Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch 

(Chinhphu.vn) - Việc tổ chức Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững APEC sẽ góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực trong hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về du lịch bền vững đã chính thức khai mạc vào sáng 19/6, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Tham dự hội nghị có khoảng 150 đại biểu của 21 nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, diễn giả của các tổ chức quốc tế uy tín như Tổ chức Du lịch Thế giới, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế…

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, đối thoại chính sách về du lịch bền vững là cơ hội tốt để các nền kinh tế thành viên APEC cùng nhau xác định rõ thực trạng và đề ra các hành động thiết thực, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, góp phần triển khai thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Những nỗ lực hiệu quả của các thành viên của khu vực trong phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần quan trọng vào tương lai chung về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương năng động, gắn kết, bền vững và bao trùm.

Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, TS. Alan Bollard đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam khi tổ chức Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững. Mục tiêu để phát triển nền kinh tế của 21 thành viên APEC đều hướng tới việc cải thiện mức sống của người dân địa phương. Theo ông Alan Bollard, để phát triển du lịch bền vững, vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn. Thêm vào đó, các nền kinh tế cần tập trung vào các lợi thế địa phương đồng thời chú trọng việc bảo vệ môi trường hơn nữa.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho rằng: Sự kiện “Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững” được tổ chức tại TP. Hạ Long là cơ hội lớn để ngành du lịch Việt Nam trong đó có du lịch Quảng Ninh tiếp cận, làm sâu sắc thêm quan hệ với các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Việc tổ chức Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững APEC sẽ góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực, trong hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững. Trước bối cảnh phát triển bền vững đang là chủ đề được quan tâm tại các diễn đàn du lịch thế giới nói chung và khu vực APEC nói riêng, Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững APEC là cơ hội để các nền kinh tế cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác, hội nhập trong khu vực, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững.

Tại Diễn đàn, các nhà lãnh đạo du lịch APEC sẽ thông qua Tuyên bố về phát triển du lịch bền vững, bao gồm các khuyến nghị, định hướng cụ thể để phát triển du lịch bền vững tại khu vực APEC, khuyến khích nhóm công tác du lịch tập trung vào sự bền vững và toàn diện về xã hội, kinh tế và tài chính trong các hoạt động trong tương lai khi du lịch là ngành có khả năng đặc biệt trong việc tạo ra các cơ hội đối với các nền kinh tế APEC; thúc đẩy kết nối nhằm tăng cường tăng trưởng toàn diện thông qua việc tạo điều kiện để du lịch phát triển tại nhiều khu vực địa lý hơn nữa ở các nền kinh tế; cân nhắc việc thành lập mạng lưới các điểm đến du lịch phát triển đồng bộ, bền vững, toàn diện giữa các nền kinh tế.

Đồng thời, hợp tác với các diễn đàn khác trong APEC và các tổ chức khu vực và quốc tế liên quan nhằm chia sẻ các điển hình tốt, thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ trong phát triển du lịch bền vững, nhấn mạnh các điển hình tốt của các nền kinh tế về phương pháp theo dõi và đo lường nhằm phát triển du lịch bền vững giữa các nền kinh tế.

Phương Liên

582 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 871
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 871
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87072717