Đơn giản hóa TTHC để “rộng đường” phát triển Chính phủ điện tử 

(Chinhphu.vn) - Ngày 17/9, Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử (eGov) lần thứ 15 đã diễn ra tại TPHCM. Tại hội thảo, các lãnh đạo cơ quan quản lý và địa phương đã chia sẻ, thảo luận về lộ trình phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số ngành nghề, cũng như lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Đại diện các Bộ ngành tham gia Phiên tọa đàm cấp cao.

Hội thảo có mục đích chính là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mảng Chính phủ điện tử, hướng đến mô hình Chính phủ số, nhằm mang lại nhiều giá trị phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Tại phiên tọa đàm cấp cao duy nhất của Hội thảo tập trung vào hai vấn đề chính là “Làm sao để người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực hơn trong các dịch vụ công trực tuyến?” và “Giải pháp nào thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số”, ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, để giải đáp 2 câu hỏi trên, quan trọng nhất là phải bắt đầu từ việc đơn giản hóa, cải cách TTHC, đừng chạy theo số lượng, hãy quan tâm đến chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến.

“Làm sao cho người dân cảm thấy thuận lợi, dễ dàng nhất, phải truyền thông để người dân biết, xây dựng được cho người dân niềm tin về việc nhà nước đang nỗ lực thế nào trong phát triển chính phủ điện tử. Đây sẽ là những nhân tố tăng tốc chuyển đổi số quốc gia”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng chia sẻ, cần phải có thể chế, chính sách chuyên biệt hóa để dẫn đường cho sự phát triển, đầu tư ngân sách đúng mức và chính ngạch cho công nghệ thông tin.

 

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu trong khuôn khổ tọa đàm, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM cũng chia sẻ, chuyển đổi số TP HCM bắt nguồn từ việc kế thừa những thành quả đã có, tận dụng mọi nguồn lực công tư kết hợp, có cơ chế lựa chọn các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số tốt để đưa vào ứng dụng được ngay. Để làm được điều đó, lãnh đạo Thành phố đóng vai trò vừa tích cực thúc đẩy vừa hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển năng lực. Chính quyền phải đóng vai trò kết nối, để tất cả các lực lượng cùng tham gia chuyển đổi số, góp phần xây dựng chính quyền số hiệu quả, phục vụ người dân, phát triển nền kinh tế số mang lại giá trị thặng dư cao hơn.

Ông Dương Anh Đức cũng chia sẻ thêm, chuyển đổi số là một quá trình nhiều bước, trong đó ngoài việc phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, thì xây dựng nền tảng dữ liệu cũng là một nhiệm vụ thiết yếu, bởi dữ liệu là kho tài sản lớn của mọi quốc gia, được ví quý hơn dầu mỏ vì càng dùng thì càng tạo ra nhiều giá trị.

TPHCM đang là một trong những địa phương tiêu biểu, đạt được những thành tựu trong cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả dịch vụ công nhờ sự quyết liệt cũng như nhận thức, tư duy đúng đắn của lãnh đạo Thành phố. Tổng số dịch vụ công trực tuyến được công bố của Thành phố là gần 1.800 dịch vụ, trong đó gần 60% là mức độ 3 và 4.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm triển khai các giải pháp xây dựng Chính quyền điện tử cho nhiều Bộ, ngành và tỉnh, thành tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, FPT đã hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, phát triển nền tảng tích hợp, liên thông dữ liệu, giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp. Mới nhất, FPT là một trong các đơn vị hỗ trợ, tư vấn cho thành phố về khung kiến trúc Chính quyền điện tử cũng như xây dựng nền tảng chia sẻ, liên thông dữ liệu (LGSP HCM) vừa được ra mắt tháng 7/2020.

 Hiền Minh

200 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1136
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1137
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226500