Đối thoại chính sách tăng năng suất lao động cho Việt Nam 

(ĐCSVN) - Quản trị tinh gọn hướng tới tăng năng suất lao động (NSLĐ), chú trọng thu hút môi trường đầu tư cũng như tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, duy trì hiệu ứng nội ngành để dẫn dắt NSLĐ Việt Nam... là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

 

Các diễn giả tại Đối thoại. (Ảnh: HNV)

Đây là những thông tin được khẳng định tại đối thoại chính sách “Tăng NSLĐ cho Việt Nam” diễn ra ngày 26/9 ở Hà Nội. Sự kiện do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức nhằm tạo diễn đàn cùng trao đổi, thảo luận, tìm kiếm các giải pháp để tăng NSLĐ Việt Nam, phát triển bền vững.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) tương đối cao, song NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp khi so sánh với NSLĐ bình quân của các nhóm nước phân chia theo thu nhập. Cụ thể, năm 2017, NSLĐ Việt Nam gấp 2 lần NSLĐ trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng hơn 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và chỉ bằng 18,3% nhóm các nước trung bình cao.

Theo kết quả nghiên cứu của VEPR, trong giai đoạn nghiên cứu (2008 – 2016), các ngành kinh tế vẫn duy trì NSLĐ ở mức cao là khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí, nước nóng; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản và cung cấp nước.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có NSLĐ chưa cao, trong khi ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản nằm trong số các ngành có NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.

Trong tương quan với các nước so sánh, NSLĐ Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia trong 3 ngành: khai mỏ và khai khoáng; tài chính bất động sản và dịch vụ văn phòng; dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.

Ở chiều ngược lại, NSLĐ của Việt Nam thấp nhất, xếp liền sau Campuchia ở 3 ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải, kho bãi, truyền thông.

TS. Nguyễn Đức Thành đặc biệt lưu ý rằng, có dấu hiệu cho thấy tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam đã và đang chuyển dần từ phụ thuộc vào cường độ vốn sang năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP - là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động…)

Toàn cảnh sự kiện. (Ảnh: HNV)

Trong giai đoạn 2008-2016, NSLĐ tăng trưởng thêm 0,225 lần (22,5%). Hiệu ứng nội ngành và hiệu ứng dịch chuyển làm tăng NSLĐ, trong khi hiệu ứng tương tác làm giảm tăng trưởng NSLĐ.

Như vậy, nếu Việt Nam có thể mở rộng thị trường quốc tế nhanh hơn nữa cho các ngành cho NSLĐ cao thì sẽ giảm nhẹ được hiệu ứng làm giảm tăng trưởng NSLĐ.

“Hiệu ứng nội ngành dần vượt qua hiệu ứng dịch chuyển để dẫn dắt NSLĐ của Việt Nam là xu hướng tích cực và cần được duy trì”, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.

Tập trung nghiên cứu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Lê Văn Hùng (Viện Kinh tế Việt Nam) nêu ra một nhận định đáng ngạc nhiên: Mặc dù khu vực này giữ vai trò quan trọng đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam, nhưng phần lớn là do lao động dịch chuyển từ khu vực nội địa NSLĐ thấp (nông, lâm nghiệp, thuỷ sản) sang khu vực FDI với NSLĐ tuyệt đối cao hơn.

Đóng góp từ tăng trưởng NSLĐ của chính khu vực FDI (đã trừ phần đóng góp dịch chuyển) chiếm tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều.

Chuyên gia Lê Văn Hùng cũng gợi ý chú trọng chất lượng của dòng vốn FDI, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và có những hành động cụ thể hơn…

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đăng Minh, Phó Viện trưởng Viện quản trị kinh doanh cho rằng, cần áp dụng quản trị tinh gọn để hướng tới tăng NSLĐ và phát triển bền vững. Việc áp dụng tinh gọn trong quản trị sẽ góp phần loại bỏ lãng phí trong sản xuất cũng như tăng cường các sáng kiến cải tiến sản xuất.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Hồ Đình Bảo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân còn gợi ý, cần tính toán lại NSLĐ một cách chi tiết hơn trong nghiên cứu để đảm bảo tính khách quan, khoa học cũng như chứng minh rõ nét hơn xu hướng tăng trưởng nội ngành có những đóng góp trong thực tế như thế nào tới tăng NSLĐ. Bên cạnh đó, chuyên gia Hồ Đình Bảo cũng cảnh báo về việc cổ phần hóa dù đây là chủ trương đúng đắn nhưng phải hết sức cân nhắc, thận trọng khi triển khai đồng thời phải chỉ ra được chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới để tận dụng và phát huy hiệu quả thực sự của hoạt động này đối với nền kinh tế trong nước nói chung và tăng NSLĐ nói riêng./.

Hà Anh

447 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1373
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1373
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87171348