Đối thoại thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá 

(Chinhphu.vn) - “Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới đến nay, đặc biệt là trong năm 2017 này tôi nhận thấy môi trường kinh doanh cho DN đã có những thay đổi lớn rất đáng ghi nhận. Cải cách thể chế và phát triển kinh tế tư nhân là dư địa lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế”.

 

Chia sẻ thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là ý kiến trao đổi của TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 tại cuộc họp báo chiều ngày 11/12, ngay trước thềm khai mạc VBF 2017 vào ngày 12/12, dự kiến có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Điểm đáng chú ý, VBF 2017 là sự kiện dấu mốc lịch sử, kỷ niệm 20 năm ra đời của VBF Việt Nam. Năm 2017 cũng là thời điểm kỷ niệm 30 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thời điểm Việt Nam bắt đầu có Luật Đầu tư nước ngoài. Hành trình 20 năm thể hiện rõ sự đồng hành, sự chung tay của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng DN nói chung và các DN FDI nói riêng.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam là số ít các nước có cơ chế đối thoại thường niên giữa cộng đồng DN với Chính phủ thông qua VBF, một diễn đàn rất chuyên nghiệp đạt chuẩn quốc tế và hiệu quả.

“VBF không chỉ là nơi các doanh nghiệp “kêu” khó khăn mà còn là nơi các bên cùng có các đề xuất rất cụ thể góp phần cùng các cơ quan Chính phủ kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp”, ông Vũ Tiến Lộc nói. 

Nhìn lại 20 năm qua, đã có nhiều kiến nghị của DN được giải quyết, rất nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh được chính các nhà đầu tư tư vấn cho Chính phủ Việt Nam. Thành quả to lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua chắc chắn có đóng góp quan trọng từ VBF này.

“Chưa bao giờ vai trò của DN được nhấn mạnh và đề cao như hiện nay và lần đầu tiên kinh tế tư nhân được coi là một động lực quan trọng, hay việc Hội nghị Trung ương 5 đã ban hành Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân. Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ đã được ban hành…”, đại diện VCCI khẳng định.

Nhiều Nghị quyết của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển DN, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia như loạt Nghị quyết 19 hay Nghị quyết 35. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ban hành những chỉ thị cụ thể như Chỉ thị 20 về giảm công tác thanh tra, kiểm tra DN vào tháng 5/2017…

“Hàng loạt chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã tạo đường hướng thúc đẩy phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh của quốc gia rõ ràng hơn bao giờ hết. Các tỉnh, thành phố đều đặt ra và cam kết thực hiện bằng được mục tiêu thúc đẩy thành lập DN mới”, ông Lộc nói.

Trên bình diện quốc tế, thứ hạng của Việt Nam trong các thước đo thế giới như Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) hay Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đều tăng. Doing Business 2018 của Việt Nam tăng đến 14 bậc là khá mạnh mẽ.

Nhìn lại Diễn đàn năm trước, ông Vũ Tiến Lộc đã từng nói  rằng “kinh tế tư nhân đang cảm thấy cô đơn” nhưng trước Diễn đàn 2017 này, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã thấy sự chuyển biến đáng kể.

“Kinh tế tư nhân đã thấy ấm lòng, DN có niềm tin mạnh hơn vào tương lai phát triển của mình”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Dưới áp lực của Chính phủ, đang có sự chuyển động mạnh mẽ tại cấp bộ, ngành cũng như địa phương. Các bộ, ngành đang chủ động tiến hành cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ. Bộ Công Thương công bố kế hoạch cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực của mình thời gian qua là một điển hình.

Ở cấp địa phương là phong trào đối thoại giữa chính quyền và DN nhằm tháo gỡ khó khăn và vướng mắc cho người kinh doanh, chưa bao giờ sôi động và thực chất như hiện nay. Các địa phương đều hoàn thành và vượt mục tiêu ít nhất 2 cuộc đối thoại DN hằng năm theo yêu cầu tại Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Với những tuyên bố và hành động cải cách của Chính phủ và những kết quả đạt được bước đầu, cộng đồng DN lạc quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới.  VBF Việt Nam mong sẽ tiếp tục được đồng hành cùng Chính phủ trong hành trình phát triển sắp tới, vì xu hướng cải cách, thuận lợi hoá môi trường kinh doanh đang là xu hướng chủ đạo ở mọi cấp chính quyền.

Còn ông Funayama Tetsu, đồng Chủ tịch Diễn đàn cho biết, với nhà đầu tư thì có 4 vấn đề quan trọng đó là: Chính trị-xã hội ổn định; quy mô thị trường lớn; đất nước có chi phí lao động thế nào; và vị trí địa kinh tế thuận lợi. Đây là các yếu tố Việt Nam đang có.

Riêng dưới góc nhìn các doanh nghiệp Nhật Bản, mới đây, khi công bố kết quả khảo sát về thực trạng các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản ở châu Á-Thái Bình Dương 2016, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang ở Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại đây. Điều này cho thấy Việt Nam là thị trường hấp dẫn cũng như không thể thiếu của những ông chủ người Nhật.

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui, cộng đồng DN vẫn còn thấy nhiều khó khăn và thách thức. Về những hạn chế, Chủ tịch VCCI cho rằng, tuy Việt Nam có sức hấp dẫn nhất nhưng “chưa được xếp hạng cao về chất lượng thể chế”, thủ tục hành chính vẫn phức tạp, phiền hà, chi phí kinh doanh cao. Dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng nhiều bộ, ngành, nhiều cấp vẫn còn chần chừ trước cải cách.

TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 đã đạt được, số lượng doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng với khoảng  120.000 doanh nghiệp năm 2017. Đặc biệt, khi chúng ta tổ chức thành công APEC trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, các nhà kinh doanh, đầu tư nước ngoài càng tỏ rõ sự quan tâm tới Việt Nam.

“Đây là đỉnh cao nhất trong vòng 17 năm chúng ta có Luật Doanh nghiệp, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều trở ngại, chặng đường cải cách còn nhiều khó khăn. Chúng ta có nhiều cải thiện với chính mình nhưng chuẩn mực OECD còn là khoảng cách khá xa”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Đồng tình với quan điểm của TS. Vũ Tiến Lộc, ông Hirohide Sagara, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, bên cạnh việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì cần phải duy trì được môi trường kinh doanh với các điều kiện kinh doanh tốt, giảm chi phí, tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng là những giải pháp thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.

“Vì vậy, một trong những chủ đề chính của VBF kỳ cuối năm 2017 là thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân bên cạnh hai chủ đề là nâng cao năng suất và cải cách thủ tục hành chính”, ông Sagara cho biết thêm.

Huy Thắng
424 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 763
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 763
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76787388