Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội 

(Chinhphu.vn) - Ngày 7/4, Thời báo Tài chính Việt Nam (Bộ Tài chính) và Tạp chí Nhà đầu tư (Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) phối hợp tổ chức diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội".

 

Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội  - Ảnh 1.

Diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội" - Ảnh: VGP

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành KPMG Việt Nam đánh giá cao sự chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam giúp các doanh nghiệp (DN) vượt qua thách thức trong thời gian đại dịch.

"Năm qua là năm thách thức, tác động về mặt kinh tế không phải công bằng cho tất cả các DN. Nhiều DN gặp khó khăn, nhưng cũng có nhiều DN đón đầu được cơ hội phát triển, đặc biệt là DN du lịch. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN để vượt qua đại dịch. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia duy trì đà phát triển GDP, đạt thành tựu đáng khen ngợi", ông Warrick Cleine nói.

GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE góp ý, nên có luật quy định chặt chẽ về thủ tục hành chính, ví dụ giới hạn 2.000 hay 3.000 thủ tục hành chính, tránh trường hợp phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết. Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài nhận được nhiều phản ảnh của các DN nước ngoài. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã có những thay đổi, nhưng thực tế DN thấy thủ tục vẫn rất phức tạp, còn hiện tượng nhũng nhiễu.

GS. Nguyễn Mại nêu quan điểm không nên chỉ tính tới thu chi ngân sách, mà cần coi trọng vấn đề phục hồi kinh tế, hướng tới lợi ích dài hạn.

Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Luôn lắng nghe ý kiến của DN và tiếp thu để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền, với lãnh đạo Nhà nước tháo gỡ vướng mắc cho DN phát triển - Ảnh: VGP

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước bị suy giảm nhưng vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi ngân sách Nhà nước, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh… Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng DN thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng DN an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.

Bộ Tài chính luôn lắng nghe ý kiến của các DN và tiếp thu để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền, với lãnh đạo Nhà nước tháo gỡ vướng mắc cho DN phát triển. Bộ cũng suy nghĩ về việc ban hành chính sách để đảm bảo mục tiêu tài chính đất nước, tài chính dân cư phát triển, đảm bảo phát triển hài hòa, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sang năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Bộ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

"Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và áp dụng ngay từ ngày 1/2/2022. Chính sách này được ban hành từ rất sớm. Dự kiến năm 2022 giảm thuế, phí, lệ phí tối đa lên đến 64.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính đối với cộng đồng DN", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Về gói kích cầu thực hiện Chương trình phục hồi, Bộ trưởng cho biết, gói hỗ trợ chỉ thực hiện trong 2 năm (2022-2023), đòi hỏi các chương trình, kế hoạch phải thực hiện nhanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Với chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, để sát cánh cùng DN", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Phân tích thêm về việc giá xăng tăng, Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ Tài chính không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế.

Tuy vậy, người đứng đầu ngành tài chính nêu quan điểm: Kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, giảm thuế chỉ là một phần nhỏ.

Ngoài giải pháp thuế, còn phải tính toán bảo đảm tính đồng bộ quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, bảo đảm nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế. Giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Lào, Trung Quốc và một số quốc gia lân cận là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý.

"DN cần nhất là thị trường, vốn, lao động và cơ sở hạ tầng, cởi mở thủ tục hành chính, do đó với chức năng, quyền hạn, phạm vi công tác Bộ Tài chính sẽ cùng đồng hành với DN", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Phân tích thêm về những chính sách miễn, giảm thuế, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đã xây dựng dự thảo 2 nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, gồm: Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 và Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. 

Cơ quan thuế đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố; đồng thời, ngày 28/3/2022, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo 2 nghị định nói trên. 

Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang hoàn thiện dự thảo nghị định để gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 4/2022. "Trường hợp được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn vào khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng. Khoản gia hạn này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với DN, cá nhân khi có thêm nguồn tài chính", đại diện cơ quan thuế chia sẻ thông tin. 

Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội  - Ảnh 4.

Đại diện Hiệp hội đối thoại tại Diễn đàn - Ảnh: VGP

Với ngành hải quan, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, ngành luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thương mại, duy trì dòng chảy lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa. 

Tổng cục Hải quan đang tập trung nguồn nhân lực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về hải quan. 

Về cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đã chủ trì soạn thảo, trình ban hành Quyết định 07/2021/QĐ-TTg ngày 2/3/2021, Thông tư số 82/2021/TT-BTC ngày 30/9/2021, Thông tư số 121/2021/TT-BTC với các giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và giảm chi phí kinh doanh cho DN. 

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản cốt lõi trong lĩnh vực hải quan và các thông tư hướng dẫn, Tổng cục Hải quan đã đề xuất cắt giảm những chứng từ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bản thân cơ quan hải quan đã thực hiện thông quan điện tử, giảm tiếp xúc giữa hải quan với DN và thông quan nhanh. Hiện, 66% luồng xanh, gần 30% luồng vàng và 3% luồng đỏ. Sắp tới hải quan sẽ có chương trình giúp DN tự tuân thủ pháp luật, nâng tỉ lệ luồng xanh lên, đáp ứng được yêu cầu thông quan. 

Tuy nhiên, dù chính sách có rõ ràng minh bạch, ông Hoàng Việt Cường nhận định, cần tổ chức thực hiện cần nâng cao trình độ cán bộ, cũng như cộng đồng DN. Cần nâng cao kiến thức về chính sách thực hiện, thông hiểu các quy định hải quan, nhất là quy định DN trực tiếp làm.

“Ngành hải quan sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, đồng hành cùng DN để phấn đấu cải cách thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng, tạo thuận lợi cho DN để cắt giảm chi phí và thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ. 

Anh Minh

 
662 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 631
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 631
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88300993