Từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp. Lần đầu tiên trong nhiều năm, lũ chồng lũ, bão chồng bão, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.

Thiên tai đã làm hàng trăm người chết, mất tích, khoảng 112.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng ước tính sơ bộ hơn 2,8 nghìn tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hỗ trợ  tỉnh Hà Tĩnh giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư nông nghiệp...với tổng giá trị trên 17 tỷ đồng (Ảnh: GV)

Trước thảm họa khốc liệt của thiên tai tại các tỉnh miền Trung, thời gian qua, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và cả xã hội trong việc cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy, khôi phục sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho đồng bào miền Trung nhằm sớm ổn định cuộc sống.

Theo thống kê, để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống; cùng với đó là 560.000 liều vắc xin, 140.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng.

Trong 2 ngày (10-11/11/2020), Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn cùng các cơ quan chuyên môn của Bộ đến hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình để kiểm tra, chỉ đạo và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc khôi phục chăn nuôi gia cầm do có chu kỳ sản xuất ngắn.

Theo tính toán, chăn nuôi gia cầm từ nay đến Tết Nguyên Đán sẽ có sản phẩm, nhờ đó sẽ giúp bà con có thêm thu nhập và tạo sinh kế cho những chu kỳ sau. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc chăn nuôi sau lũ lụt, các địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh… Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để phổ biến, nhân rộng tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trồng vùng nuôi, đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh thiệt hại.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, bão, lụt đi qua, công tác khắc phục và tái thiết sau thiên tai để ổn định đời sống lâu dài của người dân là công tác rất quan trọng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã nhanh chóng triển khai các phương án, kế hoạch hỗ trợ người dân, kêu gọi các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ trong nước chung sức hỗ trợ tạo sinh kế phù hợp, hỗ trợ cây trồng vật nuôi, vật dụng thiết yếu đến người dân miền Trung.

Hỗ trợ để  khôi phục chăn nuôi gia cầm là giải pháp được Bộ NN&PTNT quan tâm nhằm tạo nguồn thu nhập nhanh cho người dân chịu ảnh hưởng của bão, lũ (Ảnh: GV)

Tính đến ngày 10/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã huy động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân cho người dân 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, gồm: Giống cây trồng vật nuôi, thủy sản, thuốc, thức ăn chăn nuôi... Ước tính giá trị hỗ trợ được gần 150 tỷ đồng.

Trong đó, về chăn nuôi , gần 1,1 triệu con gà giống; 17.000 con vịt giống, 2.000 con ngan giống; 300 tấn thức ăn, 300 triệu tiền thuốc thú y, 85.000 lít và 120 tấn hóa chất khử trùng, 2,312 triệu liều vắc xin,…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cấp phát hỗ trợ cho các địa phương khu vực miền Trung tổng số 18 tấn giống ngô, 10,8 tấn hạt rau giống; 30.000 liều vắc xin, 60.000 lít và 70 tấn hóa chất khử trùng. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tổng hợp báo cáo Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân./.

 
BT