Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai, BĐBP Quảng Trị giúp nhân dân xã Hướng Lập thu hoạch lúa nước. Ảnh: Thành Phú
Trong tiềm thức của mình, ông Hồ Tác, 71 tuổi, ở bản A Xóc, xã Hướng Lập vẫn chưa quên những ngày tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ông kể: Năm 1965, khi vừa tròn 19 tuổi, ông tình nguyện tham gia lực lượng Thanh niên xung phong. Ông đã cùng nhiều người khác trong xã gùi lương thực, đạn dược với trọng lượng có khi lên đến 80kg đi từ Bãi Hà lên đến bản Tà Rùng mất 3 ngày. Đường đi đã vất vả nhưng khổ nhất vẫn là vượt qua những nơi mà máy bay Mỹ ném bom, bắn phá suốt ngày đêm. Những năm chiến tranh, tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua xã Hướng Lập, vượt ngầm sông Sê Băng Hiêng được bộ đội và Thanh niên xung phong gọi là “Cửa Tử”. Máy bay Mỹ ném bom rải thảm băm nát hết cả rừng, cả núi, dân bản không chịu nổi phải vào hang núi để tránh bom.
Chiến tranh kết thúc, người dân trở về bản cũ để xây dựng cuộc sống mới, song do hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề, tàn khốc, điều kiện địa lý không thuận lợi, trình độ dân trí hạn chế, tục tập lạc hậu đè nặng nên Hướng Lập vẫn chưa thể vươn lên. Trăn trở trước cái nghèo của địa phương mình, cán bộ và nhân dân xã Hướng Lập đã tìm mọi cách để vươn lên bằng chính nội lực, bằng sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và các cấp, các ngành để bây giờ xã đã khác rất xa so với ngày trước.
Trong phát triển kinh tế, Hướng Lập đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng khai thác tiềm năng, lợi thế, tập trung thâm canh và khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, trồng cây sắn nguyên liệu, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và bảo vệ rừng. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã trên 248ha, trong đó, 68ha ruộng nước với sản lượng đạt 3,2 tấn/ha; 90ha lúa nương, năng suất bình quân đạt 1,4 tấn/ha, 18ha cây thực phẩm; 42ha cây sắn nguyên liệu... và 685ha cây lâm nghiệp (chủ yếu trồng cây bời lời). Năm 2017, toàn xã đã khai thác được 23 tấn vỏ bời lời khô với giá bán bình quân 12.000đồng/kg. Tổng đàn gia súc của xã đạt 1.416 con trâu, đàn gia cầm trên 2.300 con cùng với 1,4ha mặt nước ao, hồ để nuôi cá các loại...
Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thị Thiết cho biết: Hướng Lập có 5 thôn và 8 bản với dân số 366 hộ/1.664 khẩu, chủ yếu là dân tộc Vân Kiều, chiếm 98,64%. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế hiệu quả. Những năm trước đây, từ các nguồn vốn của Chương trình 30a, 135, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... mà nhân dân các thôn, bản của xã Hướng Lập có điều kiện đầu tư xây dựng, làm công trình thủy lợi để khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước, trồng cây lâm nghiệp và nhất là trồng thêm được 42ha sắn giống KM94 - loại cây đã giúp cho nhiều địa phương vùng cao tỉnh Quảng Trị thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng ở Hướng Lập cũng được triển khai thực hiện tốt, toàn xã có 53 hộ dân được giao bảo vệ 6.500ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, góp phần nâng độ che phủ rừng đạt 74,8%. Xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân về bảo vệ và phát triển vốn rừng, nâng cao ý thức, chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng. Nhờ vậy, trên địa bàn xã cơ bản không còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản và săn bắn động vật hoang dã trái phép. Đổi thay rõ nét nhất ở Hướng Lập chính là lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Hiện nay, tất cả các thôn, bản đều có trường để trẻ đến lớp, vì vậy mà nhiều năm liền, Hướng Lập đạt tỷ lệ 100% trẻ trong độ tuổi quy định đều được đến trường đúng cấp học. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng từng bước được nâng lên, toàn xã có trên 90% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 70% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và 60% gia đình có ti vi để xem các chương trình truyền hình.
Tuy hộ nghèo của xã Hướng Lập giảm mạnh qua từng năm, song theo báo cáo của địa phương thì đến hết năm 2017, Hướng Lập vẫn còn tới 68,32% hộ nghèo và 17,30% hộ cận nghèo. Để định hướng phát triển kinh tế những năm tiếp theo, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, theo Bí thư Đảng ủy Hồ Thị Thiết thì Hướng Lập sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nguyên liệu, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, gắn với thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng...
Có thể tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của các cá nhân, đơn vị, tổ chức xã hội, diện mạo xã biên giới Hướng Lập sẽ có những khởi sắc rõ nét, đời sống người dân có những bước thay đổi vượt bậc. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế, củng cố an ninh-quốc phòng và đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguyễn Thành Phú