Đảo Cồn Cỏ cách đất liền tỉnh Quảng Trị khoảng 30 km, ở phía nam vịnh Bắc Bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, đảo được mệnh danh là "con mắt thần ở biển Đông" vì từ đây có thể phát hiện động tĩnh ở bốn phương, quan sát rõ địch ở các căn cứ trong bờ như Cồn Tiên, Dốc Miếu, cảng Cửa Việt... Cồn Cỏ cũng là trạm gác cho đường Hồ Chí Minh trên biển, tiền đồn phòng thủ của miền Bắc.
|
Thuyền đánh cá của ngư dân có gắn buồm được sử dụng để chở vũ khí, lương thảo ra đảo Cồn Cỏ. Ảnh tư liệu |
Với vị trí quan trọng, tháng 8/1959, một đơn vị bộ đội đã ra giữ đảo. Từ năm 1959 đến 1964, việc tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ do hải quân thực hiện. Sang năm 1965, Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chiến sự trên đảo và vùng biển Cồn Cỏ trở nên khốc liệt. Tàu địch vây ráp, bộ đội thiếu thốn vũ khí, thuốc men, lương thực...
Một tổ thuyền hải quân không đủ khả năng tiếp tế cho đảo. Tháng 5/1965, Đại đội 22 tiếp tế cho Cồn Cỏ được thành lập, đóng quân tại xóm Xuân, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, gồm 40 chiến sĩ nòng cốt, 80 dân quân bốn xã ven biển là Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng), Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái.
Phương tiện bấy giờ là thuyền đánh cá chèo tay, sử dụng buồm huy động từ các hợp tác xã ngư nghiệp. Mỗi thuyền dài 10-15 m, cột buồm cao 4-5 m, chở được hai đến ba tấn hàng hóa. Đội thuyền có tất cả 15 chiếc.
Việc chuyển hàng tiếp tế cho Cồn Cỏ thuận lợi nhất vào mùa hè, từ tháng 3 đến 9. Trong 7 tháng này, lương thực, vũ khí phải đảm bảo cho bộ đội sử dụng và chiến đấu cả năm. Mỗi thuyền chở hàng gồm 6 người, trong đó một nửa là bộ đội, còn lại là dân quân các xã. Mọi chuyến đi đều bí mật. Khoảng 15h thuyền nhận lệnh, mất hai tiếng bốc xếp hàng hóa, rồi chờ đến 18h thuyền xuất phát.
Cựu binh Phan Văn Váng, 71 tuổi, trú thị trấn Cửa Tùng, nhớ lại: "Mỗi chuyến đi là một cuộc chiến đấu thực sự, khi trước mặt là kẻ thù với tàu lớn và vũ khí hiện đại, trong khi ta chỉ có những chiếc thuyền thô sơ nhỏ bé".
|
Cựu binh Phan Văn Váng nói các chuyến đi ra đảo Cồn Cỏ lúc bấy giờ. Ảnh: Hoàng Táo |
Khi thuận gió, bộ đội, dân quân căng buồm hết sức thì mất 4-6 tiếng ra đến đảo. Nhưng khi trở gió, thuyền mất cả đêm mới đến. Trên mỗi thuyền đều trang bị sáu ống phao tre, được kết từ hai thanh tre dài 1,5 m, to bằng bắp chân người lớn để làm phao cứu sinh. "Thuyền bị đánh đắm, nhiều chiến sĩ thoát chết nhờ ôm phao này", cựu binh Nguyễn Thanh Long kể.
Tùy thời điểm mỗi đợt có từ 2 đến 12 thuyền. Trong đoàn luôn có thuyền chỉ huy đi trước, các thuyền nối đuôi nhau kết thành hàng dài. Cựu dân quân Lê Văn Liệu, 74 tuổi, người đi 11 chuyến hàng kể: "Phương châm là tránh địch mà đi, dù được trang bị súng ống. Thời đó, vũ khí thô sơ, chỉ có một súng DKZ, hoặc B40, B41, một trung liên, còn lại là AK và CKC".
Từ năm 1965 đến hết năm 1968, đường ra đảo Cồn Cỏ thực sự là "con đường máu". Địch có phương tiện hiện đại, tàu hạm đội ở xa bắn pháo hỗ trợ. "Trên trời pháo sáng như ban ngày, mặt biển thì đạn bắn như cá đớp mồi không ngớt. Chúng tôi vừa chiến đấu, vừa giương buồm quyết tâm hướng đảo Cồn Cỏ mà tới", ông Liệu nhớ lại.
Những ngày cuối tháng 5/1965, tàu chiến, máy bay địch tiếp tục vây ráp Cồn Cỏ. Trong thời gian ngắn, 9 chiến sĩ tiếp tế đảo hy sinh và mất tích. Đợt tiếp tế ngày 28/5/1965, 12 thuyền ra đảo Cồn Cỏ an toàn, nhưng khi trở về thì địch đánh phá. Sau hai giờ, 5 thuyền bị chìm, 5 thuyền dạt vào phía Nam và bị bắt giữ, chỉ 2 thuyền cập bờ.
|
Đại đội 13 pháo binh Vĩnh Linh bắn chi viện cho các chuyến chở hàng ra đảo Còn Cổ. Ảnh tư liệu. |
Sau trận chiến nhiều mất mát đó, Khu ủy Vĩnh Linh và các xã tiếp tục động viên thanh niên lên đường tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Trong thời gian ngắn, hàng trăm lá đơn gửi về, trong đó có cả đơn của các cụ già 60-70 tuổi. Nhiều gia đình, cả cha và con cùng đăng ký lên đường tiếp tế.
Dân quân Lê Văn Ái (xã Vĩnh Quang) có vợ mới sinh hai ngày cũng xung phong ra đảo. Khi được hẹn đi chuyến sau, bà Lê Thị Giơ (mẹ dân quân Ái) trực tiếp gặp Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Quang xin cho con đi bằng được.
Kết thúc chiến tranh, Đại đội 22 và dân quân bốn xã của huyện Vĩnh Linh đã chuyển gần 7.000 tấn vũ khí, lương thực ra đảo Cồn Cỏ. 76 chiến sĩ, dân quân hy sinh và mất tích trên vùng biển Quảng Trị. Năm 1976, Đại đội tổ chức thành một đội thuyền vận chuyển hàng hóa ra Cồn Cỏ, do Tỉnh đội Quảng Trị quản lý.
Đại đội 22, Trung đoàn 270 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 24/4/2013.
Theo VNE