnh, khả năng thu dung điều trị cho 60 ca bệnh nặng; Bệnh viện Dã chiến Vị Thủy, quy mô 240 giường; Bệnh viện Dã chiến Châu Thành A, quy mô 250 giường. Đến nay, các cơ sở này đều đã có trang bị cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều trị.

Ngoài ra, Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch điều trị tương ứng với 5 cấp độ dịch bệnh. Theo đó, sẽ chuyển đổi công năng một số trung tâm y tế tuyến huyện thành Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 và trưng dụng các Bệnh viện tư nhân để thành lập Bệnh viện điều trị COVID-19 với tổng số giường điều trị COVID-19 lên 2.350 giường.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đánh giá dịch bệnh vẫn có nguy cơ lan rộng trên địa bàn, do số người về từ vùng dịch về Hậu Giang còn nhiều (qua đường mòn, lối mở, đường thủy). Hậu Giang còn 14 vùng cách ly y tế tại 8 xã, phường, thị trấn, trong đó có 1 ổ dịch nguy cơ rất cao, có 35 ca mắc cộng đồng mới ghi nhận từ tối 5/8.

Thời gian tới, Hậu Giang tập trung mọi nguồn lực bảo vệ vùng xanh an toàn để giảm mức độ giãn cách xã hội; tăng cường các chốt kiểm soát phòng dịch; tiếp tục xét nghiệm sàng lọc định kỳ tại cộng đồng bằng xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp.

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Hậu Giang chuẩn bị tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả điều trị cao nhất tỉnh cần sắp xếp lại tầng điều trị đầu tiên F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ thành 2 khu riêng biệt.

Khu F0 không triệu chứng phải chăm lo đầy đủ cho bà con về dinh dưỡng, có không gian vận động, rèn luyện sức khỏe, thoải mái tinh thần, cấp các loại thuốc, phương thuốc đông y, kết hợp tây y để nâng cao thể trạng, giảm tối đa tỷ lệ chuyển thành có triệu chứng. Đồng thời có nhân viên y tế theo dõi sát các F0 chuyển sang triệu chứng để xử lý, chuyển lên tuyến trên kịp thời.

Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ và vừa, phải trang bị đầy đủ hệ thống oxy tập trung, máy thở oxy dòng cao (HFNC), một số loại thuốc điều trị để can thiệp, xử lý sớm, không để cho bệnh nhân chuyển nặng hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chỉ  đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền tỉnh Hậu Giang; tinh thần đoàn kết, đồng lòng tham gia phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Thủ tướng, các tỉnh Tây Nam Bộ có nguy cơ dịch bệnh rất lớn khi TPHCM, một phần Bình Dương, Đồng Nai, Long An bị lây nhiễm rất nặng. Cho đến giờ phút này, các tỉnh phía Nam sông Hậu, trong đó có Hậu Giang, đã kiểm soát rất tốt.

“Khi giãn cách, doanh nghiệp, người dân rất vất vả, chịu nhiều khó khăn, bất tiện, vì vậy, trong những ngày còn lại thực hiện Chỉ thị 16, Hậu Giang phải làm sao kiểm soát tốt, chắc chắn tình hình dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói và đồng tình với kế hoạch, phương án mà tỉnh đã đề ra, trong đó có sáng kiến phát động từng người dân, khóm, ấp, xã đăng ký và cùng nhau giữ vùng xanh.

Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp để có thể kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trong những ngày tới, Hậu Giang phải chuẩn bị phương án để người dân, doanh nghiệp quay trở lại đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Tỉnh cần có hướng dẫn, cơ chế để từng người dân, gia đình, cụm gia đình cùng nhau thực hiện nghiêm 5K. Các doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như chia ca, kíp sản xuất gắn với nơi ở của công nhân; xét nghiệm nhanh kết hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đối với người lao động; thực hiện theo dõi, giám sát y tế hàng ngày đối với người lao động tại nhà máy cũng như nơi ở…

Đình Nam

346 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1300
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1300
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87164868