Cách đây vài năm, trước thực trạng Quảng Trị là vùng đất nghèo, 70% số dân làm nông nghiệp, đội ngũ lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở: Làm thế nào để người dân có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương? Ðể tìm ra lời giải các cán bộ lãnh đạo tỉnh đã tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp ở một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bà Rịa-Vũng Tàu…, từ đó xác định hướng đi đúng của Quảng Trị là cần chuyển đổi sang làm nông nghiệp hữu cơ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Ðồng đã cùng các cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị tìm hiểu một số doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ và nhận thấy công nghệ sản xuất của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Ðại Nam là phù hợp.
Tỉnh Quảng Trị quyết định liên kết với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Ðại Nam để xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ bằng công thức chỉ bón phân và tưới nước. Theo mô hình này, trước tiên phải vận động các hộ gia đình thực hiện dồn điền đổi thửa, gom những mảnh ruộng nhỏ lẻ lại thành những cánh đồng lớn. Các cán bộ khuyến nông thường xuyên xuống tận chân ruộng hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác. Trong quá trình trồng và chăm sóc, nông dân ở các hợp tác xã (HTX) tại Quảng Trị chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Ong Biển được sản xuất tại nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu và tưới nước, không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như bất cứ loại phân hóa học nào. Ðây là loại phân bón sử dụng nguyên liệu đa hữu cơ cao cấp, giàu chất dinh dưỡng từ phế phụ phẩm các nhà máy chế biến thủy sản, bùn sinh khối từ các loại chất thải lỏng sinh hoạt, chất thải gia súc, gia cầm, kết hợp bã bùn và mật mía... Tất cả đều được thu gom và vận chuyển về xử lý tại nhà máy xử lý chất thải của công ty trước khi làm nguyên liệu sản xuất phân bón. Nhà máy có công suất xử lý hơn 900 nghìn m3/ năm, sử dụng công nghệ thủy sinh với sự tham gia của các vi sinh vật hữu ích bảo đảm các chất hữu cơ được phân giải cao nhất, hạn chế được sâu bệnh và cỏ dại.
Nhớ lại những ngày đầu liên kết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Trần Thanh Hiền cho biết, thời điểm đó, thuyết phục được doanh nghiệp hợp tác đã khó, nhưng nhận được sự đồng thuận của người dân còn khó hơn nhiều. Ðể người dân từ bỏ thói quen sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, đồng ý tham gia vào chuỗi liên kết nông nghiệp hữu cơ, cán bộ khuyến nông tỉnh phải tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đến từng hộ dân vận động, giải thích cho họ những lợi ích khi làm lúa hữu cơ. Doanh nghiệp sẽ bảo đảm việc cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Công ty còn ký hợp đồng với nông dân cam kết nếu trong quá trình canh tác, lúa bị sâu bệnh dẫn tới năng suất không cao, sẽ được đền bù. Vụ lúa đầu coi như để cải tạo đất, làm cho đồng ruộng hoang hóa, bạc màu trở nên màu mỡ hơn. Kết quả, sau bốn vụ lúa liên tục canh tác, tính đến thời điểm này, sản lượng lúa đã đạt 8 tấn/ha, tiến tới nâng lên 15 tấn/ha. Tổng giám đốc Công ty TNHH Ðại Nam Trần Ngọc Nam chia sẻ, khi được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị ngỏ ý muốn mời hợp tác làm nông nghiệp sạch, ông khá lo lắng, bởi không giống như các vùng khác, đất đai màu mỡ phì nhiêu, Quảng Trị là vùng đất khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi bạc màu, phương pháp sản xuất cũ kỹ vẫn còn trong nếp nghĩ người dân.
Mô hình chuỗi liên kết này đã thực hiện được khoảng ba năm và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Năng suất lúa ổn định, khi thu hoạch được doanh nghiệp thu mua ngay tại chân ruộng với giá thành đã được ký kết trước đó. Nông dân trồng lúa hữu cơ không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm, thu nhập ổn định ở mức từ 30 đến 40 triệu đồng/ha sau khi đã trừ các chi phí. Không chỉ giúp nông dân có cuộc sống ổn định hơn, gạo sản xuất ra được doanh nghiệp và chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu Gạo hữu cơ Ong Biển trồng ở Quảng Trị (hay còn gọi là Gạo hữu cơ Quảng Trị). Ðến nay, Quảng Trị đã triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên tổng diện tích hơn 500 ha với sản lượng lúa tươi thu được gần 3.000 tấn. Giá trị thu nhập bình quân trên một héc-ta lúa hữu cơ/ hai vụ là khoảng gần 100 triệu đồng.
Mới đây, PGS Trần Ðăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh (Ðại học Hiroshima, Nhật Bản) đã làm xét nghiệm các chỉ tiêu và phát hiện gạo hữu cơ Quảng Trị không những sạch mà còn đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng. Trong gạo hữu cơ Quảng Trị còn tìm thấy hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) có tác dụng chống các bệnh tiểu đường, béo phì và bệnh gút. PGS Trần Ðăng Xuân chia sẻ, nhiều hoạt tính quý của hai hợp chất này đang được chúng tôi tiếp tục nghiên cứu. Bởi, theo kết quả bước đầu, hợp chất MA bằng 100, hợp chất MB bằng 50. Trong khi các loại lúa gạo đặc sản mà Ðại học Hiroshima đã từng kiểm chứng thì hai hợp chất nêu trên chỉ được 1%. Còn Tiến sĩ y khoa Ðàm Duy Thiên, thành viên của tổ nghiên cứu khẳng định, thành quả này là minh chứng rõ nét cho việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học nào nhưng cây lúa vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, ổn định, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả nghiên cứu này sẽ giúp nâng tầm giá trị thương hiệu gạo Việt Nam, đồng thời là nguồn nguyên liệu quý mở ra những giải pháp mới cho ngành y trong việc phòng và điều trị một số căn bệnh phổ biến hiện nay.
Tính đến thời điểm này, sau năm vụ lúa, vùng đất Quảng Trị đã hồi sinh, môi trường trong lành, cuộc sống người nông dân đổi thay nhiều. Sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị có mặt ở các thành phố lớn, dần khẳng định thương hiệu. Thời gian tới, gạo hữu cơ Quảng Trị sẽ xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản… "Không chỉ riêng gạo, đầu tháng 7, nhà máy chế biến nông sản hữu cơ với số vốn đầu tư lên tới 100 tỷ đồng đã được khởi công, khi hoàn thành sẽ trở thành một khu phức hợp các công trình chế biến nông sản hữu cơ như cà-phê, lạc, ngô… khép kín từ khâu gieo trồng đến chế biến , đóng gói và thu hồi phụ phẩm. Khi đó, người tiêu dùng sẽ có cơ hội được tiếp cận với nhiều sản phẩm thật sự sạch, an toàn và có lợi cho sức khỏe" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Ðồng chia sẻ.