Các đại biểu tham gia cuộc đối thoại. Ảnh: VGP/ Lê Sơn
|
Tham dự có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam; đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và một số đơn vị liên quan.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã xem phóng sự về hiện trạng tồn lưu bom mìn, chất độc hóa học và sự tác động, ảnh hưởng của bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu đến con người; một số kết quả khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học; công tác điều trị cho nạn nhân; hiện trạng chính sách, quy định về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, Chiến lược Bảo vệ môi trường; những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện các quy định; định hướng các chính sách, quy định sắp tới…
Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu tập trung vào một số nội dung như: Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin một cách hiệu quả nhất; thủ tục công nhận, cách thức giải quyết chính sách cho nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và giải pháp bảo đảm chăm sóc y tế, tạo điều kiện việc làm cho họ; giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác điều tra, đánh giá, xử lý giảm thiểu tác động của chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh đối với con người và môi trường ở Việt Nam…
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam, thời gian qua, Bộ Tư lệnh Hóa học đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng giao. Theo Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với nhiều cơ quan cả trong và ngoài Quân đội, kể cả các tổ chức quốc tế để hoàn thành 19 dự án, đề tài, nhiệm vụ về nghiên cứu, đánh giá, khảo sát tồn lưu bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh, trong đó có nhiều đề tài cấp nhà nước.
Đặc biệt, Binh chủng Hóa học đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm các sân bay như: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Phù Cát…; tư vấn thiết kế xử lý 7.500 m3 đất ô nhiễm tại sân bay Phù Cát bằng phương pháp cô lập; tư vấn, giám sát xử lý triệt để 90.000 m3 đất ô nhiễm ở sân bay Đà Nẵng và đã tiến hành bàn giao… Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, kinh tế của đất nước, đặc biệt tại các địa phương có diện tích đã được xử lý ô nhiễm; qua đó tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Tiết mục văn nghệ của các em thiếu nhi tại cuộc đối thoại. Ảnh: VGP/Lê Sơn
|
Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam cho biết: Năm 2019 đánh dấu sự phát triển trong công tác hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. Thực hiện vai trò là cơ quan điều phối nguồn lực trong hợp tác quốc tế, Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam đã tích cực tham mưu cho cấp trên trong vấn đề cải cách chế độ chính sách và điều phối nguồn lực; triển khai dự án góp phần khắc phục hậu quả bom mìn tại hai tỉnh Bình Định và Quảng Bình với 4 hợp phần: Khảo sát, rà phá; giáo dục nạn nhân phòng tránh hậu quả bom mìn; quản lý thông tin và hỗ trợ nạn nhân. Năm 2019, học sinh của khoảng 40 trường học trên địa bàn hai tỉnh này đã được tuyên truyền, giáo dục về vấn đề phòng tránh tai nạn, thương tích từ bom mìn, vật liệu nổ còn tồn lưu.
Đánh giá cao vai trò, sự nỗ lực của Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 701 trong việc phối kết hợp với các bộ, ngành, địa phương để tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, thời gian tới các cơ quan cần tăng cường phối hợp liên ngành; đồng thời, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 701 cần chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước về những chủ trương, giải pháp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần tiếp tục nâng cao nhận thức và có nhận thức đúng về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học, xác định đây là nhiệm vụ lâu dài cần sự vào cuộc kiên trì của cả hệ thống chính trị; tuyên truyền về các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả đối với những nạn nhân của chiến tranh hay những người có nguy cơ trở thành nạn nhân của chất độc hóa học và bom mìn sau chiến tranh.
Lê Sơn