|
Bác sĩ trẻ của Dự án 585 công tác tại Trung tâm y tế huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Từng bước đổi thay chất lượng
Là 1 trong 22 tỉnh trên cả nước tham gia Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Đề án 585) của Bộ Y tế, hiện nay, Nghệ An có 4 huyện nghèo đã tiếp nhận 11 bác sĩ trẻ chuyên khoa I, được đào tạo liên tục trong 2 năm theo hình thức “cầm tay chỉ việc” 1 thầy 1 trò, tại 3 trường đại học uy tín của cả nước gồm: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược Huế và Đại học Y dược Hải Phòng.
Các bác sĩ này thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau như xét nghiệm, ngoại khoa, nội khoa, sản khoa, hồi sức cấp cứu… đang công tác tại 4 huyện nghèo của Nghệ An gồm: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Phong, Quế Châu.
Tại buổi đánh giá và rà soát nhu cầu đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực y tế vùng khó khăn tại tỉnh Nghệ An mới đây, ông Trần Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết, cùng với 13 bệnh viện tuyến tỉnh, 7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện hạng 2, 21 Trung tâm y tế tuyến huyện, hơn 400 trạm y tế xã, phường, thị trấn và hệ thống y tế ngoài công lập, tỉnh Nghệ An đứng thứ 3 cả nước về số lượng các cơ sở y tế… Tuy nhiên, chất lượng của các bác sĩ nơi đây chưa đồng đều. Đặc biệt, có đơn vị thông báo tuyển dụng nhiều lần nhưng không thể tuyển dụng được bác sĩ do nguồn thu ít, không được nâng cao chuyên môn, thiếu trang thiết bị y tế, nhất là các cơ sở y tế tuyến huyện…
Bên cạnh đó, với 3/4 diện tích toàn tỉnh là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, nên việc di chuyển bệnh nhân từ vùng cao xuống trung tâm tỉnh rất vất vả, thậm chí có nơi gần như không thể chuyển bệnh nhân nặng vì quãng đường di chuyển ra tới trung tâm tỉnh phải đi cả ngày đường.
“Có cơ sở khi gặp phải trường hợp hai bệnh nhân cùng cấp cứu một lúc thì nguy cơ nguy hiểm tính mạng bệnh nhân rất cao”, Phó Giám đốc Sở y tế tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Là 1 trong 4 huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, cách trung tâm tỉnh hơn 250km, được hưởng thụ Dự án 585 khi tiếp nhận 3 bác sĩ trẻ về công tác, BSCKI Moong Thị Thắm, Phó Giám đốc TTYT huyện Kỳ Sơn, chia sẻ, rất may mắn, 3 bác sĩ được đào tạo theo chương trình của Dự án 585 đều là các bác sĩ “tại chỗ” của TTYT huyện Kỳ Sơn được tuyển dụng và đào tạo. Khi trở về địa phương công tác sau 2 năm học liên tục, các bác sĩ trẻ làm việc rất tốt. Đặc biệt, các bác sĩ đã chuyển giao cho các bác sĩ tại cơ sở nhiều kỹ thuật khó như gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu…
“Năm 2018, TTYT huyện Kỳ Sơn được hỗ trợ một máy nội soi. Khi có bác sĩ trẻ về công tác, công suất của máy đã được sử dụng tối đa, người dân được khám chữa bệnh ngay tại địa phương mình”, BS Moong Thị Thắm cho biết.
Ông Vy Xuân Chiến, Giám đốc TTYT huyện Tương Dương cũng cho biết, 2 bác sĩ chuyên khoa I từ tuyến Trung ương, được đào tạo theo Đề án 585 về hỗ trợ đơn vị trong hơn 1 năm qua, cũng đã triển khai tốt các dịch vụ kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến kỹ thuật, đồng thời còn xuống hỗ trợ chuyên môn cho tuyến xã.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cũng nhận định, hơn 1 năm công tác vừa rồi, 11 bác sĩ trẻ đã phát huy hiệu quả trong quá trình khám chữa bệnh cho người dân tại 4 huyện nghèo của tỉnh. Đặc biệt, các bác sĩ đã triển khai nhiều danh mục kỹ thuật, trong đó có một số danh mục kỹ thuật mới, một số danh mục kỹ thuật mà trước đây các cơ sở huyện nghèo còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện như mổ dạ dày, phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng… Chính vì vậy, việc đưa bác sĩ trẻ có chuyên môn cao về các huyện nghèo công tác cũng như đào tạo nguồn nhân lực “tại chỗ” có ý nghĩa rất quan trọng, vừa mang tính nhân văn, vừa giúp người dân được hưởng thụ và tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe.
“Ngành y tế tỉnh cũng rất quan tâm vấn đề phân bổ trang thiết bị y tế cho các huyện nghèo, khi bác sĩ trẻ về công tác sẽ có điều kiện về trang thiết bị kỹ thuật để phát huy chuyên môn, phát triển các dịch vụ kỹ thuật, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn”, ông Trần Minh Tuệ cho biết.
Theo TS Nguyễn Thế Hiển, Điều phối viên Dự án 585, đến nay, với 11 khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa I đã tốt nghiệp, Dự án 585 đã bàn giao 244 bác sĩ cho 76 huyện nghèo thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Tất cả các cơ sở đã tiếp nhận bác sĩ trẻ đều có mong muốn tiếp tục tăng thêm các chỉ tiêu về hỗ trợ địa phương, đặc biệt là các bác sĩ “tại chỗ” được tuyển dụng đào tạo, để khi về địa phương họ yên tâm công tác.
TS Nguyễn Thế Hiển cũng cho biết, mới đây, qua rà soát nhu cầu đào tạo của 7 tỉnh trên cả nước, có hơn 250 hồ sơ đăng ký tham gia được đào tạo theo dự án, tuy nhiên trong giai đoạn mới này với nhà tài trợ mới là Quỹ Thiện tâm, năm 2021, dự án dự kiến sẽ đào tạo 50 chỉ tiêu bác sĩ trẻ chuyên khoa I phân bổ cho 7 tỉnh, trong đó Nghệ An có 8 hồ sơ đăng ký.
|
Đề án mới về đào tạo nhân lực y tế vùng khó khăn của Bộ Y tế dự kiến mở rộng nhiều đối tượng từ điều dưỡng, y sĩ, kỹ thuật viên, hộ sinh...ở các vùng khó khăn đều được đào tạo nâng cao chuyên môn. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Từ thí điểm đến sự bài bản!
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo sau Đại học, ĐH Y Hà Nội – đơn vị trực tiếp đào tạo các bác sĩ trẻ chia sẻ, đội ngũ bác sĩ trẻ không chỉ phát huy năng lực góp phần từng bước thay đổi chất lượng y tế huyện nghèo tại Nghệ An, mà còn nhiều địa phương khác trên cả nước. Tại huyện nghèo miền núi Mường Tè, tỉnh Lai Châu, người dân đã rất quen thuộc với tên gọi “bác sĩ Hà Nội ở Mường Tè” khi nói về bác sĩ trẻ Sùng Seo Tỏa – tham gia Dự án 585 chuyên ngành sản phụ khoa. Giảng viên “cầm tay chỉ việc” tại BV Phụ sản Trung ương cũng đánh giá Sùng Seo Tỏa khi tốt nghiệp chuyên khoa I, có tay nghề còn chắc hơn cả bác sĩ nội trú mới ra trường.
Trường hợp bác sĩ trẻ Nguyễn Chiến Quyết sau khi hết thời hạn công tác tại huyện nghèo Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cũng đã viết đơn xin thêm thời gian ở lại đơn vị công tác. Đây là những thành công lớn của dự án, TS Nguyễn Mạnh Hà đánh giá.
Theo quy định mới, Dự án 585 đã được bổ sung đối tượng được tham gia gồm các bác sĩ đào tạo hệ liên thông tốt nghiệp loại khá, giỏi; bác sĩ đào tạo chính quy tốt nghiệp loại khá, giỏi đã được tuyển dụng làm việc tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Dự án cũng bổ sung tăng độ tuổi bác sĩ tham gia như nữ không quá 37 tuổi, nam không có 40 tuổi. Dự án cũng quy định thời gian công tác của các bác sĩ trẻ đã được tuyển dụng tại địa phương, nếu đủ điều kiện tham gia dự án, sau khi đào tạo phải cam kết công tác 5 năm tại tuyến y tế cơ sở đã được tuyển dụng trước đó... Đây là cột mốc đánh dấu dự án chuyển sang giai đoạn mới.
Đặc biệt, từ những thành công khi thí điểm Đề an 585, TS Nguyễn Thế Hiển cho biết, Bộ Y tế đang trình Chính phủ Đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn giai đoạn 2021-2030. Nếu như Đề án 585 chỉ giải quyết được duy nhất một đối tượng là bác sĩ chuyên khoa I , thì Đề án Bộ Y tế đang trình Chính phủ sẽ mở rộng rất nhiều đối tượng được đào tạo, từ điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh, y sĩ… đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học, đại học lên chuyên khoa I, và có thể lên chuyên khoa II ở một số chuyên ngành, tiến tới đảm bảo bền vững nguồn nhân lực cho các địa phương, đặc biệt là tại các vùng khó khăn.
Các đối tượng tham gia đề án này dự kiến phải đảm bảo tối thiểu còn 5 năm làm việc cho y tế cơ sở vùng khó khăn kể từ thời điểm tốt nghiệp khóa đào tạo đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ. Có cam kết thời gian làm việc tối thiểu 5 năm tại y tế cơ sở vùng khó khăn sau khi tốt nghiệp.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% trạm y tế xã có bác sĩ được đào tạo nâng cao, đến 2030 có 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện có đầy đủ bác sĩ làm việc hữu cơ.
Hiền Minh